Nhấn mạnh mô hình taxi công nghệ Grab, GoViet… sẽ là xu thế tất yếu, nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội cho rằng cần sớm định danh loại hình này là vận tải hay công nghệ, đảm bảo tính cạnh tranh cũng như gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh cho taxi truyền thống.
Với mô hình đặt xe công nghệ như Grab, GoViet…, Nhà nước vẫn chưa định danh rõ ràng. Bằng chứng là trong bản dự thảo lần thứ 6 Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014 về điều kiện kinh doanh vận tải, Bộ Giao thông Vận tải không thừa nhận “xe hợp đồng điện tử”. Vậy Grab, GoViet… là doanh nghiệp công nghệ hay doanh nghiệp vận tải?
[Grab bị ‘khoác áo’ taxi: Bước đẩy lùi công nghệ từ 4.0 về 0.4?]
Theo Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Bùi Thanh Tùng, kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mới, khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng đầu cuối, kết hợp với nền tảng công nghệ. Loại hình kinh tế chia sẻ không chỉ trong lĩnh vực vận tải mà còn cả trong lĩnh vực thuê bất động sản, kết nối đặt khách sạn…
“Thời gian tới sẽ có nhiều loại hình dịch vụ khác ứng dụng công nghệ để vận hành trên các hãng di động, đặc biệt là điện thoại thông minh (smartphone). Các dịch vụ này càng ngày lan tỏa và không thể ngăn cản. Đó là thực tế khách quan,” ông Tùng phân tích thêm.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhìn nhận, Grab là hoạt động kinh doanh rất mới và không đơn giản, bởi kết nối rất nhiều chủ sở hữu, hoạt động công nghệ khác nhau để từ đó hoàn thiện một quy trình nhằm phục vụ người tiêu dùng, khách hàng cũng như bảo đảm lợi ích của người lao động.
Theo ông, Grab không chỉ thuần túy là hoạt động của một hãng đăng ký để chở hành khách như taxi truyền thống mà kết nối bởi rất nhiều yếu tố và chủ thể khác nhau. Do vậy, ông cho rằng việc định danh Grab không đơn giản, đòi hỏi sự tham gia của các cơ quan, bộ, ngành có liên quan, trong đó có Bộ Công Thương.
Đề cập đến có những ý kiến chuyên gia của luật pháp cho rằng, taxi công nghệ hoạt động không chịu quy định của Nghị định 86 cũng như Quyết định 24, vậy là hoạt động bất hợp pháp, ông Chiến nhấn mạnh, vấn đề đặt lên vai nhà làm luật là làm thế nào giảm bớt quy định với taxi truyền thống mà không còn phù hợp, tránh tình trạng không quản lý được thì “đeo đá” vào chân doanh nghiệp ứng dụng phần mềm gọi xe công nghệ.
Từ đó, ông kiến nghị, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý chuẩn mực, thông thoáng, phù hợp hơn để làm sao đi vào cuộc sống, giúp các doanh nghiệp thực hiện kết nối, phục vụ lợi ích của người dân, xã hội. Trước đây, hành khách đi taxi phải gọi tổng đài phải chờ 5-10 phút, giờ thông qua một chiếc điện thoại chủ động biết được lái xe của mình đến chỗ đón hay chưa…
Nhấn mạnh “không thể trở lại thời đại 1.0, 2.0 mà nghĩ tới việc hạn chế phương tiện cũng như thành phần tham gia của thị trường,” chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước và các bộ, ngành phải chấp nhận thị trường đang mở rộng và cần bảo đảm cạnh tranh trong tất cả thành phần tham gia.
Để bảo vệ tính cạnh tranh đó, các hãng taxi công nghệ cũng phải theo quy định chung về vấn đề thuế, an ninh, bảo hiểm cho người tiêu dùng. “Nếu chúng ta tạo ra một sân chơi có lợi cho doanh nghiệp công nghệ mà bất lợi cho doanh nghiệp truyền thống thì sẽ vi phạm luật cạnh tranh tự do trên thị trường,” ông Hiếu khuyến cáo.
Bày tỏ câu chuyện Vinasun kiện Grab là câu chuyện hết sức bình thường trong mọi nền kinh tế, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Luật kinh tế, Viện Nhà nước và pháp luật đặt nghi vấn, nếu Grab có hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh khi khuyến mại liên tục khiến doanh số Vinasun tụt giảm và thiệt hại lên tới hơn 41 tỷ đồng thì Vinasun có chứng minh được hậu quả đó có phải duy nhất và tất yếu do grab taxi gây ra hay không bởi hiện nay có rất nhiều đơn vị và doanh nghiệp tham gia vào thị trường cả hành khách và taxi?
[‘Áp’ Grab giống như taxi sẽ nổ ra cuộc cạnh tranh trên mặt đường?]
“Chính vì vậy, một vụ kiện nếu đúng danh, chỉ được lôi ra toà nếu như đã có quyết định về xử lý việc cạnh tranh không lành mạnh của cơ quan quản lý cạnh tranh sau đó thì mới đặt vấn đề ra toà giải quyết hậu quả về mặt dân sự,” ông Vĩnh cho hay.
Nhìn nhận công ty nghiên cứu thị trường được phía Vinasun tài trợ và đưa ra bằng chứng quy kết thiệt hại lên tới hơn 41 tỷ đồng, ông Vĩnh nói rằng, công ty đó chưa được tòa án công nhận là một cơ quan giám định thì bản giám định này cần phải xem xét lại một cách độc lập, tính toán khách quan và có căn cứ, cơ sở thực tiễn hơn./.