Điều Triều Tiên muốn nói với Mỹ: Nhượng bộ hay đối đầu?

Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi đất nước chuẩn bị cho cả “đối thoại lẫn đối đầu” là phản ứng của ông đối với chính sách mà Tổng thống Mỹ Joe Biden triển khai liên quan Bình Nhưỡng.
Điều Triều Tiên muốn nói với Mỹ: Nhượng bộ hay đối đầu? ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo trang mạng thediplomat.com, kể từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi đất nước chuẩn bị cho cả “đối thoại lẫn đối đầu” với chính quyền mới tại Mỹ tại cuộc họp của Đảng Lao động Triều Tiên hồi tuần trước, Washington và Bình Nhưỡng đã có những diễn giải khác nhau về các phát biểu này.

Bình luận của nhà lãnh đạo Triều Tiên trước hết là phản ứng của ông đối với chính sách mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden triển khai liên quan đến Bình Nhưỡng.

Ngày 21/6, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho rằng bình luận của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là một “tín hiệu thú vị,” đồng thời nhắc lại việc Washington sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân của nước này.

Sau đó một ngày, theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA, Kim Yo-jong - em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên - nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng Washington dường như đang "kỳ vọng sai" về phát biểu của anh trai bà.

Ngoại trưởng Triều Tiên cũng đưa ra bình luận trong một tuyên bố riêng, khẳng định Bình Nhưỡng thậm chí không tính đến việc nối lại các cuộc đàm phán với Washington.

Để thuyết phục Triều Tiên quay lại bàn đàm phán, Tổng thống Biden đã bổ nhiệm một đặc phái viên mới về vấn đề Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh song phương với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng trước.

[Mỹ kiên trì theo đuổi biện pháp ngoại giao với Triều Tiên]

Ông Biden đã trao đổi với Sung Kim, người từng phụ trách việc điều phối chương trình nghị sự trong các cuộc đàm phán cấp làm việc với Triều Tiên cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Nhà ngoại giao Sung Kim đã đến Seoul trong tuần này để có cuộc gặp với các đồng nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo truyền thông địa phương, Sung Kim, một người Mỹ gốc Hàn, thông thạo tiếng bản địa và điều này sẽ giúp ông giao tiếp với những người đồng cấp Triều Tiên dễ dàng hơn mà không cần thông dịch viên.

Kể từ khi Mỹ và Triều Tiên không đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh Hà Nội cách đây 2 năm, hai bên đều tỏ ra cứng rắn, yêu cầu đối phương phải đáp ứng trước những yêu cầu khó khả thi.

Mỹ muốn Triều Tiên có các bước đi cụ thể để phi hạt nhân hóa trước khi Mỹ nới lỏng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào, trong khi Triều Tiên yêu cầu được giảm bớt các biện pháp trừng phạt trước mọi cân nhắc tháo dỡ kho vũ khí hạt nhân mà nước này sở hữu.

Mỹ đã có chính quyền mới, song Triều Tiên vẫn thờ ơ với việc tìm kiếm các kênh khả thi nhằm nối lại tiến trình cuộc đàm phán bị đình trệ giữa hai nước.

Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc đã bày tỏ lập trường nhất quán rằng Seoul luôn sẵn sàng hỗ trợ và làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên, song Bình Nhưỡng dường như không quan tâm đến nỗ lực của Hàn Quốc, trong bối cảnh Tổng thống Moon Jae-in đang trong những tháng cuối của nhiệm kỳ.

Giáo sư Leif-Eric Easley, làm việc tại trường Đại học Ewha ở Seoul, nói: “Việc Kim Yo-jong bác bỏ quan điểm cho rằng anh trai bà sẵn sàng đàm phán bất cứ lúc nào về cơ bản là nhằm đẩy lùi nỗ lực của Mỹ nhằm đá 'quả bóng ngoại giao' sang sân của Bình Nhưỡng,”

Cũng theo ông Easley, tuyên bố của Kim Yo-jong nhằm dội gáo nước lạnh vào những hy vọng tái can dự Mỹ-Triều. Thay vào đó, Triều Tiên tỏ rõ quyết tâm duy trì thế biệt lập do lo ngại bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chính phủ Hàn Quốc đã tìm cách nối lại đối thoại với Triều Tiên bằng cách đề xuất hợp tác liên Triều và đề cập tới việc cung cấp vaccine cho Triều Tiên.

Ngay cả sau khi Triều Tiên cho nổ tung văn phòng liên lạc chung Kaesong, nơi từng là biểu tượng liên lạc giữa hai miền liên Triều, chính quyền Moon Jae-in vẫn nhất quán theo đuổi “đối thoại,” khẳng định đây là cách duy nhất để xây dựng một bán đảo Triều Tiên hòa bình.

Theo truyền thông địa phương, Washington cũng đồng tình với quan điểm của Seoul trong việc tham gia hợp tác liên Triều, song Bình Nhưỡng đã từ chối đề xuất của Seoul và không đưa ra các biện pháp hay yêu cầu cụ thể để có thể mở cánh cửa hợp tác.

Ông Easley nói: “Chế độ Kim Jong-un muốn thấy những nhượng bộ lớn hơn từ Washington trước khi quay lại đàm phán. Trong khi chờ đợi, họ đang tìm cách kích động những bất hòa trong chính trường Hàn Quốc về về các cuộc tập trận sắp tới giữa Seoul và Mỹ.”

Cheong Seong-chang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Sejong Hàn Quốc, nhận định: “Có thể Triều Tiên cho rằng nếu hợp tác tốt với Trung Quốc, họ không cần phải nói chuyện với Mỹ, quốc gia luôn yêu cầu họ từ bỏ hạt nhân.”

Theo ông, Hàn Quốc và Mỹ đang tiếp bước chính quyền ông Trump và nuôi hy vọng về một cuộc đàm phán song phương khác giữa Washington và Bình Nhưỡng, dù cách tiếp cận này thực tế đã thất bại.

Ông Cheong Seong-chang nói: “Mỹ cần đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán bằng cách thúc đẩy đàm phán 4 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, đưa cả Trung Quốc và Hàn Quốc tham gia tiến trình này... Đáng tiếc là chính phủ Hàn Quốc chỉ tập trung vào việc ‘đối thoại bất khả thi’ với Triều Tiên”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục