Diện mạo thế giới sau sự đảo chiều trên thị trường dầu mỏ

Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã giảm tới 31% trong vòng 5 tháng qua, ảnh hưởng nhiều tới tình hình địa chính trị quốc tế.
Diện mạo thế giới sau sự đảo chiều trên thị trường dầu mỏ ảnh 1Nhà máy lọc dầu Conoco-Phillips ở Rodeo, California, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã giảm tới 31% chỉ trong vòng 5 tháng qua, một sự sụt giảm khá sâu và gây ngạc nhiên sau khoảng thời gian kéo dài tới 4 năm giá nhiên liệu hóa thạch này luôn ở mức xấp xỉ 100 USD/thùng.

Nguyên nhân của tình trạng này được các chuyên gia phân tích đánh giá là do sự dư thừa nguồn cung, trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm sút. Tuy nhiên, trong một phát biểu gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc giá dầu thế giới đi xuống là một phần hệ quả của sự thao túng mang động cơ chính trị.

Thực tế, dầu vẫn là mặt hàng quan trọng ảnh hưởng nhiều tới tình hình địa chính trị quốc tế và bất kỳ sự thay đổi mang tính cơ cấu nào trên thị trường dầu đều sẽ có ảnh hưởng ở toàn thế giới.

Nhiều nước đối diện với nguy cơ bất ổn

Trung Đông và Bắc Phi là hai khu vực có nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ nhất trên thế giới. Khu vực này chiếm gần một phần ba lượng dầu thô trung chuyển và lượng khí đốt hóa lỏng xuất khẩu của toàn thế giới. Do đó, sự sụt giảm liên tục của giá dầu có thể đe dọa sự ổn định kinh tế của khu vực.

Song, nhiều năm thặng dư ngân sách lớn nhờ giá dầu cao đã giúp các nền kinh tế thuộc khu vực Trung Đông và Bắc Phi không bị ảnh hưởng quá lớn từ những biến động ngắn hạn của giá dầu.

Đa số các nhà sản xuất dầu chủ chốt của khu vực, gồm Saudi Arabia, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đều có lượng dự trữ ngoại tệ lên tới hàng trăm tỷ USD.

Những quốc gia khác trong khu vực lại không may mắn như vậy. Chi tiêu ngân sách cao và các vấn đề kinh tế trong nước đã khiến Iraq và Iran muốn giá dầu đạt mức giá cao (khoảng trên 100 USD/thùng) để cân bằng ngân sách.

Khu vực Trung Đông và Bắc Phi gồm cả những nước nhập khẩu lẫn những nước xuất khẩu dầu mỏ. Vì thế, những lợi ích mâu thuẫn nhau xuất phát từ việc giá dầu hạ có nguy cơ gây ra tình hình căng thẳng mới trong khu vực. Các nhà phân tích lo sợ rằng việc giá dầu giảm sẽ là một "vũ khí chính trị" gây mất ổn định tại một số nước.

Đối với Nga, bất kỳ biến động nào của giá dầu thế giới đều có tác động mạnh tới Xứ sở Bạch dương, bởi doanh thu từ xuất khẩu năng lượng đóng góp tới một nửa ngân sách của Chính phủ và 1/4 GDP của nước này.

Hiện nay, Nga đang đối mặt thời kỳ suy giảm kinh tế, khi GDP tăng trưởng chậm và những căng thẳng với phương Tây đã khiến đầu tư nước ngoài giảm một nửa và vốn đầu tư rút khỏi Nga lên tới 76 tỷ USD.

Giới chuyên gia cho rằng giá dầu thấp có thể là nguyên nhân gây ra các chấn động xã hội ở Nga. Khi lĩnh vực dầu khí suy yếu, những người trong diện bị cắt giảm an sinh xã hội có thể kéo nhau xuống đường.

Venezuela là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sự sụt giảm giá dầu. Nền tài chính công của nước này đang thiếu ổn định và giá dầu tiếp tục ở mức thấp sẽ làm giảm khả năng của Caracas trong việc chi trả ngân sách công đang ở mức rất cao.

Tình hình càng thêm căng thẳng, khi quốc gia Nam Mỹ này phải đối phó với các vấn đề kinh tế khác như tỷ lệ lạm phát cao, tình trạng thiếu lương thực và hàng hóa ngày càng nghiêm trọng, trong khi dự trữ ngân sách ngày một suy giảm.

Những ảnh hưởng của giá dầu thấp tới nền kinh tế Venezuela sẽ làm gia tăng rủi ro chính trị cho Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại một thời điểm nhạy cảm. Việc không đáp ứng như cầu của người dân có thể dẫn đến tình trạng bất ổn.

Liệu ai được hưởng lợi?

Nếu các nước xuất khẩu dầu mỏ bị mất trắng nhiều tỷ USD từ sự giảm giá dầu lần này, thì các nước tiêu thụ và nhập khẩu dầu mỏ với khối lượng dầu mỏ lớn như Mỹ, các nước châu Âu, một số nước châu Á và khu vực Trung Đông-Bắc Phi lại được lợi.

Ai Cập đứng đầu danh sách các nước hưởng lợi nhờ giảm bớt được số tiền nhập khẩu dầu mỏ, tiếp đến là Tunisia. Thế nhưng, khoản lợi của các nước này có thể sẽ là hạn chế khi việc giảm giá dầu sẽ kéo theo sự giảm bớt các khoản viện trợ, đầu tư của các nước vùng Vịnh vào nền kinh tế của các đồng minh trong khu vực, trong đó có Ai Cập, Jordan và Liban.

Đối với Mỹ, giá dầu thế giới tương đối ổn định trong 4 năm qua ở mức trung bình 96 USD/thùng, mang lại lợi nhuận lớn cho các công ty dầu khí và các nhà đầu tư nước này.

Giá dầu thấp, nhìn chung, có lợi cho nền kinh tế Mỹ, nhưng lại gây tổn hại cho các nhà sản xuất dầu. Giá dầu giảm khoảng 20 USD/thùng cũng đồng nghĩa với việc họ để mất 170 triệu USD doanh thu/ngày.

Các nhà đầu tư giờ đây ngần ngại trong việc “đổ tiền” vào các dự án mới khi chưa chắc chắn về khả năng thu lợi của các dự án đó. Còn các công ty dầu khí cả lớn và nhỏ hiện nay không đủ vốn đề khoan thêm các giếng dầu mới.

Hiện trên Phố Wall nhiều người vẫn còn tranh cãi về việc giá dầu sẽ giữ nguyên ở mức thấp như thế này trong bao lâu và ảnh hưởng tiềm tàng của sự sụt giảm giá dầu đến nền kinh tế Mỹ như thế nào. Nhưng đa số các ý kiến đều cho rằng nhịp độ tăng GDP Mỹ trong thời gian tới chắc sẽ chậm lại.

Trong một báo cáo gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng việc giá dầu mỏ rơi xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm qua sẽ tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới vốn còn yếu. Cơ quan này cho rằng việc giá dầu giảm gần 20% kể từ tháng 9/2014 sẽ thúc đẩy kinh tế toàn cầu.

IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay và 3,8% vào năm tới. Song, IMF cũng lưu ý rằng diễn biến mới trên sẽ là "con dao hai lưỡi" gây tổn thương cho các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, đặc biệt là Nga.

Theo IMF, kinh tế thế giới vẫn đối mặt với những trận "gió ngược" từ nhiều khu vực, nhất là châu Âu.

Tuy nhiên, nhìn sang một khía cạnh khác, trong thời điểm hiện nay, sau tất cả những đánh giá về tác động kinh tế-xã hội, thì việc giá dầu giảm được nhận định là thông tin không tồi đối với môi trường.

Cách đây không lâu, việc giá dầu giảm khiến các nhà bảo vệ môi trường lo ngại. Họ lập luận rằng đi kèm với giá dầu thấp sẽ làm ít đi những sáng kiến phát triển nguồn nhiên liệu sạch thay thế như pin nhiên liệu hay nhiên liệu sinh học.

Song, việc giá dầu loanh quanh mức 75 USD/thùng hiện nay vẫn đủ cao để giữ đầu tư vào phát triển các nguồn năng lượng thay thế, đồng thời khiến các công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng bớt lý do để theo đuổi những dự án dầu mỏ tốn kém, nhiều rủi ro và gây nguy hại tới môi trường.

Biểu đồ “vàng đen” trong tương lai

Từ những năm 2000, hầu hết các chuyên gia trên thế giới đồng thuận rằng thời kỳ dầu mỏ giá rẻ đã chấm dứt, với nhận định nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, điển hình là tại các nước mới nổi, đứng đầu là Trung Quốc, trong khi chi phí khai thác cũng không ngừng tăng, đặc biệt là ở những vùng biển sâu, những khu vực khó tiếp cận.

Tuy nhiên, hiện nay quan điểm này không còn đúng nữa. Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng “một trật tự mới về dầu mỏ” đang mở ra và dự đoán giá một thùng dầu sẽ ở mức 70 USD/thùng vào quý II/2015 và sau đó ổn định ở mức 80 USD trong một thời gian dài.

Dự báo trên được đưa ra dựa trên hai yếu tố. Thứ nhất là việc phát triển công nghệ khai thác dầu đá phiến tại Mỹ. Trong 3 năm, sản lượng khai thác dầu của Mỹ tăng 60% và nhờ vậy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hướng tới khả năng độc lập về năng lượng.

Kể từ năm 2007, lượng nhập khẩu dầu thô của nước này đã giảm 3 lần. Thứ hai là sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trên toàn cầu, nhất là tại Trung Quốc, quốc gia “ngốn” năng lượng hàng đầu thế giới. Báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhận định thị trường dầu mỏ bị tác động mạnh bởi cung cao hơn cầu và xu hướng này đã được tăng cường trong mấy tháng qua bởi sự suy giảm kinh tế tại Khu vực các nước sử dụng đồng euro (Eurozone).

Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, IEA dự báo vào năm 2040, nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng 37%, trong đó nhiên liệu hóa thạch (bao gồm dầu mỏ, khí đốt và than đá) vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên thế giới. Mặc dù giá dầu hiện ở mức thấp nhất trong 4 năm qua, IEA dự báo giá dầu sẽ tăng dần khi nhu cầu dầu mỏ thế giới tăng từ 90 triệu thùng/ngày trong năm 2013 lên mức 104 triệu thùng/ngày vào năm 2040.

Trong khi đó, OPEC dự đoán đến năm 2040 nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng 60% so với mức của năm 2010 và đến thời điểm đó nhiên liệu hóa thạch vẫn sẽ là nguồn cung cấp năng lượng chính trên thế giới.

Theo OPEC, sản lượng dầu mỏ thế giới năm 2040 sẽ tăng lên 99,6 triệu thùng/ngày, so với mức khoảng 82 triệu thùng/ngày của năm 2010. Tổ chức này dự đoán giá dầu sẽ vào khoảng 110 USD/thùng trong những năm còn lại của thập kỷ này.

Đến năm 2025, giá dầu sẽ tăng lên 124 USD/thùng và lên tới 177,40 USD/thùng vào năm 2040./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục