Dioxin vẫn đang ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em Việt Nam

Chất diệt cỏ/dioxin do quân đội Mỹ rải tại Việt Nam hồi chiến tranh hiện vẫn đang từng ngày tác động đến sự phát triển nhận thức bậc cao và phối hợp vận động của trẻ em Việt Nam.
Dioxin vẫn đang ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em Việt Nam ảnh 1Tác giả Trần Ngọc Nghị báo cáo kết quả nghiên cứu. (Ảnh: Gia Quân/Vietnam+)

Mới đây, nghiên cứu sinh Việt Nam Trần Ngọc Nghị, với sự giúp đỡ của các giáo sư và các nhà khoa học Nhật Bản và Việt Nam, đã công bố kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của chất dioxin đối với sự phát triển nhận thức bậc cao và phối hợp vận động của trẻ em Việt Nam,

Theo tác giả, trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải xuống nhiều khu vực miền Nam Việt Nam một lượng lớn thuốc diệt cỏ. Đáng chú ý, các khu vực vốn là các căn cứ không quân của quân đội Mỹ trước đây như Đà Nẵng, Phù Cát (Bình Định), Biên Hòa (Đồng Nai) được coi là “điểm nóng” về ô nhiễm dioxin.

Các nghiên cứu trước đó của tác giả và nhóm nghiên cứu cho thấy nồng độ dioxin trong sữa các bà mẹ sinh sống tại những "điểm nóng" cao hơn gấp 4-5 lần so với những bà mẹ sống tại các khu vực không bị rải chất diệt cỏ, do đó, trẻ em sống tại các "điểm nóng" này cũng bị phơi nhiễm dioxin từ mẹ sang con.

Ngoài ra, trong một số kết quả nghiên cứu khác của tác giả và nhóm nghiên cứu đã chỉ ra ảnh hưởng của phơi nhiễm dioxin đối với sự phát triển thần kinh của trẻ em từ 0-3 tuổi, theo đó, nồng độ dioxin trong sữa mẹ càng cao thì xu hướng mắc chứng tự kỷ càng thể hiện rõ ràng hơn ở khả năng hòa nhập xã hội và truyền đạt của trẻ.

Dioxin vẫn đang ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em Việt Nam ảnh 2Tác giả đang tiến hành khảo sát với trẻ em. (Ảnh: Gia Quân/Vietnam+)

Từ năm 2008-2015, tác giả và nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu 176 cặp bà mẹ và em bé sinh sống gần khu vực sân bay Đà Nẵng, định lượng nồng độ dioxin trong sữa các bà mẹ, đồng thời theo dõi đánh giá sự phát triển về thể chất và trí tuệ của các em bé bằng các phương pháp nghiệp vụ y học chuyên ngành.

Các nhà khoa học đã áp dụng một số biện pháp để kiểm tra mức độ khéo léo của tay chân, như bỏ đồng xu vào khe hộp, xâu chuỗi hạt, vẽ theo đường cong có sẵn, ném vật đúng mục tiêu (ném túi hạt đậu vào tấm thảm, sau đó bắt túi hạt đậu bằng bàn tay và các ngón tay); giữ thăng bằng bằng một chân, nhảy trên tấm thảm, đi bằng đầu các ngón chân trên vạch được tạo sẵn.

Ngoài ra, để đánh giá khả năng nhận thức bậc cao của trẻ, nhóm tác giả đã sử dụng bộ công cụ Nonverbal index (NVI); các thử nghiệm không sử dụng ngôn ngữ của Kaufman ABC-II, hai bộ công cụ đang được các nhà khoa học trên thế giới sử dụng để đánh giá sự phát triển thần kinh trẻ em từ 4 tuổi trở lên.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở nhóm trẻ em trai thuộc nhóm bà mẹ có nồng độ dioxin cao có tổng điểm về khả năng giữ thăng bằng thấp hơn nhiều so với các em thuộc nhóm bà mẹ có nồng độ dioxin trong sữa mức độ vừa và thấp.

Tương tự, cũng ở trẻ trai thuộc nhóm các bà mẹ có nồng độ cao chất TetraCDD (tetrachloride dioxi-chất có độc tính cao nhất trong chất diệt cỏ) trong sữa có tổng số điểm về khả năng nhận thức bậc cao cũng thấp hơn nhiều so với nhóm còn lại. Tuy nhiên, sự khác biệt chỉ gặp ở trẻ trai mà không gặp ở nhóm trẻ gái.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện có 5 trẻ em trai và 1 trẻ em gái, con của các bà mẹ có nồng độ dioxin cao trong sữa bị giảm cả hai khả năng là phối hợp vận động và giảm khả năng nhận thức.

Như vậy, theo kết quả khảo sát, nồng đột chất TetraCDD càng cao thì xu hướng mắc chứng rối loạn phối hợp vận động càng thể hiện rõ ràng hơ, đồng thời khả năng phát triển nhận thức ở mức độ cao của trẻ càng giảm.

Kết quả nghiên cứu có giá trị về mặt khoa học và tính nhân văn sâu sắc này đã được đăng tải trên báo khoa học chuyên ngành Plos-One mục Khoa học Y học của Mỹ ngày 29/1 vừa qua.

Mặc dù chiến tranh Việt Nam đã đi qua hơn 40 năm, nhưng chất độc hóa học/dioxin vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến thế hệ tiếp theo của người dân Việt Nam.

Kết quả của nghiên cứu cũng là bằng chứng sống động để đề nghị Chính phủ Mỹ, các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế giúp nhân dân Việt Nam đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả chất độc hó học, cải thiện môi trường sống và sức khỏe cho những người dân sinh sống trong vùng bị phun rải, đặc biệt là những "điểm nóng" về phơi nhiễm dioxin.

Bên cạnh đó là những biện pháp ngăn ngừa con đường xâm nhập dioxin từ môi trường đến con người, làm ảnh hưởng tới sức khỏe, đảm bảo trẻ em trong những vùng này được sinh ra và lớn lên trong môi trường trong sạch, phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ./.  

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục