Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2021: Điểm hẹn thúc đẩy hợp tác khu vực

Trở lại sau 1 năm gián đoạn vì COVID-19, Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2021 đã trở thành một điểm hẹn lý tưởng cho việc thúc đẩy hội nhập, ngăn chặn dịch bệnh và phục hồi kinh tế khu vực.
Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2021: Điểm hẹn thúc đẩy hợp tác khu vực ảnh 1Cảng container ở thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang bùng phát dữ dội tại nhiều nơi, việc Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2021 được tổ chức trở lại - một năm sau khi bị hủy bỏ vì đại dịch - đã đưa diễn đàn này trở thành một điểm hẹn lý tưởng cho việc thúc đẩy hội nhập, ngăn chặn dịch bệnh và phục hồi kinh tế khu vực.

Khoảng 2.600 đại diện từ hơn 60 quốc gia và khu vực, cùng hơn 1.200 nhà báo trong và ngoài Trung Quốc, đã tham dự BFA 2021, một sự kiện đa phương thường niên diễn ra từ ngày 18-21/4 tại tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc.

Đây là quy mô chưa từng có và là hội nghị trực tiếp lớn nhất thế giới tính đến thời điểm này của năm nay.

Đề cao vai trò của châu Á

Ngay trước thềm hội nghị, BFA đã công bố hai báo cáo quan trọng, trong đó đánh giá châu Á là động lực chính cho quá trình phục hồi bền vững của nền kinh tế toàn cầu.

Trong báo cáo về triển vọng kinh tế châu Á, BFA nhận định rằng bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, bức tranh kinh tế châu Á vẫn có nhiều điểm sáng.

Các nền kinh tế châu Á đã đưa ra nhiều sáng kiến thúc đẩy nền kinh tế số, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kỹ thuật số...

Nền kinh tế số đã giúp phục hồi sản xuất, ổn định tình hình kinh tế và trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế châu Á trong tương lai.

Theo BFA, quá trình hội nhập kinh tế của tất cả các nền kinh tế châu Á đang tăng tốc.

[Khi Trung Quốc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương giữa dịch COVID-19]

Đến tháng 2/2021, đã có 186 thỏa thuận thương mại khu vực có hiệu lực ở trong và ngoài châu Á, chiếm 54,9% tổng số thỏa thuận khu vực trên toàn thế giới.

Xét theo sức mua tương đương, tỷ trọng của châu Á trong tổng kinh tế toàn cầu năm 2020 đạt 47,3%, tăng 0,9 điểm phần trăm so với năm 2019, cho thấy vai trò ngày càng tăng của châu lục trong nền kinh tế toàn cầu.

Là nền kinh tế lớn nhất châu Á, Trung Quốc dẫn đầu châu lục này với tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng 2,3% trong năm 2020.

Báo cáo này dẫn dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á trong năm 2021 có thể đạt ít nhất 6,5%, ghi nhận sự phục hồi đáng kể so với mức giảm 1,7% của năm 2020.

BFA nhận định các biện pháp chống dịch COVID-19 hiệu quả cũng như hoạt động sản xuất được khôi phục ở Trung Quốc và Hàn Quốc nằm trong số những yếu tố chính dẫn đến triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực của châu Á trong năm nay.

Trong khi đó, báo cáo về phát triển bền vững của BFA nhấn mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các quốc gia châu Á đã “bằng mọi cách tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe, ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu và dẫn đầu sự phục hồi thương mại và đầu tư.”

BFA kêu gọi châu Á đóng vai trò đầu tàu trong đảm bảo sự phục hồi bền vững trên toàn cầu, đặc biệt là những nước đã thoát khỏi đại dịch COVID-19 cần tăng cường hỗ trợ các nước láng giềng.

Theo BFA, các nước châu Á cần có những nỗ lực phối hợp để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, qua đó tạo điều kiện mở cửa lại biên giới và cho phép hoạt động đi lại diễn ra bình thường.

Ở quy mô toàn cầu, BFA cho rằng thế giới cần ưu tiên triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 và đạt được các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu y tế.

Thúc đẩy chủ nghĩa đa phương

Hội nghị lần này rõ ràng đã trở thành một cú hích lớn đối với các nhà lãnh đạo toàn cầu đang hy vọng vào chủ nghĩa đa phương.

Trong bài phát biểu qua video tại lễ khai mạc BFA 2021 hôm 20/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi hội nhập kinh tế toàn cầu nhiều hơn.

Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2021: Điểm hẹn thúc đẩy hợp tác khu vực ảnh 2(Nguồn: Reuters)

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Chúng ta không được để cho các quy tắc do một hoặc một số ít quốc gia đặt ra được áp đặt đối với những quốc gia khác, hoặc cho phép chủ nghĩa đơn phương do một số quốc gia theo đuổi tạo ra nhịp độ cho toàn thế giới."

Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev hưởng ứng chủ nghĩa đa phương khi phát biểu rằng: "Những lợi ích của tất cả các nước đan xen nhau. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và việc chính trị hóa các vấn đề đã làm suy yếu nghiêm trọng những trao đổi kinh tế quốc tế."

Ông Nazarbayev cũng cho rằng các vaccine ngừa COVID-19 cần phải dễ tiếp cận và có giá cả phải chăng cho tất cả mọi người để ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của đại dịch. Cạnh tranh thiếu lành mạnh và chính trị hóa vaccine gây hại cho những nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát đại dịch.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thông qua liên kết video nêu rõ: "Việc tăng cường quản trị toàn cầu được dựa trên tinh thần tìm kiếm điểm chung trong khi gác lại những bất đồng. Các quốc gia châu Á đã tuân theo tinh thần hợp tác và tham gia vào chủ nghĩa đa phương bao trùm hơn. Chúng tôi hy vọng sẽ thúc đẩy chủ nghĩa đa phương thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)."

Ông nói thêm rằng mô hình hợp tác phòng chống dịch bệnh của khu vực Đông Bắc Á đã tạo ra một tấm gương tốt cho thế giới.

Đạt đồng thuận về hợp tác khu vực

Với chủ đề "Một thế giới trong sự thay đổi: Chung tay Tăng cường Quản trị Toàn cầu và Thúc đẩy Hợp tác sáng kiến 'Vành đai và Con đường,'" trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về hàng loạt chủ đề quan trọng của chương trình nghị sự, từ trung hòa khí thải carbon cho đến biến đổi khí hậu và kinh tế kỹ thuật số.

Diễn đàn lần này đã kết thúc với việc đạt được sự đồng thuận về hợp tác khu vực, mở ra triển vọng to lớn để các quốc gia châu Á xây dựng niềm tin, tăng cường gắn kết trong quá trình phục hồi và chuyển đổi kinh tế hậu đại dịch COVID-19.

Trong tuyên bố được đưa ra sau hội nghị, BFA khẳng định năm 2021 có ý nghĩa quan trọng với tổ chức này và cả tiến trình hợp tác của khu vực châu Á, bởi năm nay đánh dấu diễn đàn tròn 20 năm ra đời.

Trong bối cảnh động lực của kinh tế thế giới giảm sút do dịch bệnh, sự đổi mới và hội nhập trên nền tảng của chủ nghĩa đa phương được xem là chìa khóa giúp các quốc gia khu vực sớm phục hồi và phát triển bền vững.

Qua các phát biểu và trao đổi tại diễn đàn, lãnh đạo các quốc gia và tổ chức quốc tế nhất trí tăng cường phối hợp trong việc ứng phó đại dịch COVID-19, bảo đảm nguồn vaccine cho người dân, phục hồi kinh tế thông qua thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư, bảo đảm hoạt động của chuỗi cung ứng khu vực...

Có thể thấy, chủ trương hợp tác đa phương của Trung Quốc tại nhiều sự kiện trong thời gian gần đây cũng như tại BFA 2021 đã thúc đẩy cách tiếp cận mở cửa của Trung Quốc đối với hội nhập khu vực và quan hệ đối tác toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục