Điện Biên: Người Mông đỏ lửa lò rèn, giữ nét truyền thống của dân tộc

Chính quyền địa phương và người dân tộc Mông xã Mường Phăng đang nỗ lực gìn giữ nghề rèn để xây dựng thành một sản phẩm du lịch văn hóa.

Anh Cứ A Nếnh vừa là Bí thư chi bộ xã Lọng Háy, vừa là một thợ rèn lành nghề. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Anh Cứ A Nếnh vừa là Bí thư chi bộ xã Lọng Háy, vừa là một thợ rèn lành nghề. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Mặt Trời vừa ló rạng, ngôi nhà nhỏ của bố con ông Cứ A Lộng (64 tuổi) và anh Cứ A Nếnh (40 tuổi), người Mông ở bản Lọng Háy, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã rộn tiếng quai búa chan chát. Hai bố con thường nổi lửa lò rèn vào lúc sáng sớm rồi mới đi thả trâu và làm những việc đồng áng khác.

Họ đang ngày ngày gìn giữ nghề rèn bởi đây không chỉ là một công việc để kiếm thêm thu nhập mà còn giữ nét truyền thống trong văn hóa của người Mông.

"Kỹ nghệ" rèn đặc biệt của người Mông

Vừa làm, anh Nếnh vừa thủng thẳng: “Từ bé, tôi đã theo bố học nghề rèn. Dao của người Mông tốt lắm, khi nào cùn thì lại mài cho sắc, cho bóng. Dùng đến mòn sắt mới phải bỏ đi.”

Hiện nay, người Mông ở Mường Phăng thường rèn dao nhỏ để làm bếp, dao to để chặt củi, đi rừng, liềm và một số nông cụ khác.

vnp_ rendao 2.jpg
Anh Cứ A Nếnh là một trong những người đang gìn giữ nghề rèn của dân tộc Mông. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Lò rèn của người Mông không cầu kỳ, chỉ có một ụ đất làm lò, một khối sắt to, nhẵn làm đe và một cái bễ. Nguyên liệu dùng để rèn được sử dụng chủ yếu là những thanh thép có độ bền và tính đàn hồi tốt từ nhíp ôtô.

Người Mông khá kỹ tính khi chọn than để rèn dao. Anh Nếnh cho hay thường đào một hố đất lớn làm nơi đốt củi. Anh dùng củi từ cây dẻ hoặc các loại cây thân gỗ cứng khác đốt cháy thành than, vùi trong hố đất rồi phủ lá chuối và một lớp đất lên miệng hố, khi than nguội thì có thể lấy ra dùng dần.

“Than phải tốt thì mới có lửa tốt, đủ độ nóng để rèn dao. Than ‘non’ quá sẽ không có đủ nhiệt để làm dao tốt,” anh Nếnh nói.

Người thợ rèn phải là người có sức khoẻ, sự khéo léo và kiên trì mới cho ra lò những sản phẩm tốt và đẹp mắt.

Từ mảnh nhíp ôtô, người thợ rèn cắt ra thành mảnh nhỏ rồi đưa vào nung. Mấu chốt là không được nung quá già lửa cũng không non quá. Khi thanh sắt đỏ vừa đủ thì phải mang ra tán ngay, phải dùng nhiều lực và đều tay.

Là thợ rèn kỳ cựu, ông Lộng cho hay càng tán được đều và nhiều thì sắt càng thôi ra những tạp chất, con dao sẽ có chất lượng tốt hơn, bền hơn.

Để nhận biết thanh thép đã được nung nóng đủ già hay chưa, người thợ rèn phải nhận biết màu đỏ của thép nung bằng mắt thường. Điều này đòi hỏi họ phải rất tinh tế và nhiều kinh nghiệm.

Do đó, người thợ thường làm việc vào lúc sáng sớm. Nếu làm vào những lúc nắng nóng, người thợ dễ bị hoa mắt, nhìn màu đỏ của thanh thép nung không được chuẩn.

vnp_ rendao 11.jpg
Người thợ rèn làm cán dao từ gỗ cứng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Khi con dao đã thành hình thì bước tiếp theo là tôi dao trong thân cây chuối. Anh Nếnh cắm ngập lưỡi dao vào thân chuối để sắt nguội từ từ.

“Ông bà mình từ xưa bảo nhựa chuối giúp cho thân dao được bền và sắc hơn, nếu cho vào nước lã thì lưỡi dao sẽ giòn hơn, khi dùng dễ bị mẻ và gẫy,” anh Nếnh cho biết.

Khi dao được tôi nguội hẳn, người thợ sẽ mài cho lưỡi dao sáng bóng, sắc lẻm. Công đoạn này không đòi hỏi nhiều sức lực, nhưng yêu cầu người thợ phải khéo léo và dẻo tay.

A Nếnh cho hay anh kết hợp máy mài và đá suối để mài dao. Không phải hòn đá suối nào cũng có thể dùng được. Anh khoe với chúng tôi một hòn đá trắng vuông vắn, nặng trịch và bảo đây là hòn đá anh kiếm được ở vùng núi Nà Tấu, huyện Điện Biên. Chọn được đá mài tốt cũng là một bí quyết để giúp hoàn thiện sản phẩm tốt nhất.

Ngày nay, người Mông không hoàn toàn làm dao thủ công mà cùng quạt để thổi lò, dùng máy cắt, máy mài để tạo hình. Tuy nhiên, các công đoạn quan trọng nhất như nung sắt, quai búa, làm tay cầm, tán và tôi dao… vẫn hoàn toàn thủ công. Mỗi người thợ lành nghề thường mất 2-3 tiếng để rèn xong một con dao nhỏ cỡ 20cm.

Bảo tồn nghề truyền thống để phát triển du lịch

Nghề rèn của đồng bào Mông không chỉ tạo ra những nông cụ thiết thực trong đời sống mà còn góp phần duy trì nét văn hóa độc đáo truyền thống của bà con đồng bào dân tộc nơi đây.

Ngày 21/10/2023, nghề rèn của người Mông tỉnh Điện Biên đã được trao giấy chứng nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

vnp_ rendao 13 .jpg
Một sản phẩm dao đã hoàn thành. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Hoàng Trung Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mường Phăng khẳng định việc khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển nghề rèn truyền thống là một việc làm hết sức cấp bách, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá độc đáo riêng của dân tộc.

Theo ông Thành, mặc dù ngày nay thị trường có nhiều loại dao nhưng cộng đồng người Mông ở 4 bản Lọng Luông 1, Lọng Luông 2, Lọng Nghịu, Lọng Háy (xã Mường Phăng) vẫn kiên trì giữ lò rèn đỏ lửa.

Năm 2023, Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Điện Biên Phủ phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Mường Phăng đã tổ chức lớp tập huấn truyền dạy nghề rèn thủ công truyền thống dân tộc Mông tại bản Lọng Háy. Trong thời gian 4 ngày, 15 học viên đã được các nghệ nhân nghề rèn xã Mường Phăng trong đó có ông Cứ A Lộng truyền dạy các công đoạn để làm dao, liềm, thuổng từ việc cắt sắt tạo hình, nung, tôi, mài… Kết thúc lớp tập huấn 100% học viên đã hoàn thành và đạt yêu cầu kế hoạch lớp học đề ra, đã hoàn thiện 30 con dao, 7 cái liềm, 3 cái thuổng.

“Thành công của lớp tập huấn sẽ giúp cho các học viên tiếp tục duy trì, thực hành, nâng cao tay nghề, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, hấp dẫn du khách, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình đồng thời bảo tồn, gìn giữ văn hóa, nghề truyền thống của dân tộc Mông xã Mường Phăng,” ông Thành cho biết.

vnp_ rendao 10.jpg
Anh Cứ A Dụ dùng đá suối và nước để mài dao cho sắc. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Học trò của ông Lộng, anh Cứ A Dụ, 38 tuổi, cho hay ngày đầu tiên anh còn không cầm chắc được cái búa, cái kẹp, cứ mỗi nhát búa giáng xuống, thanh sắt lại trượt ra khỏi đe, rồi chỉ quai búa một ngày là bàn tay anh đỏ lựng lên, trầy da rướm máu. Vậy mà kết thúc khóa học, anh Dụ đã mài dao thoăn thoắt, tự làm ra những sản phẩm khiến thầy Lộng hài lòng.

“Về mặt kỹ thuật thì tôi đã nắm được ngay sau khóa học nhưng kinh nghiệm nhìn lửa và tôi dao thì vẫn phải tích lũy dần dần về sau. Tôi rất vui vì từng được mời đến Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam ở Sơn Tây, Hà Nội và nhiều nơi khác để giới thiệu sản phẩm của nghề rèn Mường Phăng,” anh Dụ nói.

Trong số 15 học viên khóa học rèn dao còn có Trưởng bản Lọng Háy, anh Cứ A Thềnh, 33 tuổi.

rendao.jpg
Các sản phẩm kết quả của khóa tập huấn nghề rèn năm 2023. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Dù anh Thềnh không lựa chọn nghề rèn làm công việc chính để nuôi gia đình nhưng anh vẫn tham gia khóa học để góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Mông.

“Nghề rèn là một sản phẩm văn hoá đặc trưng của đồng bào Mông, nhưng trong bối cảnh hội nhập về văn hoá và kinh tế thị trường, nghề rèn của người Mông cũng như các nghề truyền thống khác đã gặp không ít khó khăn. Do đó, chúng tôi đang rất nỗ lực gìn giữ nghề rèn,” anh Thềnh nói.

Theo Trưởng bản Thềnh, chính quyền địa phương đã xác định nghề rèn là một trong điểm sáng để phát triển du lịch văn hóa. Anh kiến nghị địa phương tăng cường việc truyền dạy nghề rèn cho thế hệ trẻ và tạo cơ hội để người dân có thể giới thiệu cũng như bán sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng như các nơi khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục