Cơ hội mở cho trái phiếu

Định hạng tín nhiệm: Cơ hội mở cho trái phiếu DN

Việc sớm ban hành nghị định về công ty định hạng tín nhiệm trong nước sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.
Ngân hàng Phát triển Châu Á vừa công bố Báo cáo định kỳ về thị trường trái phiếu châu Á, theo đó thị trường trái phiếu Việt Nam được đánh giá đang phát triển nhanh nhất so với các nước mới nổi khu vực Đông Á (VBMA). Nhân đây, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam về triển vọng của thị trường trong giai đoạn tới đây.

Sự thành công của thị trường trái phiếu có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế, trong điều kiện hiện nay thưa ông?

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Trong năm 2012 và quý I năm 2013, thị trường trái phiếu Việt Nam nhìn chung đã có nhiều bước phát triển hết sức đáng khích lệ trên tất cả các mặt từ cơ chế, chính sách, quy mô thị trường, khối lượng giao dịch trên thị trường sơ cấp và thứ cấp, chất lượng hàng hóa, cơ sở hạ tầng giao dịch…

Ngoài các cơ chế chính sách cụ thể tiếp tục được hoàn thiện thì đặc biệt là lộ trình, chiến lược phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020 đã được Chính phủ ban hành với các bước đi hợp lý, bài bản và những nội dung công việc cụ thể được phân giao đến từng cơ quan, đơn vị trên thị trường để phối hợp thực hiện.

Trên thị trường sơ cấp, Chính phủ đã huy động thành công khối lượng kỷ lục trên 150 nghìn tỷ đồng trong năm 2012 và gần 63 nghìn tỷ đồng trong quý I năm 2013. Thanh khoản trên thị trường thứ cấp cũng liên tục được cải thiện với khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày tăng 176% trong năm 2012 so với năm 2011 và khoảng trên 25% trong quý 1/2013 so với năm 2012.

Hệ thống hạ tầng giao dịch, thông tin thị trường tiếp tục được nâng cấp, hệ thống các nhà tạo lập thị trường trên thị trường thứ cấp cũng đã được Hiệp hội Thị trường trái phiếu tổ chức triển khai và cung cấp hệ thống giá trái phiếu chuẩn tin cậy, hiệu quả cho thị trường. Ngoài ra, năm 2012 và quý 1/2013 cũng là giai đoạn chứng kiến sự hợp tác hết sức chủ động, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Kho bạc Nhà nước với Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam trong việc tham gia phát triển thị trường.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang trải qua giai đoạn tái cơ cấu do chịu tác động từ khủng hoảng tài chính quốc tế cũng như các yếu kém tích tụ từ bản thân nền kinh tế từ các năm trước, Chính phủ đang đứng trước áp lực về ngân sách để thực thi các chính sách, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp giảm bớt các khó khăn, tăng cường an sinh xã hội... thì sự phát triển của thị trường trái phiếu trong nước đã tạo ra kênh dẫn vốn hiệu quả tạo thuận lợi để Chính phủ chủ động, linh hoạt trong cân đối, sử dụng ngân sách nhằm thực thi hiệu quả các giải pháp hỗ trợ và ổn định kinh tế vĩ mô, kể cả đầu tư phát triển dài hạn và chi tiêu ngắn hạn.

Ngoài ra, sự phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ cũng tiếp tục từng bước củng cố nền tảng cơ bản để cải thiện cấu trúc thị trường tài chính, thị trường vốn, gia tăng chiều sâu của thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động, tính bền vững của thị trường góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển ổn định, bền vững về lâu dài.

Trước sự thành công ca thị trường trái phiếu Việt Nam trong năm qua, ông đánh giá như thế nào về triển vọng thị trường trong năm 2013 cũng như những năm tiếp theo?


Ông Đỗ Ngọc Quỳnh:
Thành công trên thể hiện được xu hướng phát triển hết sức tích cực của thị trường trái phiếu và tạo ra nền tảng, điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tiếp theo trong năm 2013 và cả những năm sau đó. Ngoài ra, theo tôi thì điều kiện thị trường trong và ngoài nước cũng như khung chính sách phát triển kinh tế hiện nay đang tiếp tục tạo nhiều điều kiện thuận lợi để thị trường trái phiếu sẽ phát triển mạnh hơn, hiệu quả hơn trong năm 2013 vì 3 lý do cơ bản.

Thứ nhất, xu hướng lãi suất thị trường và định hướng chính sách quản lý lãi suất của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục giảm xuống thấp hơn trong năm 2013. Giá trái phiếu tăng khi lãi suất giảm nên xu hướng lãi suất hiện nay sẽ tiếp tục kích thích nhu cầu đầu tư vào trái phiếu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Riêng đối với các nhà đầu tư nước ngoài thì mức lãi suất của Việt Nam hiện nay cao hơn hầu hết lãi suất của các nước trong khu vực trong khi kinh tế vĩ mô dần ổn định đi vào chiều sâu với tình hình lạm phát và tỷ giá ổn định sẽ tạo cơ hội ngày càng rõ nét cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong thực tế năm 2012 và quý 1/2013 đã cho thấy hoạt động mua trái phiếu Chính phủ trong nước bằng đồng nội tệ của các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng có xu hướng tăng mạnh.

Thứ hai, mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các chính sách tái cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ trong năm 2012 và đầu 2013 đã thể hiện sự nhất quán cao với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng… và đã từng bước đạt được những kết quả khích lệ, ngày càng được cộng đồng các nhà đầu tư trong và ngoài nước  ủng hộ.

Việc tái cấu trúc thành công nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và đặc biệt là chất lượng, hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính nói chung và hệ thống ngân hàng thương mại nói riêng sẽ tạo ra những nền tảng hết sức quan trọng để cho thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, bền vững vì thực chất thị trường trái phiếu là thị trường nợ mà ở đó những nhà đầu tư là các người cho vay và họ chỉ yên tâm và sẵn sàng cho vay khi thấy phương án sử dụng tiền của người đi vay là hiệu quả và bền vững.  

Thứ ba, như tôi đã nêu trên, việc Chính phủ ký ban hành quyết định về Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020 với các mục tiêu, tầm nhìn chiến lược rõ ràng và các giải pháp, bước đi cụ thể được phân công đến từng thành phần tham gia thị trường là tiền đề cơ bản để tập hợp nguồn lực của cả thị trường nhìn về một mục tiêu chung đồng thời thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả hơn giữa các thành phần tham gia thị trường như cơ quan quản lý, hiệp hội, sở giao dịch, các nhà phát hành, các  nhà đầu tư… trong việc phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả.

Điều kiện cần và đủ để trái phiếu doanh nghiệp có thể phát triển và thu hút được sự thành công của giới đầu tư?

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Bên cạnh sự phát hành thành công của trái phiếu Chính phủ thì trái phiếu doanh nghiệp lại khá trầm lắng. Điều này cũng phù hợp với bối cảnh kinh tế vĩ mô. Trong giai đoạn tái cơ cấu, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp thua lỗ, phá sản tăng mạnh. Nhà đầu tư có xu hướng rút khỏi thị trường có độ rủi ro cao và tập trung vào thị trường có độ rủi ro thấp. Vì vậy mà việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp trong năm 2012 và giai đoạn hiện nay còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, với môi trường đầu tư đang ngày càng được cải thiện, mặt bằng mức lãi suất cạnh tranh tương đối so với các nước trong khu vực cộng với những định hướng và chủ trương chính sách của Chính phủ ngày càng thuận lợi hơn đã và đang tạo ra ngày càng nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt hiện nay để thu hút đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp là các doanh nghiệp phát hành phải cải thiện tính minh bạch thông tin, hiệu quảuy tín hoạt động, năng lực quản trị... để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngoài ra, nếu Chính phủ xem xét, lựa chọn các ngành nghề, lĩnh vực chiến lược mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh để thực hiện các chương trình bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp đồng thời sớm ban hành Nghị định về hoạt động của các công ty định hạng tín nhiệm trong nước cũng sẽ giúp thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục