Diễn đàn giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp tại Việt Nam

Diễn đàn là cơ hội thảo luận về thực trạng và định hướng phát triển chương trình giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp tại Việt Nam.
Diễn đàn giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp tại Việt Nam ảnh 1Nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học-cao đẳng. Ảnh minh họa. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Hơn 200 đại biểu đến từ cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học và cơ quan sử dụng lao động đã tham dự Diễn đàn các bên liên quan trong giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng tại Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 18/12, tại Hà Nội.

Diễn đàn là cơ hội để các bên liên quan gặp gỡ, thảo luận về thực trạng và định hướng phát triển chương trình giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp tại Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp hiểu hơn những giá trị và lợi ích của chương trình giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng, từ đó tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết trong những năm qua, giáo dục đại học tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh về số lượng cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên và quy mô sinh viên.

Hệ thống giáo dục đại học của nước ta hiện nay có 433 trường đại học, cao đẳng, đang đào tạo trên 2,1 triệu sinh viên, góp phần tích cực vào đào tạo nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế, giáo dục đại học Việt Nam còn nhiều khoảng trống cần phải vượt qua. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Mới đây nhất, Luật Giáo dục đại học đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 18/6/2012 là khung pháp lý cho sự phát triển hệ thống giáo dục đại học trong tương lai với chủ trương phân tầng giáo dục đại học, trong đó sẽ hình thành các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng, cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành.

Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện dự thảo Nghị định phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học và sẽ trình Chính phủ ban hành; theo đó các cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng sẽ chiếm số lượng đáng kể trong toàn hệ thống.

Như vậy, mô hình giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng sẽ trở thành xu thế phát triển chính trong đào tạo đại học tại Việt Nam.

Chương trình giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE) được triển khai thí điểm lần đầu từ năm 2005 với sự hỗ trợ kỹ thuật của nhóm các trường đại học hàng đầu Hà Lan do Đại học Khoa học ứng dụng Saxion điều phối thông qua Tổ chức phát triển năng lực giáo dục đại học.

Đến nay, đã có khoảng 50 chương trình POHE được triển khai tại 8 trường đại học trên cả nước. Trong gần 10 năm qua, các chương trình POHE đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực làm việc thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của thế giới nghề nghiệp.

Tại diễn đàn, các đại biểu đều nhấn mạnh vai trò của các bên liên quan trong giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng. Theo đó, Nhà nước giữ vai trò định hướng phát triển nguồn nhân lực quốc gia, điều phối lợi ích giữa các bên, đảm bảo sự phát triển của toàn hệ thống.

Nhà trường cung cấp sản phẩm giáo dục và dịch vụ cho xã hội, trong đó cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên là các bên liên quan quyết định danh tiếng, uy tín, chất lượng và hiệu quả hoạt động của nhà trường. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là người sử dụng lao động, sử dụng các sản phẩm của nhà trường. Vì vậy, Nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi để nhà trường gắn kết chặt chẽ với nhà tuyển dụng trong tổ chức và quản lý đào tạo, cung cấp sản phẩm giáo dục ngày càng tốt hơn.

Đối với việc nhân rộng triển khai chương trình giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng, theo một số đại biểu, trước hết các trường phải xác định rõ sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược phát triển chương trình này và tập hợp được lực lượng cán bộ, giảng viên để thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để ban hành các chính sách làm cơ sở pháp lí cho các trường triển khai.

Tiếp đó, Bộ sẽ triển khai giới thiệu mô hình tới các trường qua tài liệu, tập huấn, hướng dẫn xây dựng chương trình đào tạo, triển khai tổ chức và quản lý đào tạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục