Định hướng phát triển cây nho và sản xuất vang nho Ninh Thuận

Để phát triển cây nho và sản xuất vang nho Ninh Thuận, các chuyên gia khẳng định cần tuyển chọn giống nho rượu mới; có sự liên kết giữa người trồng và người sản xuất vang nho.
Định hướng phát triển cây nho và sản xuất vang nho Ninh Thuận ảnh 1Chăm sóc cây nho ở Ninh Thuận. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Nhằm giúp các nhà quản lý, các doanh nghiệp ở địa phương tìm những giải pháp khoa học và công nghệ tối ưu thúc đẩy phát triển nghề trồng nho và sản xuất vang nho tại Việt Nam nói chung, Ninh Thuận nói riêng, ngày 18/7, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng phát triển cây nho và vang Ninh Thuận.”

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 727ha diện tích nho, năng suất đạt gần 25 tấn/ha, sản lượng 16.965 tấn. So với thời điểm năm 1998 (diện tích cây nho phát triển mạnh, đạt cao nhất là 2.400ha) thì đến nay diện tích, năng suất và chất lượng cây nho đã có sự sụt giảm khá mạnh. Trong khi đó, người trồng nho vẫn phải đầu tư rất lớn, làm cho hiệu quả trồng nho không cao và cây nho không cạnh tranh được so với một số cây trồng khác.

Theo ông Châu Thăng Long, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ cấu giống còn đơn điệu; kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chọn lựa đất trồng nho của người nông dân chưa hợp lý; việc khai thác nhiều vụ/năm cũng là một trong những nguyên nhân gây thiệt hại nặng nề cho cây nho.

Để phát triển cây nho ở Ninh Thuận, ông Lê Trọng Tình, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu bông Nha Hố (Ninh Thuận), cho rằng Ninh Thuận cần phải phát triển thêm nhiều bộ giống nho mới chứ không chỉ duy trì một giống nho như hiện nay. Đồng thời, cần nghiên cứu chuyển dịch giống nho, từ chỗ chỉ trồng nho tươi ăn trái sang mở rộng diện tích trồng nho rượu để có thể phát triển cây nho một cách bền vững.

Còn ông Ngô Xuân Trinh, cán bộ Viện Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, cho rằng cần có trung tâm nghiên cứu về nho để xây dựng tập đoàn giống nho. Trong canh tác nho cần áp dụng mô hình làm nhà lưới trên giàn nho để giảm sâu bệnh; đưa mô hình tưới nhỏ giọt vừa đảm bảo nước tưới, vừa chống ngập úng. Mặt khác, khuyến cáo nông dân giảm vụ khai thác; chú trọng công tác bảo quản sau thu hoạch.

Bàn về việc đảm bảo chất lượng sản phẩm nho Ninh Thuận sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, ông Trần Mạnh Xuyến, Giám đốc hệ thống đại lý sản phẩm nông nghiệp Bác Tôm (có trụ sở tại Hà Nội) cho rằng, chỉ dẫn địa lý là cái mác đảm bảo chất lượng cho một sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, hiện nay đang có một thực trạng đáng buồn là sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, người sản xuất thường không áp dụng chặt chẽ quy trình sản xuất dẫn đến sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng như lúc mới cấp. Vì vậy chúng ta phải làm thế nào để xây dựng được một hệ thống quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm có hệ thống, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý đó.

Đối với lĩnh vực sản xuất vang nho, Sở Công Thương Ninh Thuận cho hay hiện số diện tích nho rượu của tỉnh chỉ khoảng 2, ha. Sau khi thu hoạch, các vựa nho thường giữ lại khoảng 2.500-3.000 tấn nho nguyên liệu để chế biến từ 1,8 đến 2 triệu lít rượu nho.

Theo ông Chu Kỳ Sơn, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm Hà Nội, một trong những hạn chế của ngành sản xuất vang là chưa có vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu sản xuất vang nho, trồng nho chưa gắn liền với sản xuất vang, chất lượng nho nguyên liệu chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất vang (thiếu đường, thiếu chất chát và màu, thừa axit). Ngoài ra, công nghệ lên men cũng chưa đạt tiêu chuẩn.

Theo quy hoạch của ngành nông nghiệp đến năm 2020, diện tích nho Ninh Thuận được phát triển lên 2.200ha, sản lượng đạt 54.100 tấn, trong đó sẽ đẩy mạnh phát triển giống nho rượu lên 220ha, sản lượng đạt trên 5.000 tấn.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho rằng cần phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến rượu vang nho và các sản phẩm từ nho. Muốn thế phải tiến hành hàng loạt giải pháp đồng bộ về đầu tư, nghiên cứu khoa học công nghệ về giống và công nghệ thiết bị chế biến, đào tạo nhân lực, tài chính và tín dụng; xây dựng thương hiệu và giải pháp thị trường.

Còn theo chủ cơ sở sản xuất rượu vang Thiên Thảo (Ninh Thuận), cần phải có câu lạc bộ hoặc hiệp hội rượu vang nho để những người sản xuất có thể học tập lẫn nhau và giúp nhau cùng phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, cần xây dựng vùng nguyên liệu trồng nho rượu để thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất vang nho; ký kết hợp đồng với người nông dân để đảm bảo đầu ra cũng như giá cả ổn định để người nông dân yên tâm sản xuất.

Các chuyên gia cũng khẳng định, cần tuyển chọn giống nho rượu mới; có sự liên kết giữa người trồng và người sản xuất vang nho; có chính sách đào tạo các chuyên gia nghiên cứu để từng bước nâng cao chất lượng vang nho; tăng liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu với địa phương; hợp tác chuyển giao khoa học công nghệ, hoàn thiện công nghệ lên men; đồng thời kêu gọi thu hút nhà đầu tư để xây dựng hệ thống dây chuyền sản xuất vang nho để đưa nghề sản xuất vang nho của Ninh Thuận phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục