Điều hành thị trường 2008: Kê đúng thuốc, chữa đúng bệnh

Nhiều ý kiến ví von thị trường năm 2008 như một cơ thể phát quá nhiều bệnh: có thời điểm giá cả bừng bừng "sốt nóng" rồi sau đó lại đột ngột chuyển sang "sốt lạnh".

Nhiều ý kiến ví von thị trường năm 2008 như một cơ thể phát quá nhiều bệnh: có thời điểm giá cả bừng bừng "sốt nóng" rồi sau đó lại đột ngột chuyển sang "sốt lạnh".

Tiến sỹ Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại trong nước, Bộ Công thương, thừa nhận: "Có nhiều biến động mạnh ở từng thời điểm, từng mặt hàng, từng địa phương nhưng nhìn về tổng thể, thị trường năm 2008 đã có một kết thúc tốt đẹp".

Từ sốt nóng sang sốt lạnh

Năm 2008, có quá nhiều biến động và thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Khủng hoảng tài chính mang tính toàn cầu đã khiến kinh tế trong nước từ việc phải đối mặt với lạm phát tăng cao những tháng đầu năm chuyển sang đối phó với vấn đề suy giảm tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Thị trường hàng hóa theo đó cũng có những biến động rất mạnh.

Theo ông Hoàng Thọ Xuân, 6 tháng đầu năm, giá hàng hóa trên thị trường tăng cao gây áp lực lạm phát gia tăng, chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm đã tăng 18,44%, hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá hàng hóa vật tư trên thị trường thế giới tăng cao.

Sáu tháng đầu năm 2008, giá xuất nhập khẩu bình quân của dầu thô tăng  tới gần 70%, gạo tăng 85%, cà phê tăng hơn 40,18%, than đá tăng 68%, phân bón tăng 96%, phôi thép tăng 52%... so với cùng kỳ năm ngoái. Thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp, tới nguồn cung lương thực, thực phẩm và đẩy giá các nhóm hàng này tăng cao.

Bên cạnh đó là sự biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ trong nước việc tăng lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại đã đẩy chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng cao, tỷ giá VND/USD có thời điểm lên tới 19.500 đồng/USD... gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa và đẩy giá hàng nhập khẩu tăng cao.

Yếu tố tâm lý và thông tin không đầy đủ cũng đã dẫn tới cơn sốt gạo, ximăng, xăng dầu với giá cả tăng gấp 2 đến 3 lần thông thường.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 7 đến tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm dần do thị trường hàng hóa thế giới giảm sâu, giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm, nguồn cung nhiều loại hàng hóa như sắt thép, phân bón, lương thực... khá dồi dào trong khi tiêu thụ chậm.

Đặc biệt, 3 tháng cuối năm, giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường liên tục giảm, CPI giảm 3 tháng liên tục. Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lại gặp khó khăn do sản xuất đình trệ, tồn kho nhiều loại hàng hóa.

Biến động nhưng không loạn nhịp

"Khi thị trường sốt nóng thì Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan đã có thuốc để cắt cơn sốt, còn khi thị trường chuyển lạnh thì cũng đã có những giải pháp điều hành để hâm nóng thị trường. Chính vì vậy, năm 2008 kinh tế trong nước nói chung và thị trường hàng hóa nói riêng vẫn tiếp tục sôi động, tương đối ổn định và duy trì được nhịp độ phát triển khá cao", ông Xuân nhận định.

Ông Hoàng Thọ Xuân phân tích: Thứ nhất, trong khi thị trường thế giới có nhiều biến động mạnh thì thị trường hàng hóa trong nước vẫn phong phú, dồi dào, đảm bảo đủ đáp ứng cho nhu cầu của sản xuất và đời sống. Không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá trầm trọng kéo dài.

Các cơn sốt gạo, thép... bùng phát đã được nhanh chóng "chữa trị", không để biến động kéo quá dài, gây tổn thương đến sản xuất và đời sống. "Chúng ta đã không để các quan hệ cung cầu làm phức tạp thêm tình hình thị trường", ông Hoàng Thọ Xuân khẳng định.

Thứ hai, không khí và nhịp độ của thị trường qua từng tháng biến động ở mức độ tương đối đều đặn, không có tháng nào giá và cung cầu tăng đột biến cũng như giảm quá đột biến.

Điều này thể hiện qua chỉ số giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều tăng qua các tháng, cả năm 2008 ước đạt 968.000 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2007, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì vẫn tăng 7%.

Chỉ số giá đến 6 tháng cuối năm bắt đầu giảm và nhất là quý 4 thì liên tục giảm nhưng về sức mua của xã hội và tiêu dùng của xã hội vẫn tăng. Ước cả năm 2008, chỉ số giá tăng 19,89% so với tháng 12/2007 và tăng 22,97% nếu so với bình quân năm 2007, thấp hơn yêu cầu đặt ra từ đầu năm.

Thứ ba, công tác điều hành thị trường đã lắng nghe và quan tâm đến những khó khăn, vướng mắc của sản xuất để kiên trì thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát; thậm chí, đã phải trì hoãn lộ trình thực hiện giá thị trường đối với một số mặt hàng như điện, than, nước sạch, theo quan điểm vì lợi ích của toàn bộ nền kinh tế./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục