Đình công khắp cả nước, giao thông trên toàn Hy Lạp bị tê liệt

Cuộc đình công trên quy mô lớn đã ảnh hưởng tới lịch hoạt động của nhiều chuyến bay, hệ thống giao thông đô thị cùng các dịch vụ tàu hỏa và phà trong khi Hy Lạp đang giữa mùa du lịch.
Đình công khắp cả nước, giao thông trên toàn Hy Lạp bị tê liệt ảnh 1Hàng chục chuyến bay đến Hy Lạp đã bị hủy bỏ. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Giao thông công cộng và các dịch vụ tại Hy Lạp bị ngưng trệ trong ngày 30/5 khi người lao động nước này tiến hành đình công trên toàn quốc nhằm phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" áp dụng vài năm nay cũng như những biện pháp cải cách mới mà chính phủ Thủ tướng Alexis Tsipras đưa ra.

Cuộc đình công trên quy mô lớn đã ảnh hưởng tới lịch hoạt động của nhiều chuyến bay, hệ thống giao thông đô thị cùng các dịch vụ tàu hỏa và phà trong khi Hy Lạp đang giữa mùa du lịch.

Không chỉ người lao động, sinh viên và người hưu trí, các phóng viên báo chí cũng tham gia hoạt động đình công bằng cách ngừng ra bản tin.

Hoạt động này do hiệp hội GSEE và đối tác ADEDY, hai trong số các nghiệp đoàn lớn nhất Hy Lạp, tổ chức và dự kiến diễn ra trong 24 giờ tại Athens và một số thành phố lớn khác của Hy Lạp.

[Hy Lạp đạt thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế về gói cải cách]

GSEE cho biết những chính sách từ trước tới nay của chính phủ đã hủy hoại cuộc sống của người dân và đất nước Hy Lạp, gói cải cách mới sẽ tiếp tục là gánh nặng đối với người lao động và hưu trí nước này.

Cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh gói cứu trợ thứ ba dành cho Athens sắp kết thúc vào tháng Tám tới.

Trước đó, Hy Lạp và các chủ nợ đã đạt thỏa thuận về một các biện pháp cải cách nhằm mở đường cho Athens được giải ngân khoản tiền còn lại trong gói cứu trợ này. Đây là những điều kiện bắt buộc của các chủ nợ quốc tế, trong đó có việc tư nhân hóa lĩnh vực năng lượng.

Dự kiến, Quốc hội Hy Lạp sẽ tiến hành bỏ phiếu thông qua gói cải cách này vào ngày 14/6 tới, trước khi hội nghị các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), còn được gọi là Eurogroup, nhóm họp vào ngày 21/6.

Các chủ nợ quốc tế đã thông qua 3 gói cứu trợ cho Hy Lạp lần lượt vào các năm 2010, 2012, 2015 với tổng giá trị lên tới 260 tỷ euro (khoảng 306 tỷ USD). Đổi lại, Athens đã buộc phải tiến hành chính sách "thắt lưng buộc bụng" và các cải cách theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế trong các lĩnh vực như năng lượng, hưu trí và lao động.

Kể từ đó đến nay, gần 50 cuộc tổng đình công đã nổ ra trên khắp Hy Lạp nhằm phản đối các chính sách khắc khổ của chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục