Điều gì đang làm khó các nền kinh tế mới nổi của thế giới?

Khi thế kỷ XXI bắt đầu, các nền kinh tế đang phát triển là nguồn gốc của sự lạc quan không giới hạn và những tham vọng mãnh liệt nhưng ngày nay, những quốc gia này đang đối mặt với những thách thức.
Điều gì đang làm khó các nền kinh tế mới nổi của thế giới? ảnh 1Cuba có thể là một thị trường mới nổi trong tương lai. (Nguồn: Reuters)

Khi thế kỷ XXI bắt đầu, các nền kinh tế đang phát triển là nguồn gốc của sự lạc quan không giới hạn và những tham vọng mãnh liệt. Tuy nhiên, ngày nay, những quốc gia này đang phải đối mặt với những thách thức nhất định.

Trên khắp các châu lục, lần lượt từ Nam Phi, Colombia hay Tunisia… đều đang phải đối mặt với những bất ổn nhất định về chính trị.

Theo tạp chí The Economist, làn sóng bất ổn này, phần nào được tạo ra bởi đại dịch COVID-19, đã phơi bày và làm sâu sắc thêm những điểm yếu như bộ máy quan liêu và mạng lưới an sinh xã hội yếu kém. Sự tuyệt vọng và hỗn loạn có thể làm trầm trọng thêm vấn đề kinh tế sâu sắc, đó là nhiều quốc gia nghèo và thu nhập trung bình mất khả năng đuổi kịp những nước giàu có.

Thế giới các nước đang phát triển rất dễ bị ảnh hưởng bởi virus SARS-CoV-2, đặc biệt là các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nơi điều kiện làm việc từ xa khó khăn và có nhiều người già, béo phì. Nếu không tính Trung Quốc, các quốc gia đang phát triển chiếm 68% dân số thế giới, nhưng lại ghi nhận đến 87% người tử vong vì đại dịch và mới chỉ 5% người trên 12 tuổi được tiêm chủng đầy đủ.

Bên cạnh tổn thất về người là những tổn thất về kinh tế, vì các thị trường mới nổi có ít dư địa hơn để vượt qua khó khăn. Dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình cho tất cả các nền kinh tế mới nổi trong trung hạn sẽ thấp hơn 5% so với giai đoạn trước khi đại dịch xảy ra. Điều này dẫn đến tình trạng biểu tình và bạo lực, giữa lúc đại dịch vẫn đang diễn ra.

[Kinh tế châu Á vượt trội các thị trường mới nổi khác về “sức đề kháng"] 

Trong khi đó, những nước giàu có, chẳng hạn như Mỹ và Anh, cũng không phải là không có hỗn loạn. Tuy nhiên, sự thất vọng đang gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến các nền kinh tế mới nổi.

Vào đầu những năm 2000, các nền kinh tế mới nổi gây xôn xao với câu chuyện về việc "bắt kịp," trong đó nổi lên ý tưởng rằng các nước nghèo có thể thịnh vượng bằng cách tiếp thu công nghệ nước ngoài, đầu tư vào sản xuất và mở cửa nền kinh tế với thương mại, như một số "con hổ" Đông Á đã làm. Phố Wall thậm chí đã đặt ra thuật ngữ BRICS để ca tụng các "ngôi sao" mới nổi của kinh tế thế giới là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Có lúc tưởng như câu chuyện này đã mang lại một cái kết có hậu. Tỷ lệ những "ngôi sao" mới nổi có sản lượng kinh tế trên đầu người tăng trưởng nhanh hơn Mỹ đã tăng từ 34% những năm 1980 lên 82% vào những năm 2000. Những tác động là rất lớn, khi tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh. Các công ty đa quốc gia đã xoay trục khỏi phương Tây cũ kỹ và nhàm chán. Về địa chính trị, sự "bắt kịp" hứa hẹn một thế giới đa cực mới, trong đó quyền lực được phân bổ đồng đều hơn.

Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim này có vẻ đã kết thúc sớm. Trong những năm 2010, tỷ lệ các quốc gia "bắt kịp" đã giảm xuống chỉ còn 59%. Trung Quốc đã đánh bại nhiều nhà dự báo và có những câu chuyện thành công âm thầm hơn ở châu Á như Việt Nam, Philippines và Malaysia. Nhưng Brazil, Nga và Mỹ Latinh, Trung Đông hay khu vực châu Phi phía Nam sa mạc Sahara lại đang tụt hậu so với thế giới giàu có. Ngay cả với khu vực châu Á mới nổi, việc "bắt kịp" cũng chậm hơn so với trước đây.

Vận đen đã là một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này. Sự bùng nổ hàng hóa của những năm 2000 đã kết thúc, thương mại toàn cầu đình trệ sau cuộc khủng hoảng tài chính và những đợt hỗn loạn tỷ giá hối đoái đã gây ra tình trạng hỗn loạn. Trong khi đó, sự tự mãn cũng làm cho các quốc gia nghĩ rằng tăng trưởng nhanh là mặc định. Ở nhiều nơi, các dịch vụ cơ bản như giáo dục và chăm sóc sức khỏe đã bị bỏ quên.Thay vì bảo vệ các thể chế tự do, chẳng hạn như ngân hàng trung ương và tòa án, các chính trị gia đã sử dụng cho lợi ích của riêng mình.

Điều gì đang làm khó các nền kinh tế mới nổi của thế giới? ảnh 2Trụ sở Fed tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Các thị trường mới nổi có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nếu lãi suất tại Mỹ tăng. May mắn thay, hầu hết các nền kinh tế mới nổi đều đã trở nên đỡ mong manh hơn so với trước đây bởi tỷ giá hối đoái đã được thả nổi và ít dựa vào nợ ngoại tệ hơn. Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài lại là nỗi lo lớn hơn. Nghiên cứu cho thấy các cuộc biểu tình gây sức ép đối với nền kinh tế, dẫn đến sự bất mãn gia tăng và ảnh hưởng này được thể hiện rõ hơn ở các thị trường mới nổi.

Ngay cả khi các nền kinh tế mới nổi tránh được hỗn loạn, di sản của đại dịch COVID-19 và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng có thể khiến những nền kinh tế này phải chấp nhận tăng trưởng chậm lại trong một thời gian dài. Phần lớn người dân vẫn chưa được tiêm chủng cho đến năm 2022, trong khi năng suất lao động lâu dài có thể giảm do có quá nhiều trẻ em phải nghỉ học

Thương mại cũng có thể trở nên khó khăn hơn. Trung Quốc đang hướng nội, tránh xa các chính sách rộng mở, vốn đã làm cho nước này trở nên giàu có hơn. Nếu điều đó tiếp tục, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ không còn là nguồn cầu tiêu dùng lớn đối với thế giới những nước mới nổi.

Ngoài ra, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở phương Tây cũng sẽ hạn chế cơ hội xuất khẩu đối với các nhà sản xuất nước ngoài. Trong mọi trường hợp, hoạt động sản xuất sử dụng ít lao động hơn sẽ đặt ra những thách thức nhất định. Thật không may, các nước giàu không có khả năng bù đắp điều đó bằng cách tự do hóa thương mại dịch vụ, điều sẽ mở ra những con đường tăng trưởng khác. Và các nước giàu cũng không thể giúp các nền kinh tế bị ảnh hưởng như Bangladesh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đối mặt với bối cảnh khắc nghiệt này, các thị trường mới nổi có thể bị xúi giục từ bỏ thương mại mở và đầu tư, song đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng bởi giờ đây một số quy tắc đã thay đổi, trong đó khả năng tiếp cận công nghệ kỹ thuật số phổ biến là rất quan trọng, cũng như một mạng lưới an sinh xã hội đầy đủ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục