Diễn biến mới nhất về hoạt động của Formosa sau sự cố môi trường

Chiều 10/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có thông báo về kết quả khắc phục các tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường của Formosa Hà Tĩnh sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.
Diễn biến mới nhất về hoạt động của Formosa sau sự cố môi trường ảnh 1Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chiều 10/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có thông báo về kết quả khắc phục các tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường của Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) sau sự cố gây ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung.

Theo thông báo, đến nay FHS đã hoàn thành việc chuyển 500 triệu USD bồi thường thiệt hại cho Chính phủ Việt Nam theo cam kết và đang thực hiện nghiêm túc các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc chuyển đổi công nghệ sản xuất.

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, hiện tại, FHS đã hoàn thành 9 hệ thống xử lý nước thải cục bộ cho các hạng mục của Tổ hợp gang thép. Các trạm xử lý nước thải sinh hoạt, sinh hóa và công nghiệp, các hệ thống xử lý khí thải đã được FHS vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường quy định trước khi thải ra môi trường.

Tuy nhiên, để nâng cao hệ số an toàn, khả năng ứng phó sự cố môi trường trong quá trình vận hành, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã yêu cầu Formosa phối hợp với các cơ quan tư vấn, khoa học kỹ thuật, chuyên gia môi trường trong nước và quốc tế xây dựng, lập kế hoạch cải thiện các công trình bảo vệ môi trường của dự án, đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/3/2017 (trước khi lò cao đi vào vận hành chính thức).

Ngoài ra, thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, trong quá trình thực hiện dự án, FHS sử dụng công nghệ lò cao cỡ lớn (dung tích 4.350m3/lò) để phục vụ quá trình luyện thép và các hạng mục công trình phụ trợ là công nghệ tiên tiến của các nước phát triển. Tuy nhiên, FHS hiện đang sử dụng công nghệ làm nguội than cốc bằng phương pháp ướt (dùng nước tuần hoàn) thay vì làm nguội theo phương pháp khô (dùng khí trơ N2) như đã cam kết.

Để thực hiện đúng cam kết với Chính phủ Việt Nam, FHS đã phối hợp với các hãng sản xuất trên thế giới lựa chọn công nghệ tiên tiến để thực hiện chuyển đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô (hệ thống CDQ). Việc chuyển đổi này sẽ được khởi công từ ngày 31/3/2017 và cam kết hoàn thành hệ thống CDQ trước ngày 30/6/2019.

“Trong thời gian chưa hoàn thành các hệ thống CDQ nêu trên, FHS sẽ xây dựng trạm xử lý tuần hoàn nước dập cốc để xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi tía sử dụng. Đồng thời FHS cũng sẽ nghiên cứu thực hiện áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn trong hoạt động sản xuất, đặc biệt đối với nhà máy điện,” thông báo nêu rõ.

Để kiểm tra, giám sát việc thực hiện của FHS, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh kiểm tra, giám sát liên tục, định kỳ và đột xuất với FHS; đồng thời trưng cầu Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường thực hiện việc đo đạc, lấy, bảo quản và phân tích mẫu môi trường để kiểm chứng.

Theo đó, FHS chỉ được xem xét, cho phép vận hành chính thức các công trình sản xuất khi và chỉ khi hoàn thành các hạng mục công trình liên quan đến xử lý chất thải và kiểm soát, giám sát chất thải, đặc biệt là hoàn thành hệ thống hồ sinh học để kiểm soát nước thải sinh hóa và công nghiệp sau xử lý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục