Điều tra thiệt hại kinh tế và môi trường với sông Thị Vải

Tổng cục Môi trường đang điều tra những thiệt hại về kinh tế và môi trường khi sông Thị Vải bị các công ty gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang tiến hành điều tra những thiệt hại về kinh tế và môi trường khi sông Thị Vải bị ô nhiễm nghiêm trọng do hành vi của công ty Vedan và các doanh nghiệp trong khu vực.
 
Theo đó, Tổng cục sẽ phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa–Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành điều tra hiện trạng các nguồn xả thải, chất lượng nước và bùn đáy tại khu vực sông Thị Vải.

Sau đó, Tổng cục sẽ tổng hợp số liệu và đánh giá các nguồn xả thải và chất lượng nguồn nước dòng sông này từ năm 1990 đến tháng 7/2009, từ đó sẽ xác định được phạm vi và mức độ bị ảnh hưởng do ô nhiễm nguồn nước đến các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản do công ty Vedan và các doanh nghiệp trên lưu vực sông Thị Vải gây ra.

Trên cơ sở đó, Tổng cục sẽ đề xuất mức độ và cơ chế đền bù thiệt hại cho nông dân.
 
Theo Tổng cục Môi trường, từ nay đến ngày 20/9, tổng cục cùng với các đơn vị trên sẽ tiến hành các bước điều tra và tính toán cụ thể để đánh giá tác động môi trường và những thiệt hại kinh tế, môi trường do các doanh nghiệp gây ra đối với sông Thị Vải, tạo cơ sở cho việc giải quyết các đơn thư khiếu kiện của nông dân đòi bồi thường thiệt hại.
 
Theo thống kê, nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa–Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi 11.000 đơn thư khiếu kiện Vedan và các doanh nghiệp gây nhiễm cho sông Thị Vải. Tuy nhiên theo các chuyên gia, các đơn thư khiếu kiện vẫn chưa đủ căn cứ để xác định mức độ bồi thường thiệt hại thỏa đáng.
 
Do các đơn kiện chủ yếu nhằm vào công ty Vedan nên cần phải xác định tỷ lệ gây ô nhiễm của mỗi nguồn thải từ các doanh nghiệp. Mặt khác, cần xác định mức độ thiệt hại do dòng sông bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của người dân, từ đó mới đưa ra “bằng chứng” để yêu cầu các doanh nghiệp bồi thường thiệt hại cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục