Mục tiêu mới của Hacker

Điện thoại - mục tiêu mới của tội phạm trên mạng

Theo nhận định của Bkis, trong năm 2010 sẽ có nhiều cuộc tấn công lừa đảo và phát tán mã độc trên điện thoại di động tại Việt Nam.
Theo dự báo của Trung tâm An ninh mạng Bkis, năm 2010, các virus nguy hiểm như virus siêu đa hình, virus ghi đè file chuẩn của hệ điều hành, và sự gia tăng của phần mềm diệt virus giả mạo sẽ tiếp tục đe dọa sự an toàn của hệ thống máy tính.

Điện thoại di động sẽ là đích nhắm mới của giới tội phạm, đặc biệt là khi mạng 3G bắt đầu được đưa vào hoạt động tại Việt Nam. Trong năm 2010 sẽ có nhiều cuộc tấn công lừa đảo và phát tán mã độc trên điện thoại di động tại Việt Nam. Tình trạng này đã diễn ra ở nhiều nước có mạng không dây băng rộng và 3G phát triển.

Xét về mức độ nguy hiểm thì bị tấn công qua điện thoại di động nguy hiểm gấp nhiều lần so với bị tấn công qua máy tính và mạng Internet vì tâm lý người sử dụng luôn nghĩ rằng, điện thoại là vật dụng rất cá nhân, lại luôn nằm trong tay mình nên không có ý thức cảnh giác với thiết bị này. Trong khi đó, khi có 3G, rất nhiều dữ liệu mật thiết, quan trọng lại được lưu giữ, cập nhật và giao dịch trên chính điện thoại di động như các dữ liệu về tài chính, thông tin riêng tư...

Theo Bkis, trong năm 2009, có tới 50.128 dòng virus mới xuất hiện trong năm, gấp 1,5 lần so với năm 2008 và gấp 7 lần so với năm 2007

Virus siêu đa hình là thế hệ “cao cấp” mới của các dòng virus đa hình trước đây. Các virus đa hình là những virus có khả năng tự động biến đổi mã lệnh của chính nó, tạo ra các biến thể khác nhau trong mỗi lần lây nhiễm.

Siêu đa hình là loại virus kết hợp nhiều kiểu đa hình chồng chéo, chúng sử dụng các giải thuật di truyền để tự động lai tạo với nhau, sinh ra các thế hệ virus “con cháu” F1, F2,… Càng lây nhiễm lâu trên máy tính, virus siêu đa hình càng sinh ra nhiều biến thể với độ phức tạp càng cao, khiến cho khả năng nhận dạng và bóc lớp của các phần mềm diệt virus càng khó khăn. Chính vì thế, các virus siêu đa hình hiện nay có thể qua mặt được tất cả các phần mềm diệt virus nổi tiếng nhất trên thế giới. Về mức độ phá hoại, virus siêu đa hình nguy hiểm hơn so với các virus khác. Chúng gây ra các trục trặc nghiêm trọng cho hệ thống, có thể dẫn đến phá hủy dữ liệu, làm giảm mức độ an ninh của hệ thống.

Theo thống kê từ hệ thống diệt virus siêu đa hình của Bkav, trong năm qua Việt Nam đã có 2,2 triệu lượt máy tính bị nhiễm loại virus này.

Trong năm 2009, hàng loạt phần mềm diệt virus giả - Fake AV cũng đã xuất hiện lừa người tiêu dùng bằng cách gửi email hoặc lợi dụng các công cụ tìm kiếm, hacker dẫn dụ người sử dụng truy cập vào website quét virus trực tuyến giả mạo, có giao diện giống hệt cửa sổ Windows.

Khi đó, người sử dụng sẽ nhận được hàng loạt các thông báo máy tính bị nhiễm virus và được “khuyến cáo” bấm vào một nút để diệt virus. Nếu làm theo “khuyến cáo” giả mạo này là người dùng đã tải về máy tính một phần mềm diệt virus giả.

Những phần mềm diệt virus giả mạo này sau khi được cài đặt trên máy sẽ lại liên tiếp thông báo tình trạng nhiễm virus trên máy tính gây hoang mang cho người sử dụng.

Trong năm qua xuất hiện 744 chương trình giả mạo phần mềm diệt virus với hàng chục nghìn biến thể như W32.FakeAntivirERZ.Adware, W32.FakeSecuritySUI.Adware, W32.FakeAvVbs.Worm hay W32.FakeAVScanAD.Adware... Đã có ít nhất 258.000 máy tính tại Việt Nam bị lừa cài đặt các phần mềm này./.


15 virus lây nhiều nhất trong năm 2009

1. W32.SalityVF.PE
2. W32.SalityVG.PE
3. W32.VetorI.PE
4. W32.TedrooG.Worm
5. W32.VodkaXAAN.Worm
6. W32.SecretKE1.Worm
7. W32.Wins.Trojan
8. W32.SvchostJJM.Trojan
9. X97M.XFSic
10. W32.VetorX5QWER.PE
11. W32.DownloadBZ.Worm
12. W32.ShopperHT.Adware
13. W32.KamsoftAD.Worm
14. W32.CimusPR.Worm
15. W32.GameDrop.Worm
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục