Diễn đàn kinh tế Brussels: Chiến lược cho phát triển bền vững

Diễn đàn kinh tế Brussels 2014 thu hút hơn 1.000 đại biểu nhằm thảo luận và phân tích một cách sâu rộng những thách thức hiện nay của nền kinh tế EU.
Diễn đàn kinh tế Brussels: Chiến lược cho phát triển bền vững ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Ngày 10/6, Diễn đàn kinh tế Brussels 2014 đã diễn ra tại thủ đô Brussels (Bỉ). Đây là dịp để các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thảo luận các biện pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế, xem xét các bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mà EU là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Sự kiện thường niên này thu hút sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách về kinh tế, luật pháp, các nhà nghiên cứu, nhằm thảo luận và phân tích một cách sâu rộng những thách thức hiện nay của nền kinh tế EU. Với chủ đề “Duy trì sự phục hồi, chiến lược và chính sách cho sự tăng trưởng ổn định”, các đại biểu đã tập trung thảo luận về kinh nghiệm của các quốc gia thành viên thành công khi thoát khỏi suy thoái kinh tế và từng bước phát triển ổn định; tiềm năng phát triển kinh tế của châu Âu trong khuôn khổ nền kinh tế được toàn cầu hóa ; những đóng góp của khu vực tài chính châu Âu cho quá trình phục hồi kinh tế của EU.

Latvia, quốc gia vừa trở thành thành viên thứ 18 Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) từ ngày 1/1/2014 là một ví dụ điển hình áp dụng chính sách hà khắc có hiệu quả. Cựu Thủ tướng Valdis Dombrovskis cho biết 5 năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính làm nền kinh tế nước này suy giảm tới 20%, Latvia được giải cứu bằng gói cứu trợ của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kèm theo các chính sách thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt.

Từ nền kinh tế suy giảm tới 25% trong giai đoạn 2008-2010, nhưng những năm qua, Latvia là nước phát triển nhanh nhất EU với tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 4% trong năm 2013 sau khi chính phủ thực hiện một trong những chính sách thắt lưng buộc bụng, tăng thuế hà khắc nhất.

Bồ Đào Nha cũng là một quốc gia thành công với chính sách thắt lưng buộc bụng. Những nỗ lực của Bồ Đào Nha đã giúp quốc gia này rút khỏi chương trình cứu trợ của "bộ ba" chủ nợ quốc tế - gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF từ ngày 17/5 vừa qua mà không cần áp dụng bất kỳ chương trình tín dụng dự phòng nào. Các đại biểu chung nhận định trong bối cảnh hiện nay, mặc dù kinh tế EU đã lấy lại đà phục hồi nhưng còn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tăng trưởng mong manh, vấn đề năng lượng và vấn đề thất nghiệp. Do đó, điều quan trọng với toàn khối là phải xây dựng nền kinh tế mang tính cạnh tranh, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, chỉnh đốn lại hệ thống tài chính công.

Trong bối cảnh hiện nay khi toàn châu Âu phải đối mặt với thách thức về năng lượng thì EU cần thiết phải xây dựng hệ thống thị trường năng lượng chung, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy các sáng kiến đổi mới…

Bà Maria Luis Albuquerque, Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha cho biết EU đã đạt được nhiều tiến bộ trong thời gian qua.Trong những năm tiếp theo cần tiếp tục duy trì sự ổn định vì đây là nền tảng căn bản cho phát triển. EU cần thành lập một quỹ bảo hộ đầu tư đồng thời tập trung đầu tư cho tăng trưởng.

Liên quan đến thị trường tài chính, Giáo sư André Sapir, Đại học Tự do Bruxelles (ULB) nhận định với sự hình thành liên minh ngân hàng và thể chế này sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay hoặc đầu năm sau, chắc chắn EU sẽ thoát khỏi khủng hoảng tài chính. Bên cạnh đó, châu Âu cũng cần phải có chính sách hướng đến đầu tư, tự do hóa thị trường hàng hóa. Mục tiêu của EU đến năm 2020 là xây dựng một nền kinh tế hiện đại. Điều này đòi hỏi phải chỉnh đốn nền tài chính công nhằm đạt tăng trưởng bền vững và tạo nhiều việc làm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục