Diễn đàn Bác Ngao, BRI và chính trị Đông Á

Diễn đàn Bác Ngao quan trọng, không chỉ từ quan điểm của Bắc Kinh nhấn mạnh một số chính sách kinh tế quan trọng, mà còn trong bối cảnh sáng kiến Vành đai và Con đường và tương lai quan hệ Nhật-Trung.
Diễn đàn Bác Ngao, BRI và chính trị Đông Á ảnh 1Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2019. (Nguồn: people.com.cn)

Trang mạng moderndiplomacy.eu mới đây dăng bài viết với tựa đề "Diễn đàn Bác Ngao, Vành đai và Con đường và Chính trị Đông Á," nội dung như sau:

Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) được thành lập năm 2001, thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, những người đứng đầu các thể chế đa phương và giới học giả.

BFA được nhiều người ví như “Davos Mùa hè” vì người ta bắt đầu chú ý đến sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trên thế giới.

Tại Diễn đàn năm nay được tổ chức ở Bác Ngao, một thành phố ven biển ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), Chủ tịch Tập Cận Bình không có mặt vì đang công du châu Âu.

Nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc cũng không có mặt tại Bác Ngao vì họ đang ở Bắc Kinh để tập trung cho các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.

Năm ngoái, diễn đàn có sự tham dự của nhiều nhân vật quan trọng, trong đó có Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde.

Nhìn chung, diễn đàn năm ngoái quan trọng hơn bởi vì ngoài sự tham dự của Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao Trung Quốc, sự kiện này đã được đưa tin rộng rãi.

Đáng chú ý, bài phát biểu của Tập Cận Bình năm ngoái được phát trên truyền hình Trung Quốc, trong khi bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Lý Khắc Cường thì không.

Thủ tướng Trung Quốc đã nhắc lại sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với hệ thống thương mại đa phương, đồng thời kêu gọi các cải cách trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Lý Khắc Cường cũng nêu một số cải cách quan trọng mà Trung Quốc đang thực hiện và nhất trí thực hiện một số biện pháp để khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Lý Khắc Cường nói rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện các bước đi cụ thể để mở rộng các lĩnh vực như giao thông, cơ sở hạ tầng, viễn thông, chăm sóc y tế và giáo dục.

Kể cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện các chính sách thiển cận, Trung Quốc vẫn cố gắng gây ấn tượng rằng không giống Washington, Bắc Kinh ủng hộ toàn cầu hóa và tự do thương mại.

Điều này được thể hiện trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức tại Davos và Diễn đàn Bác Ngao hồi năm ngoái, ở đó Tập Cận Bình nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ đe dọa bất kỳ ai, không lật đổ hệ thống quốc tế hiện tại.”

Ông cũng xóa tan quan niệm cho rằng Trung Quốc đang tìm cách xây dựng các phạm vi ảnh hưởng.

Mặt khác, Tập Cận Bình tuyên bố rằng ông sẽ đóng góp cho hòa bình thế giới và rằng Bắc Kinh sẽ tìm cách trở thành "một người đóng góp cho phát triển toàn cầu và bảo vệ trật tự quốc tế.”

Diễn đàn Bác Ngao, BRI và hoạt động chính trị ở Đông Á

Diễn đàn này là quan trọng, không chỉ từ quan điểm của Bắc Kinh nhấn mạnh một số chính sách kinh tế quan trọng, mà còn trong bối cảnh của sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) và tương lai quan hệ Nhật-Trung.

[Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2019 đạt được đồng thuận hợp tác]

Đáng chú ý, Sri Lanka đã lên tiếng ủng hộ BRI. Dự án Cảng Hambantota, được Sri Lanka giao cho các công ty Trung Quốc sử dụng trong khoảng thời gian 99 năm, đã góp phần vào số nợ ngày càng tăng của nước này với Trung Quốc và đã được coi là ví dụ của “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc.

Liên quan đến sự hợp tác gần gũi hơn giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở các nước thứ ba, Hiroshi Nakaso - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Daiwa và là cựu Phó Thống đốc Ngân Hàng Nhật Bản (BOJ) - nói rằng trao đổi tiền tệ hồi tháng 10/2018 sẽ thúc đẩy hợp tác bên thế ba giữa các lĩnh vực tư nhân của cả hai nước.

Vấn đề hợp tác ở nước thứ ba là rất đáng quan tâm, bởi vì một mặt, Tokyo đang tìm kiếm một sự thay thế cho BRI, thông qua Quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng chất lượng (PQI), nhưng mặt khác nó cũng sẵn sàng hợp tác khi cần thiết.

Tăng cường sự can dự của Khu vực Hải Nam

Diễn đàn này cũng được sử dụng để củng cố các mối quan hệ giữa khu vực Hải Nam của Trung Quốc với các nước láng giềng, nhưng cũng gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng nó có vai trò quan trọng trong BRI.

Hải Nam, được tuyên bố là Khu thương mại tự do thứ 12 của Trung Quốc trong năm 2018, là rất quan trọng với nhiều lý do. Nó nằm ở vị trí chiến lược và là một thành phần quan trọng của BRI theo như các quan chức cấp cao nhấn mạnh tại diễn đàn gần đây.

Trong khoảng thời gian từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2019, Hải Nam đã nhận được hơn 27 tỷ USD đầu tư.

Vai trò của Hải Nam trong BRI và mối quan hệ với các nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

Cuộc Đối thoại Thị trưởng/Thống Đốc ASEAN-Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các kết nối giữa Hải Nam và các nước Đông Nam Á.

Kim ngạch thương mại giữa Hải Nam và ASEAN ước tính hơn 12,5 tỷ USD trong năm 2018 (khối ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Hải Nam).

Ngoài những liên kết kinh tế, Hải Nam có sự kết nối mạnh mẽ với ASEAN.
Chỉ gần đây thôi, tuyến đường hàng hải Hải Nam-Singapore ASEAN đã bắt đầu hoạt động và được thực hiện bởi chính quyền tỉnh Hải Nam và Công ty đóng tàu đại dương Trung Quốc (COSCO).

Như vậy, Cảng Yangpu ở Hải Nam đã trở thành cửa ngõ cho các vùng phía tây Trung Quốc và Singapore.

Tỉnh Hải Nam vì thế nổi lên là một trung tâm quan trọng của Hành lang thương mại đường bộ-đường biển quốc tế mới (ILSTC) (hay còn được biết là Sáng kiến kết nối Trùng Khánh).

Có nhiều chuyến du lịch đường biển từ Hải Nam đến các nước ASEAN - chẳng hạn như Việt Nam và Phillipines.

Để kiểm soát vị trí địa lý quan trọng này, có thể sẽ phải tập trung vào kết nối hàng không giữa Hải Nam không chỉ với các nước châu Á láng giềng mà còn với châu Phi, châu Âu và châu Đại Dương.

Trong Diễn đàn Bác Ngao năm nay, chủ đề của cuộc đối thoại thống đốc/thị trưởng ASEAN-Trung Quốc là “Kết nối ASEAN-Trung Quốc và Cảng thương mại tự do Hải Nam.”

Tất nhiên, Hải Nam tìm cách mở rộng sự hợp tác với các nước ASEAN và không hạn chế kết nối hay phạm vi kinh tế.

Ông Wang Sheng, Giám đốc Văn phòng đối ngoại của tỉnh Hải Nam, nói rằng Hải Nam sẽ khai thác sự hợp tác lớn hơn trong các lĩnh vực chẳng hạn như y tế, kinh tế xanh, du lịch, văn hóa, giáo dục, công nghệ, nông nghiệp nhiệt đới và sản xuất hạt giống.

Ví dụ, hợp tác sản xuất hạt giống là một lĩnh vực khác trong đó sự hợp tác của Hải Nam với các nước láng giềng ở ASEAN đã chứng kiến sự phát triển.

Hạt lúa lai ghép được các nhà khoa học của Cơ sở nghiên cứu gây giống và khoa học Nanfan ở Hải Nam phát triển đang được giới thiệu không chỉ ở các nước ASEAN mà còn ở Nam Á (550.000 ha lúa lai ghét đã được cấy trồng ở các nước Philippines, Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ).

Mục tiêu tổng thể của các quan chức địa phương hai bên là ký một hiệp ước nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN và Trung Quốc.

Kết luận

Bắc Kinh rõ ràng sử dụng Diễn đàn Bác Ngao như một dụng cụ thúc đẩy hơn nữa quan điểm của mình về các vấn đề chính sách đối ngoại và kinh tế toàn cầu.

Trong những năm gần đây, Diễn đàn nhận được sự quan tâm nhiều hơn do các chính sách biệt lập của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trung Quốc với việc bổ nhiệm một nhân vật nổi tiếng như ông Ban Ki Moon, cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc làm Chủ tịch Diễn đàn Bắc Ngao hồi tháng 4/2018 đã làm tăng uy tín của sự kiện này.

Thật thú vị khi thấy rằng các sự kiện và diễn đàn quốc tế không bị hạn chế ở Thượng Hải hay Bắc Kinh.

Nhiều sự kiện lớn khác chẳng hạn như G20, Tổ chức hợp tác Thượng Hải được tổ chức bên ngoài các thành phố lớn, điều này giúp làm tăng sự nổi tiếng của những thành phố này.

Những ví dụ gần đây bao gồm Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2016 được tổ chức tại Hàng Châu, Hội nghị thượng đỉnh Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc (BRICS) năm 2017 tại Hạ Môn (Tỉnh Phúc Kiến) hay Hội nghị thượng đỉnh SCO năm 2018 được tổ chức tại Thanh Đảo.

Rõ ràng, những liên kết giữa các tỉnh của Trung Quốc và các nước khác không bị hạn chế về kinh tế và sự kết nối, vì thế gửi đi một thông điệp rằng các tỉnh Trung Quốc muốn xây dựng các mối liên kết bằng cách tận dụng hiệu quả “Sức mạnh mềm.”

Ở một mức độ nào đó, điều này cho thấy rằng Trung Quốc quan tâm đến thúc đẩy các mục tiêu kinh tế của mình bằng bất kỳ giá nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục