Định hướng văn hóa ứng xử tại các lễ hội và nơi thờ tự

Định hướng văn hóa ứng xử tại các lễ hội và những nơi thờ tự

Chưa năm nào, văn hóa ứng xử tại những nơi thờ tự, lễ hội lại được nhắc nhiều như năm nay và câu hỏi đặt ra là làm thế nào để lễ hội giữ được bản sắc, nơi thờ tự giữ được không gian tôn nghiêm?
Định hướng văn hóa ứng xử tại các lễ hội và những nơi thờ tự ảnh 1Nghi thức dâng hoa tre tại Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Hà Nội đang trong mùa lễ hội sôi động nhưng chưa năm nào, văn hóa ứng xử tại những nơi thờ tự, lễ hội lại được nhắc nhiều như năm nay, nhất là những hành vi chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Vấn đề dư luận quan tâm là, từ đâu dẫn đến sự sai lệch này và cần định hướng văn hóa ứng xử nơi thờ tự, lễ hội như nào, để lễ hội giữ được đúng bản sắc; nơi thờ tự giữ được đúng không gian tôn nghiêm?

Những biến thái tại một số lễ hội

Bắt đầu từ câu chuyện cướp lộc hoa tre tại lễ Hội Gióng đền Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn. Mặc dù tục rước hoa tre và cướp hoa tre tồn tại từ nhiều năm nay, được ghi trong hồ sơ trình UNESCO công nhận hội Gióng đền Sóc Sơn là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tuy nhiên, điều đáng nói, tục cướp lộc hoa tre bị biến thái bởi cách hành xử của những người đi bảo vệ lễ phẩm và người tham gia cướp lộc. Người giữ cố giữ bằng một thái độ quyết liệt, người cướp cố cướp cũng bằng thái độ không kém.

Trước kia, lễ phẩm hoa tre sau khi dâng Thánh ở đền Thượng, tiếp tục rước xuống đền Trình để làm lễ, sau đó người dân mới được cướp để lấy lộc. Nhưng nhiều năm nay, khi lễ phẩm vừa rời đền Thượng, người đi hội luôn chuẩn bị tinh thần xông vào cướp và rất ít khi mâm hoa tre còn nguyên vẹn để làm lễ tại đền Trình. Chính vì vậy, trên đường rước lộc hoa tre từ đền Thượng về đền Trình, người bảo vệ lễ và người cướp lộc luôn trong tình trạng căng thẳng.

Những năm trước, khi cướp lộc hoa tre còn xảy ra tình trạng đánh nhau, sứt đầu mẻ trán. Rõ ràng, đó là cách ứng xử của cả người tham gia rước lễ vật hoa tre và người dân đi hội chưa văn minh, tạo hình ảnh không đẹp cho lễ hội.

Phó giáo sư-tiến sỹ Ngyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia cho rằng: “Đó là câu chuyện đạo đức của người dân khi tham gia lễ hội. Chính người bảo vệ lễ phẩm đẩy đám đông vào tình trạng căng thẳng khi dẫn đường với những gậy tre, côn và một tinh thần quyết bảo vệ cao độ. Còn người dân đi hội muốn có ít lộc luôn sẵn sàng lao vào.”

Ngay cả tục cướp trầu cau tại lễ hội này cũng không còn giữ nguyên bản sắc khi người dân thực hiện cướp lộc ngay tại sân đền Thượng, thay vì cướp tại đền Mẫu. Tuy nhiên, đoàn dâng trầu cau lễ Thánh không thể hiện việc bảo vệ lễ phẩm bằng mọi cách nên không xảy ra tình trạng tranh giành, đánh nhau.

Cách đây vài năm, lễ hội tại Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm) cũng xảy ra tình trạng những người rước kiệu lao kiệu vào ôtô làm vỡ kính xe. Chẳng biết đoàn rước kiệu cố tình hay ôtô “vướng vào đường Thánh đi” như giải thích của mọi người nhưng nghi lễ này gây thiệt hại đáng kể cho chủ xe.

Thiếu ý thức trong hành lễ nơi thờ tự

Tại các điểm tín ngưỡng tâm linh, từ lâu văn hóa ứng xử cũng là vấn đề đáng bàn thảo, bởi ý thức của người tham gia hành lễ. Ở các đình, đền, chùa trên địa bàn Hà Nội, không khó để thấy những cảnh người đi lễ mặc váy quá ngắn, hở hang; cảnh to tiếng với nhau… ảnh hưởng đến chốn tôn nghiêm.

Trong quá trình hành lễ, nhiều người còn thể hiện sự thiếu ý thức như tiền giọt dầu để tràn lan trên ban thờ, ở chân tượng Phật, tượng Thánh; cúng lễ mặn ở ban Phật, đốt nhiều vàng mã…

Mặc dù tại nhiều di tích có khuyến cáo người đi lễ thực hiện văn minh nơi thờ tự nhưng nhiều người phớt lờ, vẫn làm theo ý thức chủ quan của mình để mong thánh thần phù hộ.

Tại cụm di tích đền-chùa Nguyên Phi Ỷ Lan thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm trong những ngày đầu năm Ất Mùi thu hút đông đảo người dân đến tham quan, chiêm bái và có thể nhận thấy tình trạng bày lễ khá lộn xộn, tiền giọt dầu đặt tràn lan ở các ban thờ.

Bà Trần Thị Nga, chấp tác Ban quản lý di tích đền chùa Nguyên Phi Ỷ Lan cho biết nhiều người đến chùa còn không biết đến làm lễ ở nơi nào trước, nơi nào sau, không biết lễ như nào mà cũng không cần hỏi.

Thừa nhận về vấn đề này, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho rằng ý thức người dân tại các di tích đã được nâng lên một bước nhưng còn một bộ phận người dân chưa hiểu hết về văn minh nơi thờ tự nên đôi lúc tạo ra hình ảnh không đẹp.

Định hướng văn hóa ứng xử

Một trong những giải pháp để các lễ hội giữ được bản sắc truyền thống và các nơi thờ tự giữ được không gian tôn nghiêm là phải nâng cao ý thức người tham gia lễ hội và hành lễ.

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, thời gian qua ngành văn hóa Hà Nội cũng có hướng dẫn người dân tham gia lễ hội thực hiện nếp sống văn minh, cách ứng xử với lễ hội, di tích, cách đặt tiền giọt dầu… Công tác này tiếp tục trong thời gian tới, thực hiện bằng nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức người dân.

Cùng với đó, ngành văn hóa thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động lễ hội, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, xử lý các hành vi vi phạm, các hoạt động trái với thuần phong mỹ tục.

Công tác kiểm tra tập trung vào các vấn đề như công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, các hoạt động mê tín dị đoan, xóc thẻ, lên đồng phán truyền, đốt vàng mã, sắp xếp hòm công đức, đặt tiền lễ, đồ cúng tế, thờ tự…

Riêng với các lễ hội, mặc dù tình trạng tranh cướp đánh nhau xảy ra không nhiều nhưng cũng cần có sự quản lý tốt để lễ hội trở về đúng nghĩa là hoạt động văn hóa tâm linh của nhân dân.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Ngyễn Văn Huy, xảy ra bạo lực tại lễ hội chính là công tác quản lý chưa tốt. Bởi vậy, Ban tổ chức các lễ hội phải có những quy định chặt chẽ và quản lý một cách nghiêm túc để không xảy ra những hình ảnh phản cảm.

Cụ thể, tại Hội Gióng đền Sóc Sơn, Ban tổ chức phải giáo dục những người bảo vệ lễ phẩm hoa tre không được đánh người, binh khí (gậy tre, côn) bảo vệ lễ vật chỉ coi là đạo cụ.

Lực lượng an ninh phải tham gia vào trong những đám rước để đảm bảo an ninh trật tự. Ví như tại hội Gióng đền Phù Đổng (Gia Lâm), Ban tổ chức yêu cầu những người thực hành lễ hội không được đánh người, các tay thước cũng có kích cỡ, chất liệu đơn giản, nhỏ gọn để không xảy ra ẩu đả.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục