Điều chỉnh việc kiểm tra dư lượng hóa chất ở thủy sản

Một số biện pháp kiểm tra về dư lượng hóa chất, kháng sinh đối với lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Canada và Nhật đã được điều chỉnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa điều chỉnh một số biện pháp kiểm tra về dư lượng hóa chất, kháng sinh đối với lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Canada và Nhật Bản.

Theo điều chỉnh này, từ ngày 12/6/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ bãi bỏ biện pháp kiểm tra tăng cường về chất lượng, an toàn thực phẩm lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Canada nhưng lại áp dụng chế độ kiểm tra chặt đối với lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Nhật Bản được sản xuất tại cơ sở bị Cơ quan thẩm quyền Nhật Bản cảnh báo vi phạm an toàn thực phẩm về dư lượng hóa chất, kháng sinh.

Cơ quan kiểm tra sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Nhật Bản được sản xuất tại cơ sở; trình tự, thủ tục kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm và cấp giấy chứng nhận lô hàng; cơ sở sẽ được dỡ bỏ chế độ kiểm tra chặt nếu đáp ứng quy định được nêu tại Thông tư 55 quy định việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng thực phẩm thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng yêu cầu Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản có trách nhiệm phổ biến hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản xuất khẩu tổ chức kiểm tra, chứng nhận đối với các lô hàng thủy sản trước khi xuất khẩu vào Nhật Bản; đồng thời, phối hợp với Tổng cục Hải quan kiểm soát đối với các lô hàng thủy sản của cơ sở xuất khẩu vào Nhật Bản thuộc đối tượng phải kiểm tra theo quy định.

Hiện nay, hai quốc gia là Nhật Bản và Canada không có yêu cầu chứng nhận an toàn thực phẩm từ cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu. Luật lệ và cách tiếp cận của hai nước này nhấn mạnh đến trách nhiệm và các biện pháp kiểm soát của nhà xuất khẩu và công ty nhập khẩu tại nước họ.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, việc quy định gia tăng kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm trước khi cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm trong khi cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu không yêu cầu đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Điều này cũng trái với quy định tại Điều 42 của Luật An toàn thực phẩm là "Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do, chứng nhận y tế, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ hoặc giấy chứng nhận khác có liên quan đối với thực phẩm xuất khẩu trong trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu"./.

Thúy Hiền (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục