Cơ hội với "đám mây"

Điện toán đám mây sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam

Theo Steve Ballmer, điện toán đám mây sẽ tạo ra cơ hội cho Việt Nam và “ở Microsoft, tất cả chúng tôi đều ở trong (đám mây).”
Sáng 24/5, tại Hà Nội, nơi mở đầu cho chuyến công du châu Á lần này, ngoài buổi giới thiệu và quảng bá các bộ sản phẩm Office 2010, SharePoint 2010, Visio 2010 và Project 2010 đến doanh nghiệp, Tổng giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer đã có buổi nói chuyện với hơn 1.000 sinh viên đại học Bách Khoa Hà Nội về tương lai của ngành công nghệ thông tin và điện toán đám mây.

Tương lai với đám mây là trung tâm

Trong phát biểu của mình, ông Steve Ballmer đã nói về tầm nhìn của Microsoft về tương lai với đám mây là trung tâm; một tương lai mà năng lực của trung tâm dữ liệu với quy mô của Internet và sức mạnh của các thiết bị như máy tính, điện thoại di động và tivi được kết hợp cùng nhau để chuyển đổi cách thức con người kết nối với nhau.

Theo Steve Ballmer: "Điện toán đám mây sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam," "Những người sáng tạo phần mềm, dữ liệu và các nội dung khác sẽ có khả năng phân phối trên toàn cầu và kiếm tiền một cách dễ dàng hơn. Việc đầu tư vào phần mềm mới sẽ thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới đem lại lợi ích cho người sử dụng. Chìa khóa thành công của mô hình kinh doanh này là bảo vệ được tính riêng tư, bảo mật cho người sử dụng."

Ông nói rằng điều này sẽ mở ra tiềm năng mới và thú vị cho sinh viên để phát triển công nghệ giúp các nhà kinh doanh và các tổ chức sử dụng đám mây ở khắp Việt Nam. Đám mây sẽ cho con người những công cụ giúp họ có được thông tin đúng để họ học hỏi và hành động bởi con người tìm kiếm công nghệ để tương tác nhiều hơn.

Khi con người sử dụng công nghệ cả ở nhà và ở nơi làm việc nhiều hơn để kết nối với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng, cuộc sống xã hội và công việc của họ đang ngày càng hòa quyện.

Theo Steve Ballmer, Microsoft đã đưa ra bộ giải pháp gần như đầy đủ dựa trên nền tảng đám mây để đáp ứng các nhu cầu kinh doanh bao gồm quảng cáo, truyền thông (email, thoại, hội nghị), hợp tác (lưu trữ tài liệu, chia sẻ, quản lý công việc), các ứng dụng cho kinh doanh (CRM, hiệu quả kinh doanh), lưu trữ, quản trị và các dịch vụ hạ tầng. Theo lời miêu tả của ông Steve Ballmer, điều đó có nghĩa là “Ở Microsoft, tất cả chúng tôi đều ở trong (đám mây).”

Steve Ballmer nói rằng Việt Nam có cơ hội giúp thiết kế các ứng dụng thế hệ mới tận dụng năng lượng, trung tâm dữ liệu, lưu trữ và năng lực kết nối của đám mây.

Sự phát triển điện toán đám mây tại Việt Nam cũng đã có một bước tiến quan trọng với sự kiện ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Microsoft Vietnam và Tập đoàn FPT. Biên bản ghi nhớ này đưa ra định hướng của hai bên về việc cùng phát triển nền tảng cho các dịch vụ đám mây bao gồm truyền thông, hợp tác, lưu trữ dữ liệu và các dịch vụ hạ tầng đáp ứng nhu cầu của các khách hàng khác nhau.

Con người là tài sản lớn nhất của quốc gia

Steve Ballmer cũng bày tỏ sự ủng hộ về định hướng chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tới năm 2020 của Việt Nam nhằm xây dựng nền móng kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông và tăng cường tiếp cận với các công nghệ mang tầm thế giới và các công cụ mang lại hiệu quả.  Ông cho rằng, định hướng này sẽ nuôi dưỡng một nền công nghiệp công nghệ thông tin thịnh vượng hấp dẫn đầu tư, kích thích sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam.

Đề cập tới cách Microsoft hỗ trợ Định hướng chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tới năm 2020 của chính phủ, ông cho biết hơn 2 triệu học sinh Việt Nam, 7.000 cán bộ quản lý giáo dục và 50.000 giáo viên được đào tạo về công nghệ thông qua Chương trình Partners in Learning (PiL).

Ngoài ra Microsoft còn cung cấp cho hơn 120 trường đại học công cụ đào tạo sinh viên về công nghệ Microsoft thông qua Chương trình Microsoft IT Academy.

Chương trình Microsoft Developer Network Alliance đã tạo điều kiện cho hơn 40 trường nhận được các công cụ phát triển phần mềm của Microsoft, nền tảng và server cho mục đích hướng dẫn và nghiên cứu một cách dễ dàng hơn và với chi phí tiết kiệm hơn.

Trong buổi họp mặt với các Giám đốc điều hành và Giám đốc công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, ông Ballmer cũng nhấn mạnh về việc Việt Nam coi con người là tài sản lớn nhất của quốc gia và phải xác định rằng việc thu nhận các kĩ năng công nghệ thông tin và giáo dục kinh doanh là một quá trình lâu dài.

Steven Anthony Ballmer (sinh ngày 24/3/1956 tại Detroit, Michigan) là một doanh nhân người Mỹ và là Giám đốc điều hànhcủa Tập đoàn Microsoft từ tháng 1/2000.

Ballmer là người đầu tiên trở thành tỷ phú (đôla) theo giá trị cổ phiếu thu được với vai trò là nhân viên của một tập đoàn mà ông ta không phải là người sáng lập hay là họ hàng của người sáng lập.

Trong Bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới năm 2007 của Tạp chí Forbes, Ballmer được xếp là người giàu thứ 31 trên thế giới, với tài sản ước tính trị giá 15 tỷ USD.

Steve Ballmer là một trong những nhân vật đầy cá tính của giới công nghệ thông tin thế giới và hiện là nhân vật quan trọng nhất trong việc duy trì ảnh hưởng của Microsoft với thế giới công nghệ.

Steve Ballmer từng đến Việt Nam vào năm 2007 để chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác của Microsoft với Chính phủ Việt Nam, làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, gặp gỡ các tập đoàn ICT hàng đầu Việt Nam.../.
P.V (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục