Diễn biễn trái chiều trên thị trường dầu mỏ châu Á

Sáng 8/10, giá dầu tại thị trường châu Á diễn biến trái chiều trong bối cảnh tranh cãi về vấn đề ngân sách vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Sáng 8/10, giá dầu trên thị trường châu Á diễn biến trái chiều trong bối cảnh tranh cãi giữa lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ về vấn đề ngân sách vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, càng dấy lên lo ngại nước Mỹ có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 11/2013 tăng 6 xu lên mức 103,09 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 13 xu xuống 109,55 USD/thùng.

Chuyên gia phân tích đầu tư thuộc Phillip Futures tại Singapore cho hay trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đóng cửa bước sang ngày thứ tám mà không có dấu hiệu chấm dứt, các nhà đầu tư lo lắng rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu của quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới này. Thất bại trong việc nâng mức trần nợ công lên 16.700 tỷ USD đồng nghĩa với việc chính phủ nước này không có khả năng trả các khoản nợ và Mỹ sẽ một lần nữa rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế.

Trong phiên giao dịch 7/10, tại thị trường New York, giá dầu giảm do sản xuất dầu mỏ tại vùng Vịnh Mexico sẽ bắt đầu hoạt động trở lại, sau khi cơn bão Karen đổ bộ khiến các công ty dầu mỏ phải ngưng sản xuất để đảm bảo an toàn. Chốt phiên này, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 11/2013 giảm 81 xu xuống giao dịch ở mức 103,03 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn chốt phiên tăng 22 xu lên 109,68 USD/thùng.

Thị trường năng lượng cũng chịu áp lực từ bế tắc vấn đề ngân sách tại Washington vẫn tiếp tục diễn ra khiến thời gian Chính phủ Mỹ đóng cửa bước sang tuần thứ hai.

Giá dầu sụt giảm một phần còn do cơn bão Karen đi qua mà không gây ra các thiệt hại lớn đối với cơ sở hạ tầng năng lượng tại khu vực giàu dầu mỏ của Mỹ này./.

Nguyễn Linh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục