Điều gì thách thức quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn Độ?

Những đòi hỏi địa chính trị trong năm 2019 cho thấy cả Mỹ và Ấn Độ đều đã từ bỏ thái độ hay thay đổi mới xuất hiện gần đây.
Điều gì thách thức quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn Độ? ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản ngày 28/6/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Trang mạng eurasiareview.com, quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn suốt 20 năm qua đã không xuất hiện như phép màu nhiệm đến từ trên trời xanh, mà nó nổi lên từ sự hội tụ chiến lược tập trung vào Trung Quốc, vốn đã phát triển giữa Mỹ và Ấn Độ thông qua các hệ thống chính trị khác biệt. Những đòi hỏi địa chính trị trong năm 2019 cho thấy cả Mỹ và Ấn Độ đều đã từ bỏ thái độ hay thay đổi mới xuất hiện gần đây.

Các nhà quan sát nhấn mạnh trên trang bìa sau của cuốn sách với tiêu đề “Cuộc đối đầu quân sự Trung-Ấn: Những viễn cảnh thế kỷ 21” của tiến sỹ Subhash Kapila - Cố vấn các vấn đề chiến lược Nhóm Nghiên cứu Đông Nam Á của Ấn Độ - rằng: “Việc phát triển những ép buộc và yêu sách địa chính trị cuối cùng sẽ buộc Mỹ phải từ bỏ những quan điểm mập mờ chiến lược của mình về Trung Quốc và Pakistan, và đẩy Mỹ đứng về phía Ấn Độ trong cuộc đối đầu quân sự Trung-Ấn đang gia tăng. Một nhân tố xoay chuyển cuộc chơi như vậy sẽ đảm bảo việc Mỹ không chỉ đứng về phía đúng đắn của lịch sử mà còn tiếp tục gắn kết ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương-châu Á, với sự hỗ trợ chiến lược của Ấn Độ.” 

Người ta tin rằng Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã từ bỏ những quan điểm mơ hồ nêu trên, những điều khiến Ấn Độ lo ngại. Dù Pakistan đã tuân theo quy tắc, nhưng theo lời của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Mỹ đã quay ngoắt 360 độ trong chính sách Pakistan của mình để tạo lợi thế cho Ấn Độ. Với Trung Quốc cũng vậy, chính quyền Trump đã coi Trump Quốc như một đối thủ nguy hiểm. Cả hai sự thay đổi trên trong chính sách của Mỹ đều phù hợp với những lợi ích an ninh quốc gia của Ấn Độ.

Đổi lại, Ấn Độ cũng vậy. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với những hội tụ chiến lược Mỹ-Ấn đã gắn kết Ấn Độ trong các vấn đề an ninh và địa chính trị của Mỹ, trải dài từ Afghanistan đến Biển Đông cũng như sự đảm bảo an ninh và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung.

Vậy thì tại sao gần đây, Mỹ và Ấn Độ lại phải trải qua một thời kỳ bất hòa khi cả Mỹ và Ấn Độ cùng Nhật Bản dường như cùng chung chí hướng trong việc hợp tác để tạo ra một bức tranh an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn?

Tương lai Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn như một mối quan hệ sôi nổi bị thách thức trong năm 2019 đang được chứng minh bằng chuyến thăm kéo dài 2 ngày của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tới New Delhi trong tuần này để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. 

Rõ ràng, Washington nhận ra rằng ở New Delhi đã xuất hiện quan điểm bất bình về những xích mích gần đây xuất phát từ những khẳng định công khai của Mỹ trong vấn đề thương mại, việc Ấn Độ mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga và những mối quan hệ đặc biệt của Ấn Độ với Iran cũng như việc mua dầu của Iran. Ở mức độ nào đó, việc ông Pompeo có thể xoa dịu những nỗi lo ngại của Ấn Độ hay không sẽ không được công bố công khai. Mọi kết quả sẽ chỉ xuất hiện sau cuộc gặp Trump-Modi tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka.

Trên thực tế, điều đang bị đe dọa không phải là “giá trị” của mối quan hệ Đối tác chiến lược Mỹ-Ấn, mà là những quan điểm khó đoán định trong việc đưa ra quyết định về an ninh quốc gia của Ấn Độ liên quan đến những vấn đề khiến Ấn Độ lo ngại.

Đặc biệt, điều gây chú ý gần đây là lá thư của Đại diện đảng Dân chủ Eliot Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ, gửi tới ông Pompeo trước khi ông khởi hành tới New Delhy hôm 24/6.

Ông Engel đã đưa ra một số quan sát quan trọng, và nên được Tổng thống Trump đưa ra khi ông gặp gỡ Thủ tướng Modi: Thứ nhất, xuất hiện một quan điểm cho rằng chính quyền Mỹ đang cố gắng ép buộc Ấn Độ tuân thủ các yêu cầu của Mỹ trong nhiều vấn đề khác nhau, thay vì đàm phán với họ như một đối tác chiến lược. Thứ hai, khả năng dự đoán và gắn kết trong quan hệ đối tác Mỹ-Ấn vẫn còn thiếu sót. Thứ ba, có những lo ngại về sự mâu thuẫn giữa lời lẽ và hành động của chính quyền Mỹ đối với Ấn Độ. Thứ tư, phạm vi và sức mạnh của mối quan hệ song phương không thể xóa mờ những mâu thuẫn thương mại và thuế quan. Thứ năm, thành thật mà nói, cách tiếp cận không nhất quán của Mỹ đối với Ấn Độ có nguy cơ ảnh hưởng đến mối quan hệ đối tác chiến lược mà hai nước đã hợp tác với nhau trong nhiều thập kỷ qua.

Chắc chắn, Ấn Độ với tư cách là cường quốc châu Á mạnh mẽ nhất trong quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ xứng đáng được quan tâm và tôn trọng. Người ta vô cùng tin tưởng rằng Mỹ và Ấn Độ rất cần đến nhau ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì lợi ích an ninh tương ứng của mỗi bên, song Mỹ cũng nên tạo ra một không gian chính trị để phù hợp với các mối quan hệ đặc biệt khác của Ấn Độ, vốn cũng được nuôi dưỡng suốt nhiều thập kỷ qua.

Ngược lại, Ấn Độ cũng nên từ bỏ những quan điểm khó đoán định trong các chính sách về Trung Quốc. Trung Quốc rõ ràng là một đối thủ quân sự của Ấn Độ, và Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã coi Trung Quốc là một quốc gia đối địch, hoạt động chống lại lợi ích an ninh quốc gia Mỹ. Vậy tại sao Ấn Độ lại cảm thấy có lỗi khi Trung Quốc coi Ấn Độ là một mối đe dọa an ninh? Tại sao Ấn Độ vẫn tiếp tục là một thành viên chính thức của các tổ chức do Trung Quốc lãnh đạo hoặc kiểm soát như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải? Đó là vì Ấn Độ giáp giới với Trung Quốc chứ không phải Mỹ.

Tiến sỹ Subhash Kapila từng chỉ ra rằng các cuộc thảo luận của cộng đồng chiến lược và ngoại giao Ấn Độ về “Quyền tự trị chiến lược” hay phong trào “Không liên kết 2.0” chỉ là vô nghĩa. Ấn Độ phải dùng đến các chiến lược “Cân bằng quyền lực” chống lại Trung Quốc. Đây là lúc cao điểm mà các công thức về chính sách Trung Quốc và chính sách Pakistan của Ấn Độ được định rõ bởi các đòi hỏi và công thức an ninh quốc gia của Ấn Độ.

Theo ông Kapila, không có sự khác biệt nào về địa chính trị và chiến lược giữa Mỹ và Ấn Độ có thể thách thức khuôn khổ của bức tranh toàn diện rộng lớn trong mối quan hệ Đối tác chiến lược Mỹ-Ấn và tầm nhìn về an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là bức tranh lớn hơn mà Mỹ và Ấn Độ cần phải thúc đẩy.

Hy vọng cả Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi trên cương vị những nhà lãnh đạo năng động của hai nền dân chủ nổi bật trên thế giới sẽ tận dụng cơ hội này, đồng thời lèo lái quan hệ Đối tác chiến lược Mỹ-Ấn tới một tầm cao mới về an ninh và từ bỏ những quan điểm khó đoán định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục