Điện lực Việt Nam tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng

Năm 2015, có thêm 2 tiêu chí mới được bổ sung vào Bộ chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam là giá điện và độ ổn định trong cung cấp điện.
Điện lực Việt Nam tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tiếp tục rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng với khách hàng trung áp tối đa xuống còn 36 ngày.

Năm nay, thêm 2 tiêu chí mới được bổ sung vào Bộ chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam là giá điện và độ ổn định trong cung cấp điện.

Để thực hiện mục tiêu này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố, các Sở, Ban, ngành liên quan để đưa thông tin về trình tự, thủ tục giải quyết cấp điện trung áp của đơn vị lên Website của các Cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tại địa phương.

Cùng đó, tiếp tục tổ chức hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục, các hồ sơ, tài liệu cần có theo quy định không để khách hàng phải đi lại nhiều lần hay cung cấp thông tin tiến độ giải quyết yêu cấp cấp điện lên website chăm sóc khách hàng để khách hàng có thể tra cứu.

Các tổng công ty điện lực, công ty điện lực phải nắm bắt các chính sách thu hút đầu tư của địa phương, nhu cầu, dự án đầu tư trên địa bàn để chủ động có các phương án, dự án cấp điện trên địa bàn.

Tập đoàn còn sử dụng trang web Giám sát tiến độ cấp điện khách hàng trung áp để điều hành và giám sát Chỉ số tiếp cận điện.

Trước đó, thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ và Quyết định số 3575/QĐ-BCT ngày 23/4/2014 của Bộ Công Thương về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; trong đó có nhiệm vụ “Rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư xuống còn tối đa là 70 ngày,” Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 33/2014/TT-BCT ngày 10/10/2014 quy định một số nội dung rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng.

Cụ thể, thời gian đấu nối vào lưới điện trung áp xuống còn 36-41 ngày; trong đó, thời gian thực hiện thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước là 18-23 ngày và thời gian thực hiện thủ tục của các đơn vị điện lực là 18 ngày.

Đây là một thay đổi lớn về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tiếp cận điện năng, giúp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhận định.

Trong năm 2014, năm đầu tiên EVN thực hiện Chỉ số tiếp cận điện năng cho 9.686 khách hàng với thời gian cấp điện trung bình là 45,51 ngày; trong đó có 95,96% khách hàng có thời gian cấp điện trung bình là 43,2 ngày và 4,05% khách hàng có số ngày cấp điện trung bình là 100,35 ngày.

EVN cho biết, theo các quy định hiện hành của các Bộ ngành liên quan, thời gian giải quyết của EVN là 18 ngày, giảm 42 ngày so với các quy định trước với 5 bước, gồm Tiếp nhận hồ sơ; Khảo sát hiện trường; Thỏa thuận đấu nối; Thỏa thuận thiết kế và Nghiệm thu đóng điện, ký kết hợp đồng mua bán điện.

Bên cạnh đó, có các thủ tục do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, bao gồm Sở Công Thương xác nhận phù hợp với quy hoạch hoặc bổ sung quy hoạch, Sở Xây dựng hoặc Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoặc Sở Giao thông vận tải thỏa thuận vị trí cột điện/trạm điện và hành lang lưới điện; Ủy ban Nhân dân cấp quận, huyện hoặc cấp xã cấp phép đào đường vỉa hè, báo cáo đánh giá tác động môi trường và cơ quan phòng cháy chữa cháy địa phương thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy.

Ngoài ra, khách hàng cũng phải thực hiện các thủ tục như lập các hồ sơ, phương án, báo cáo theo quy định pháp luật để chuyển cho đơn vị Điện lực và các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời phối hợp giải trình để thỏa thuận, phê duyệt và cấp phép.

Đối với khách hàng thực hiện trực tiếp sẽ phải thuê đơn vị tư vấn thiết kế lập thiết kế kỹ thuật, mua sắm vật tư thiết bị, thuê đơn vị thi công, tổ chức nghiệm thu và ký hợp đồng mua bán điện với đơn vị Điện lực.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh (EVN) cho biết, có được kết quả này các Cơ quan quản lý nhà nước và EVN có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện chỉ số này. Cụ thể, EVN rà soát lại toàn bộ phân cấp, điều chỉnh nội bộ trong các Tổng công ty điện lực và công ty điện lực; đồng thời xây dựng bộ quy trình kinh doanh sửa đổi 2014 với nguyên tắc 3 dễ (Dễ tiếp cận-Dễ tham gia-Dễ giám sát) theo cơ chế “một cửa.”

Mặt khác, bố trí giải quyết kịp thời vốn, vật tư thiết bị để đảm bảo công ty điện lực, điện lực đầu tư công trình đường dây, trạm biến áp cấp điện cho khách hàng, phù hợp với quy hoạch, đảm bảo chất lượng công trình, cũng như giảm tối đa thủ tục đối với khách hàng.

Một số công việc còn thực hiện song song thông qua thỏa thuận với cơ quan quản lý nhà nước như: Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải trong việc thẩm tra thiết kế và cấp giấy phép xây dựng; Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy địa phương và Ủy ban Nhân dân huyện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy và đánh giá tác động môi trường.

Đặc biệt, EVN tham gia cùng Bộ Công Thương xây dựng Thông tư 33 Quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng với tổng số thời gian thực hiện của EVN và các cơ quan quản lý nhà nước là 36 ngày.

Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức 3 đợt phổ biến thông tư này cho các Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng/Quy hoạch kiến trúc của 63 tỉnh/thành phố, đồng thời xây dựng và triển khai phần mềm áp dụng thống nhất toàn Tập đoàn phục vụ cho việc cấp điện cho khách hàng. Khách hàng có thể tra cứu tiến độ giải quyết trên website Internet của các đơn vị Điện lực.

Đối với khách hàng thuê trọn gói bên Điện lực thực hiện, theo ông Dũng sẽ không phải thực hiện các khâu như thỏa thuận đấu nối và thiết kế.

Việc biết trước để chủ động đăng ký lịch cắt điện cũng tiết kiệm được thời gian chờ đợi. Điện lực thi công nhanh do lực lượng và phương tiện đầy đủ. Thủ tục nghiệm thu cũng nhanh chóng, đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn 4,05% khách hàng có thời gian cấp điện trên 70 ngày là do khách hàng hoàn chỉnh hồ sơ gửi cho các cơ quan thẩm quyền chậm; khách hàng thiếu vốn đầu tư ngừng thi công hoặc vướng mặt bằng.

Trong khi đó, năng lực của một số đơn vị điện lực chưa đáp ứng hoặc một số địa phương lưới điện quá tải chưa thể cấp điện cho khách hàng khi phụ tải phát triển quá nhanh không theo quy hoạch như khu vực nuôi tôm Đồng bằng sông Cửu Long.

Để tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng theo Thông tư 33, tại Văn bản số 12126/BCT-TCNL ngày 3 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công Thương về việc rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới trung áp, Bộ này kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng tiếp tục giữ quy định công trình lưới điện trung áp không thuộc diện cần cơ quan quản lý nhà nước thẩm tra thiết kế kỹ thuật và tổ chức kiểm tra nghiệm thu trong quá trình soạn thảo Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và các Thông tư hướng dẫn.

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quy định không cần cấp giấy cam kết bảo vệ môi trường cho các chủ đầu tư các công trình điện đấu nối vào lưới điện trung áp. Đồng thời giảm thời gian thẩm định, phê duyệt/cấp giấy phép liên quan đến đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường cho các công trình điện ở cấp điện áp cao hơn trong quá trình hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 29/2011-NĐ-CP.

Riêng Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công Thương cũng đề nghị sớm ban hành các quy định về thời hạn giải quyết đối với các thủ tục Thỏa thuận vị trí cột/trạm điện và hành lang lưới điện, cấp phép thi công xây dựng công trình điện theo quy định tại Thông tư 33./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục