Diễn biến tội phạm hàng không ngày càng phức tạp

Qua công tác tuần tra kiểm soát, soi chiếu xuất nhập cảnh và sự phối hợp với cơ quan chức năng, lực lượng an ninh hàng không đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II nhận định những vụ việc vi phạm an ninh hàng không xảy ra thời gian qua không những gây thiệt hại về vật chất, thương hiệu mà nguy hiểm hơn là phương hại trực tiếp đến an ninh, an toàn hàng không Việt Nam.

Trong báo cáo tại Hội nghị về công tác công an đảm bảo an ninh an toàn hàng không dân dụng diễn ra ngày 10/12, ông Trình Văn Thống cho hay lực lượng công an đã phối hợp với lực lượng an ninh sân bay xây dựng kế hoạch liên hoàn phòng, chống tội phạm và đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhất là trong dịp lễ Tết, những ngày cao điểm hoặc trong những thời điểm phức tạp đột xuất…Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II nhìn nhận.

Qua công tác tuần tra kiểm soát, soi chiếu xuất nhập cảnh và sự phối hợp với cơ quan chức năng, lực lượng an ninh hàng không đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm.

Trong đó có 17 vụ tung tin thất thiệt có bom, chất nổ, uy hiếp nghiêm trọng đến an ninh, an toàn các chuyến bay; 23 vụ xâm nhập trái phép vào sân bay; 15 vụ hành khách gây rối, say rượu gây mất trật tự an toàn của chuyến bay; 3 vụ chống lại nhân viên hàng không đang làm nhiệm vụ; 80 vụ mang vũ khí (chủ yếu là sung săn), công cụ hỗ trợ trái phép trong hành lý ký gửi, trong đó đáng chú ý là các vụ mang vũ khí trong hành lý ký gửi từ nước ngoài (Pháp, Nga, Đức) về Việt Nam; 28 trường hợp mang theo dao trong hành lý xách tay…

Từ năm 2010 đến nay, chỉ tính riêng Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý hơn 700 trường hợp, Công an Thành phố Hà Nội xử lý hơn 500 trường hợp về các hành vi trộm cắp hủy hoại công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, xâm nhập sân đậu tàu bay, gây mất trật tự công cộng.

Trong nội địa, những năm qua tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, hoạt động quyết liệt, trắng trợn, tính chất nghiêm trọng. Trong đó, nhiều đối tượng trong nước đã lợi dụng đường hàng không liên kết các vùng miền, địa phương để hoạt động hoặc thay đổi địa bàn lẩn trốn; bọn tội phạm liên quan đến người nước ngoài cũng gia tăng hoạt động, nhiều vụ xảy ra ngay trên các tuyến hàng không.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Tổng Cục An ninh II, hiện nay cơ sở hạ tầng đảm bảo an ninh tại các cảng hàng không chưa đảm bảo yêu cầu, nhiều cảng chưa có hàng rào vành đai, đường tuần tra, bốt gác, chiếu sáng an ninh (chỉ 9/21 cảng có hàng rào tương đối hoàn chỉnh); thiết bị soi chiếu an ninh ở nhiều cảng lạc hậu, khả năng phát hiện kém, chưa trang bị máy phát hiện và xử lý chất nổ.

Hầu hết các cảng chưa có hệ thống cảnh báo đột nhập, nhận dạng tự động, hệ thống camera giám sát chỉ có ở một số cảng quốc tế (Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất) nhưng không giám sát liên tục, toàn bộ các khu vực hạn chế ở sân bay. Các đối tượng vi phạm vẫn có thể đột nhập vào cảng, sân bay bằng cách vượt rào chắn, thâm nhập các đường ngầm dưới đất.

Hiện nay vẫn chưa có Trung tâm khẩn nguy quốc gia đối phó với các hành vi can thiệp bất hợp pháp. Tại các ban chỉ huy khẩn nguy cấp tỉnh, thành phố, huyện đảo chưa được trang bị hệ thống thiết bị phục vụ; các trang thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ trang bị có lực lực an ninh còn hạn chế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục