Diễu hành ở nhiều nước trong ngày Quốc tế Lao động

Ngày 1/5, hàng triệu người lao động và nhân dân Cuba đã diễu hành để bày tỏ quyết tâm tiếp tục bảo vệ những thành quả cách mạng.
Ngày 1/5, hàng triệu người lao động và nhân dân Cuba đã diễu hành tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước để bày tỏ quyết tâm tiếp tục bảo vệ những thành quả cách mạng, khẳng định khối đoàn kết trong quá trình thực hiện kế hoạch cập nhật mô hình kinh tế vì mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, lễ diễu hành này còn vinh danh người bạn lớn của nhân dân Cuba, cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez vì những đóng góp của ông cho phong trào cánh tả Mỹ Latinh nói chung và những người lao động Venezuela nói riêng.

Bí thư Thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cuba, phái đoàn ngoại giao và gần 2.000 đại diện đến từ 73 nước và 265 tổ chức xã hội đã tham dự buổi diễu hành chính tại Quảng trường Cách mạng ở thủ đô La Habana.

Lễ diễu hành cũng là dịp để nhân dân Cuba chào mừng 160 năm ngày sinh của Anh hùng dân tộc Jose Marti, 60 năm ngày tấn công vào các trại lính Moncada và Carlos Manuel de Cespedes, cũng như bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc cách mạng Bolivia ở Venezuela do cố Tổng thống Chavez khởi xướng và tân Tổng thống Nicolas Maduro kế tục.

Trong khi đó, mặc dù tụ tập đông đúc là sự kiện hiếm khi xảy ra ở Singapore trong vài thập kỷ qua, quốc đảo vốn nhỏ bé và yên bình này chiều 1/5 bỗng trở nên khác thường khi hàng nghìn người tụ tập tại một công viên để phản đối các chính sách của chính phủ và bày tỏ quan ngại về một số vấn đề như dân số, nhập cư và phí sinh hoạt tăng cao.

Đây là cuộc biểu tình thứ hai thu hút sự tham gia của hàng nghìn người kể từ khi Singapore đầu năm nay công bố Sách Trắng về dân số, dự báo dân số nước này sẽ tăng từ 6,5 triệu hiện nay lên 6,9 triệu vào năm 2030.

Cũng trong ngày 1/5, khoảng 20.000 người đã tham gia cuộc mít tinh ở thủ đô Zagreb của Croatia và nhiều thành phố khác để phản đối các chính sách của chính phủ và kêu gọi một sự thay đổi ở đất nước hiện ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp chiếm tới 21,6% lực lượng lao động.

Các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn cho rằng đây là cơ hội cuối cùng để Zagreb thay đổi chính sách, nếu không cần xem xét việc tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn sau ngày 1/7 tới, thời điểm nước này chính thức gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Hàng nghìn người cũng tuần hành ở Bồ Đào Nha bày tỏ sự tức giận với các điều kiện khắc khe mà EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) buộc Lixbon phải thực hiện để đổi lấy tiền cứu trợ vỡ nợ.

Ngay cả ở quốc gia Thụy Sĩ tương đối giàu có và không thuộc EU cũng diễn ra các cuộc biểu tình với sự tham gia của gần 13.000 người, phản đối chênh lệch về thu nhập giữa giới chủ và người làm công.

Trong khi đó, tại Nga, nhân Ngày Lao động Quốc tế, Tổng thống nước này Vladimir Putin đã làm sống lại truyền thống có từ thời Liên Xô bằng lễ trao tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động" cho 5 người, trong đó có một thợ mỏ ở vùng Siberia. Theo ông Putin, lao động chăm chỉ là "chìa khóa" dẫn tới một nước Nga giàu, mạnh.

Các cuộc biểu tình trong Ngày Lao động Quốc tế cũng diễn ra tại một số nước thuộc châu Phi, châu Mỹ và khu vực Trung Đông như Morocco, Senegal và Bahrain đòi việc làm và tăng lương./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục