Diễn đàn về ảnh hưởng của dioxin với Việt Nam

Ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin ở vùng A Lưới là một trong các đề tài nghiên cứu về Việt Nam của nhà xã hội học Jacque Maitre.
Diễn đàn với chủ đề: “Từ săn bắt trong rừng nhiệt đới đến cơ chế thị trường toàn cầu hóa: Các dân tộc thiểu số sống ở A Lưới”, một huyện thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, miền Trung Việt Nam, vừa diễn ra tại Trụ sở Hội Người Việt Nam (UGVF) tại Pháp, dưới sự chủ trì của ông Jacque Maitre, nhà xã hội học, cựu Giám đốc về nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS).

Diễn đàn do Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), phối hợp với UGVF và Trung tâm thông tin và tư liệu về Việt Nam (CID) tại Paris tổ chức.

Ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin ở vùng A Lưới cũng là một trong các đề tài nghiên cứu về Việt Nam của ông Jacque Maitre cùng một số đồng nghiệp trong chuyến thăm Việt Nam từ năm 2002 nhằm nghiên cứu tác hại của chất độc dioxin do Mỹ rải xuống Việt Nam trong những năm chiến tranh.

Đề tài này nằm trong khuôn khổ nghiên cứu nhân chủng học, do các nhà nghiên cứu Pháp và Việt Nam thực hiện từ năm 2002 đến 2010, đối với người dân ở huyện A Lưới. Đây là kết quả của sự phối hợp giữa Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong sự phát triển của Việt Nam (CGFED) và Trung tâm nghiên cứu và hành động về chấn thương và sự loại trừ của Pháp, do ông Bernard Doray làm chủ tịch.

Tại diễn đàn, ông Jacque Maitre trình bày một cách khái quát nội dung đề tài nghiên cứu này, nêu rõ những ảnh hưởng nghiêm trọng của chất độc da cam/dioxin không chỉ đối với sức khỏe con người, mà còn để lại những khuyết tật bẩm sinh ở các thế hệ trẻ em.

Nghiên cứu nêu rõ đến nay vẫn còn nhiều người chưa biết đến loại chất diệt cỏ làm trụi lá cây, phá hoại rừng nhiệt đới tại khu vực miền Trung này.

Ông Jacque Maitre cũng đồng thời giới thiệu với bạn bè Pháp điều kiện sống, tập tục và thói quen của một số dân tộc sống ở thung lũng A Lưới, nhằm đưa đến cho bạn bè Pháp những hiểu biết sâu sắc hơn về từng vùng đất ở Việt Nam./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục