Điều Trung Quốc học được từ sự phát triển của chủ nghĩa tư bản Mỹ

Trang mạng asiatimes.com cho rằng Trung Quốc đã học hỏi từ sự phát triển của chủ nghĩa tư bản Mỹ và bằng cách đó, nền kinh tế Trung Quốc đang đi lên trong khi nền kinh tế Mỹ đi xuống.
Điều Trung Quốc học được từ sự phát triển của chủ nghĩa tư bản Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Asia Times)

Trang mạng asiatimes.com cho rằng theo những cách nhất định, chủ nghĩa tư bản Mỹ cho tới tận gần đây vẫn là chủ nghĩa tư bản thành công nhất trên thế giới. Tốt hơn các hệ thống tư bản của Anh, Đức và Nhật Bản, chủ nghĩa tư bản Mỹ đã tránh được hai cái bẫy “then chốt."

Thứ nhất, chủ nghĩa tư bản Mỹ đã tìm ra một phương pháp hiệu quả để quản lý cuộc đấu tranh giai cấp giữa tầng lớp tư sản và công nhân trong một thời gian dài trước khi đánh mất khả năng đó.

Mỹ cũng đã tìm ra cách để tổ chức sự thống trị đế quốc mà không cần tới chủ nghĩa thực dân công khai - vốn có nguy cơ kích động sự phản kháng gia tăng mà cuối cùng có thể trở nên quá tốn kém và không thể quản lý được như của Anh, Đức, Nhật Bản và các đế quốc thực dân khác.

Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, chủ nghĩa tư bản Mỹ đã không thể quản lý được các cuộc đấu tranh giai cấp hay đảo ngược sự suy thoái của chủ nghĩa đế quốc phi chính thức của mình.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đã học hỏi - một cách ngấm ngầm hay công khai - từ việc chủ nghĩa tư bản Mỹ đã đánh mất những năng lực đó như thế nào. Từ đó, Trung Quốc đã tổ chức các mối quan hệ giữa người sử dụng lao động với người lao động cũng như các mối liên kết quốc tế của nước này theo cách khác. Bằng cách đó, nền kinh tế Trung Quốc đang đi lên trong khi nền kinh tế của Mỹ đi xuống.

Tất nhiên, quá trình này là không đồng đều; sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc luôn biến đổi. Tuy nhiên, mô hình và hướng đi chung vẫn như cũ: Trung Quốc đi lên và Mỹ đi xuống.

Sự trồi sụt của Chính sách kinh tế mới 

Từ năm 1820 đến những năm 1970, chủ nghĩa tư bản Mỹ đã thuê một số lượng công nhân ngày càng tăng nhanh và trả cho họ mức lương thực tế được tăng lên mỗi thập kỷ cho đến những năm 1970. Điều này được kết hợp với một nền văn hóa nhấn mạnh tới tiêu dùng (tích cực) để bù đắp cho lao động (tiêu cực).

Sự kết hợp này đã làm thui chột các lời kêu gọi của những người bất đồng chính kiến, những người cấp tiến, những người theo chủ nghĩa xã hội và những người chỉ trích chủ nghĩa tư bản cho đến những năm 1930. Năng suất tăng trong 150 năm thậm chí còn nhanh hơn tiền lương thực tế và thúc đẩy lợi nhuận một cách nhanh chóng. Mỹ vượt trội hơn các chế độ tư bản khác về cả lợi nhuận tích lũy cho giai cấp tư sản và tiền lương thực tế dành cho giai cấp công nhân.

Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 và cuộc Đại suy thoái những năm 1930 là những ngoại lệ làm sáng tỏ thêm quy luật này.

Chủ nghĩa tư bản Mỹ sau đó đã tan vỡ, cũng như những hứa hẹn về sự thịnh vượng và tăng trưởng. Lo sợ bị sụp đổ, tầng lớp người sử dụng lao động ở Mỹ - thông qua Đảng Dân chủ của Tổng thống Franklin Delano Roosevelt - đã đưa ra một thỏa thuận, vốn giống như một kiểu liên minh, với tầng lớp lao động. Thỏa thuận này do những nhân vật hàng đầu chuyên chỉ trích chủ nghĩa tư bản đứng ra làm trung gian, gồm Hiệp hội các tổ chức công nghiệp (CIO) cùng với hai đảng xã hội chủ nghĩa và một đảng cộng sản.

[Nỗ lực đưa quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc về quỹ đạo ổn định]

Cùng với nhau, tầng lớp những người sử dụng lao động và người lao động đã tạo ra Chính sách kinh tế mới (New Deal), và một khuynh hướng chính trị thiên tả đã xóa bỏ phần lớn những bất bình đẳng kinh tế từng được hình thành ở Mỹ trước năm 1929.

Chính công cuộc "đại tái thiết" này, và cùng với Chiến tranh Thế giới thứ hai, đã giúp nối lại vòng cung đi lên của chủ nghĩa tư bản Mỹ. Hơn nữa, vòng cung đó có thêm khía cạnh đế quốc khi Chiến tranh Thế giới thứ hai làm suy yếu các đế quốc thực dân chính thức cũ, cho phép Mỹ nhanh chóng thay thế các đế quốc này một cách không chính thức.

Tuy nhiên, tầng lớp sử dụng lao động ở Mỹ đã mắc một sai lầm chiến lược lớn sau khi thời kỳ của Roosevelt và Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Họ đã không thể nhận ra sức mạnh của cánh tả trong những năm 1930 đã tình cờ cứu vớt chủ nghĩa tư bản Mỹ như thế nào thông qua công cuộc "đại tái thiết."

Chính sách kinh tế mới chủ yếu là một biện pháp kích thích "nhỏ giọt" theo trường phái Keynes, không giống như các chính sách kinh tế "nhỏ giọt" truyền thống của các chính phủ Mỹ trước đây và hiện tại. Nó đã đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc Đại suy thoái, đồng thời giảm bớt sự bất bình đẳng về thu nhập và chênh lệch giàu nghèo, không giống như những thập kỷ trước và sau đó.

Tuy nhiên, bị mù quáng bởi nỗi sợ hãi và giận dữ khi phải trả thuế để tài trợ cho Chính sách kinh tế mới cùng các cải cách tương tự khác, sự trỗi dậy của một phe cánh tả mạnh mẽ tại Mỹ cũng như liên minh giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, tầng lớp những người sử dụng lao động quyết rút lại rất cả những điều đó sau năm 1945. Chủ yếu thông qua Đảng Cộng hòa, tầng lớp sử dụng lao động tự đặt ra nhiệm vụ xóa bỏ Chính sách kinh tế mới bằng cách tiêu diệt liên minh đã tạo ra nó (CIO cùng với những người theo chủ nghĩa xã hội và những người cộng sản).

Giai cấp sử dụng lao động đã phá hủy thành công toàn bộ liên minh và từng thành phần tạo ra liên minh đó. Tuy nhiên, đống đổ nát này cũng định hướng lại chủ nghĩa tư bản Mỹ theo một quỹ đạo đã từng kết thúc 150 năm phát triển của nó.

Đến những năm 1970, công cuộc tái thiết bị đình trệ. Giới chủ tại Mỹ tìm cách tận dụng mọi cơ hội để nâng cao lợi nhuận mà không phải sợ hay phải quan tâm nhiều đến phản ứng của người lao động. Nhiều người sử dụng lao động đã chuyển cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài, nơi mức lương thấp hơn nhiều, qua đó giúp lợi nhuận của các công ty Mỹ tăng lên nhiều hơn.

Ngày càng có nhiều người sử dụng lao động tại Mỹ áp dụng triển khai tự động hóa nhanh chóng. Các chính sách nhập cư mới đã được ban hành. Những công việc tốt cho những người vô sản đã không còn, mà thay vào đó là tình trạng bấp bênh mà các thế hệ trẻ ngày nay phải cay đắng coi là lẽ đương nhiên. Thay vì tiền lương thực tế được tăng mỗi thập kỷ từ năm 1820 đến năm 1970, trong 50 năm qua, mức lương thực tế bị giữ nguyên cùng với nợ hộ gia đình ngày càng tăng.

Các chu kỳ của thế kỷ 21 ngày càng lớn hơn và khắc nghiệt hơn, gần tương tự như hồi những năm 1930. Tuy nhiên, không có sự chuyển hướng chính trị theo hướng thiên tả nào xảy ra, không có phong trào nào giống như phòng trào xây dựng Liên minh Chính sách kinh tế mới như từng có trước đây.

Lần này, một cuộc khủng hoảng sâu sắc không mang lại chính sách kích thích kinh tế "nhỏ giọt" nào. Bất bình đẳng về thu nhập và chênh lệch giàu nghèo tiếp tục trở nên trầm trọng hơn. Không có công cuộc tái thiết nào do cánh tả dẫn dắt xảy ra để cứu chủ nghĩa tư bản Mỹ khỏi bị chìm sâu vào những xung đột kinh tế, xã hội và văn hóa ngày càng sâu sắc.

Bài học Trung Quốc rút ra

 Trong khi đó, nhiều nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc đã rút ra các bài học từ kinh nghiệm của Mỹ để biết nên nhân rộng chính sách nào và loại bỏ chính sách nào. Trung Quốc thấy rằng các nhà tư bản Mỹ thường hợp tác chặt chẽ với nhà nước để thực hiện thành công các dự án lớn bằng cách điều phối và huy động các nguồn lực công và tư.

Mỹ đã tham gia các cuộc chiến trong suốt một thế kỷ để hạ bệ, trục xuất hay tiêu diệt người bản địa; tiến hành các cuộc chiến tranh giành độc lập từ tay đế quốc Anh vào năm 1776 và 1812; chấm dứt nền kinh tế nô lệ ở miền Nam nước Mỹ thông qua nội chiến; xây dựng cơ sở hạ tầng mà các nhà tư bản cần để phát triển (chẳng hạn như kênh đào và đường sắt); thúc đẩy lợi ích của các nhà tư bản Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất và thứ hai cũng như trong các công cuộc phục hồi sau đó; đồng thời thay thế hệ thống chủ nghĩa thực dân cũ sau năm 1945 và thế vào đó là sự thống trị toàn cầu của Mỹ về quân sự, kinh tế và chính trị.

Ở Trung Quốc, giới hoạch định chính sách kinh tế cũng đã lưu ý đến những điểm yếu và mặt trái trong chủ nghĩa tư bản của Mỹ. Chủ nghĩa tư bản tương đối không được kiểm soát sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất đã dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929. Tương tự như vậy, chủ nghĩa tư bản không có sự điều tiết (“tân tự do” hoặc “toàn cầu hóa”) sau những năm 1970 đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Việc bác bỏ chương trình bảo hiểm y tế quốc gia đã tạo điều kiện cho một tổ hợp công nghiệp-y tế tư nhân lạm thu và giúp chủ nghĩa tư bản Mỹ hưởng lợi từ siêu lợi nhuận. Nó cũng khiến Mỹ không được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với đại dịch COVID-19, và kết quả thật thảm khốc.

Nhìn chung, Trung Quốc kết luận rằng ở Mỹ, việc thường xuyên đạt được các mục tiêu xã hội được ưu tiên khi các nguồn lực công và tư được điều phối và tập trung để đạt được mục tiêu đó.

Trung Quốc cũng quan sát thấy rằng những cuộc chiến tranh và các cuộc khủng hoảng kinh tế thường tạo ra sự điều phối và tập trung như vậy ở Mỹ. Các nhà quan sát kinh tế ở Trung Quốc đưa ra một kết luận hợp logic rằng một chương trình điều phối và tập trung liên tục nhìn chung sẽ mang lại kết quả tốt hơn những gì Mỹ đã đạt được thông qua các chương trình thỉnh thoảng mới được triển khai của nước này.

Kết luận đó cũng phù hợp với quan niệm của Trung Quốc về "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc." Theo quan niệm đó, một Đảng Cộng sản mạnh và nhà nước mà nó kiểm soát sẽ đảm bảo cho chương trình liên tục có sự điều phối và tập trung của một hệ thống kết hợp giữa các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.

Các nhà lãnh đạo kinh tế của Trung Quốc cho rằng chương trình liên tục đó góp phần tạo ra một tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm ấn tượng. Từ năm 1977 đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của Trung Quốc (9,2%) cao hơn gấp 3 lần so với Mỹ (2,6%).

Mức lương thực tế trung bình ở Trung Quốc cũng đã tăng mạnh trong những năm gần đây, qua đó cho thấy một thành công khác của hệ thống kinh tế của Trung Quốc. Ngược lại, mức lương thực tế của Mỹ đã bị đình trệ trong thời gian gần đây.

Những thành tích vượt trội gần đây của Trung Quốc so với Mỹ là bằng chứng thuyết phục để Bắc Kinh tiếp tục chính sách của mình. Trung Quốc đã học từ Mỹ cách làm thế nào để làm tốt hơn chủ nghĩa tư bản của Mỹ.

Quá trình chuyển đổi

Karl Marx đã từng viết rằng không có hệ thống kinh tế nào biến mất cho đến khi nó phát triển hết các hình thức có thể có của nó. Nếu người ta hiểu rằng các hệ thống kinh tế là các cách thức cụ thể để tổ chức các quan hệ sản xuất của con người, thì chủ nghĩa tư bản là cách đặt người sử dụng lao động đối đầu với người lao động.

Vương quốc Anh, và đặc biệt là Mỹ, đã phát triển hệ thống kinh tế đó với trọng tâm là các hình thức doanh nghiệp tư nhân. Liên Xô đã phát triển hệ thống đó với sự chú trọng mạnh mẽ vào các hình thức doanh nghiệp công của mình.

Trong khi đó, Trung Quốc đã phát triển hệ thống kinh tế đó bằng cách kết hợp các hình thức doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước (như các nước Scandinavia và Tây Âu đã làm), nhưng nhấn mạnh vào sự kiểm soát mạnh mẽ của trung ương để điều phối và huy động cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước để đạt được các mục tiêu xã hội được ưu tiên.

Do đó, Trung Quốc có thể là nơi hệ thống tư bản phát huy hết tiềm năng của các hình thức khác nhau - tận dụng tối đa các hình thức này - và từ đó chuẩn bị cho con đường chuyển đổi vượt lên trên cả chủ nghĩa tư bản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục