Điện thoại thông minh giá rẻ bùng nổ ở các thị trường mới nổi

Khi nhu cầu điện thoại thông minh chậm lại và gần như bão hòa ở các thị trường như Tây Âu, Nhật Bản và Bắc Mỹ, thì giờ nó mới "bùng nổ" ở các thị trường Mỹ Latinh, Đông Nam Á và châu Phi.
Điện thoại thông minh giá rẻ bùng nổ ở các thị trường mới nổi ảnh 1Ấn Độ, thị trường tiêu thụ điện thoại thông minh giá rẻ hàng đầu thế giới. (Nguồn: The Hindu)

Doanh số điện thoại thông minh đang "bùng nổ" ở các nước đang phát triển khiến các doanh nghiệp điện thoại và Internet tích cực tung ra các loại điện thoại di động giá rẻ hơn và có thể chuyển sang dùng khinh khí cầu để tăng vùng phủ sóng di động tại các nước này.

Theo AFP, mặc dù vùng phủ sóng điện thoại di động vẫn còn yếu và chưa phủ kín tại nhiều nước đang phát triển, nhưng các công ty công nghệ di động đang triệt để khai thác "cơn sốt" khách hàng mới ở Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác trong khi nhu cầu điện thoại di động thông minh (smartphone) chậm lại ở các nước phát triển.

Một số công ty điện thoại và Internet hàng đầu tham dự Hội nghị di động thế giới 2015 (Mobile World Congress), ​​hội chợ viễn thông không dây lớn nhất thế giới, đã công bố các sản phẩm mới nhằm phát triển thị trường, trong đó đặc biệt là các thị trường mới nổi.

Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu GfK của Đức, doanh số bán điện thoại thông minh toàn cầu đã tăng 23% trong năm 2014, đạt 1,3 tỷ chiếc.

Khi nhu cầu điện thoại thông minh chậm lại và gần như bão hòa ở các thị trường như Tây Âu, Nhật Bản và Bắc Mỹ, thì giờ mới "bùng nổ" ở các thị trường Mỹ Latinh, Đông Nam Á và châu Phi.

Trong phản ứng với sức "nóng" điện thoại thông minh ở các thị trường mới nổi, "gã khổng lồ" trực tuyến Google đã tung ra một điện thoại thông minh giá rẻ ở Ấn Độ với giá 105 USD (khoảng 2,2 triệu đồng).

Đối thủ của Google, Microsoft cũng không kém cạnh khi cho biết họ có kế hoạch ra các điện thoại thông minh giá rẻ và một trong đó sẽ có giá 29 USD (620.000 đồng) trong khi Mozilla, chủ sở hữu của trình duyệt Firefox, có kế hoạch ra một điện thoại giá 25 USD (535.000 đồng).

Công ty bán chạy điện thoại thông minh nhất thế giới, Samsung, cũng đã tung ra các sản phẩm phù hợp cho thị trường Ấn Độ, trong khi đối thủ cạnh tranh lớn của công ty Hàn Quốc này là Apple vẫn chỉ tập trung vào dòng điện thoại iPhone cao cấp.

Sự gia tăng của điện thoại thông minh giá bình dân cũng được thúc đẩy bởi các nhà sản xuất như Xiaomi của Trung Quốc, công ty đã vượt qua Samsung về doanh số bán hàng ở thị trường Trung Quốc vào năm ngoái.

Theo nghiên cứu của tập đoàn tư vấn Gartnerm, đến năm 2020, khoảng 3/4 điện thoại thông minh của thế giới dự kiến ​​sẽ có giá trung bình ít hơn 100 USD.

Sigve Brekke, Giám đốc khu vực châu Á của tập đoàn viễn thông Na Uy, Telenor, tập đoàn đang hoạt động tại sáu quốc gia trong khu vực châu Á, dự báo giá máy điện thoại sẽ tiếp tục giảm trong năm nay và điện thoại thông minh kết nối với mạng di động 4G - mạng dữ liệu di động mới và nhanh nhất - với giá 45 USD xuất hiện vào cuối năm nay.

Mở rộng vùng phủ sóng di động bằng khinh khí cầu, UAV

Ở những nơi máy tính trong gia đình vẫn còn khan hiếm, "điện thoại thông minh thường là cách duy nhất để có được Internet," Annette Zimmermann, một chuyên gia viễn thông của Gartner nói.

Người sử dụng điện thoại thông minh tại thị trường đang phát triển thường phổ biến yêu cầu gửi tin nhắn và sử dụng ứng dụng xã hội như Facebook và Whatsapp, radio trực tuyến, đèn pin, tin nhắn văn bản và một pin hoạt động lâu, bà Zimmermann nhận định.

Người tiêu dùng ở các thị trường đang phát triển cũng thường muốn một chiếc điện thoại với hai hoặc ba thẻ SIM mạng giúp họ có thể chuyển đổi giữa các nhà khai thác viễn thông khác nhau để có được mức giá rẻ nhất, hoặc chia sẻ điện thoại với những người dùng khác.

Tuy nhiên, mạng lưới hạ tầng an toàn mạng vẫn đặt giới hạn về những gì điện thoại thông minh có thể làm được ở các nước đang phát triển.

Nhiều vùng, đặc biệt là các vùng nông thôn, chỉ có tiêu chuẩn mạng 2G, cung cấp khả năng truyền dữ liệu tương đối thấp. Với mạng 2G, các điện thoại chỉ có thể xử lý các email và phiên bản cơ bản của các ứng dụng.

Theo GSMA, khoảng 60% người dùng ở châu Phi đang bị giới hạn khả năng dùng điện thoại ở mạng 2G.

Dự kiến, ​​số lượng người sử dụng điện thoại thông minh trên thế giới sẽ tăng trưởng lên đến hơn 3 tỷ người vào năm 2020, so với 2,2 tỷ người trong năm 2013.

Để cải thiện vùng phủ sóng điện thoại, Internet ở những vùng xa xôi của thế giới, Google đã đề xuất triển khai khinh khí cầu hoặc thiết bị bay không người lái (UAV) dùng năng lượng Mặt Trời được trang bị thiết bị tiếp-phát sóng mạng di động đến các khu vực sóng điện thoại yếu.

Mạng truyền thông xã hội khổng lồ Facebook cũng đã hợp tác với một số công ty viễn thông để mở rộng vùng phủ sóng Internet cho khách hàng ở khu vực nông thôn.

"Chúng tôi đang cố gắng giúp mọi người kết nối với những người khác và chia sẻ với nhau," nhà sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg chia sẻ với các đại biểu dự MWC ngày 2/3./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục