DN có vai trò quan trọng trong việc phát triển đô thị

Một thành phố đổi mới phải có một khu vực kinh tế tư nhân phát triển để thúc đẩy thương mại, sáng tạo, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Theo giáo sư Greg Clark, một chuyên gia đánh giá quốc tế cho các tổ chức liên chính phủ nhận định, khu vực kinh tế tư nhân là một nhân tố quan trọng trong bất kỳ mô hình phát triển thành công nào của một thành phố.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+ trước thềm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh các thành phố lớn khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2013 (APCS) diễn ra vào tháng 9-11/9/2013, giáo sư Greg Clark cho hay, một thành phố phát triển đổi mới phải có một khu vực kinh tế tư nhân phát triển thành công nếu nó muốn thúc đẩy thương mại, sáng tạo, tạo việc làm và tăng thu nhập...

Thực tế ở nhiều quốc gia cho thấy, các mục tiêu trên trên sẽ không thể đạt được nếu không có khu vực kinh tế tư nhân. Bởi thế, nhiệm vụ đầu tiên của chính quyền thành phố và lãnh đạo chính phủ là tạo ra một nền tảng và môi trường tốt cho cho kinh doanh phát triển.

Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân là một đối tác quan trọng trong quá trình phát triển chung của thành phố. Một khu vực kinh tế tư nhân được tổ chức tốt có thể giúp được thành phố tiếp thị được mình ra thế giới, tư vấn cho thành phố về các ưu tiên đầu tư trọng điểm như cơ sở hạ tầng, và đại diện cho thành phố có những tác động lên chính quyền quốc gia.

Giáo sư Greg Clark cũng cho rằng, khu vực tư nhân có thể là một đối tác quan trọng trong việc cung cấp công trình công cộng và cơ sở hạ tầng thông qua các mô hình như PPP (hợp tác công tư). Các mô hình này đang phát triển nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu và sở thích mới của cộng đồng. Nếu mô hình này được lựa chọn để thu xếp tài chính cho các công trình công cộng, một điều cốt lõi cần phải được đảm bảo đó là công tác chuẩn bị phải tính kỹ đến các nhu cầu phát sinh trong tương lai, các doanh thu cần phải có cũng như xây dựng những quy chuẩn cao về quản lý và bảo trì.

Trên thế giới, thành phố đã thực hiện tốt được điều này là Chicago (Mỹ). Thành phố này đã tạo ra nhiều công cụ đầu tư mới như khu vực Tax Increment Financing - TIFs [hình thức kêu gọi vốn của khu vực tư nhân vào các công trình công cộng và hưởng lợi từ nguồn thu thuế gia tăng do các công trình công cộng đó mang lại – pv] . Thành phố Chicago có một Ban quản trị phát triển kinh doanh rất mạnh để quảng bá thành phố ra thế giới. Seoul (Hàn Quốc) cũng đã rất thành công trong việc xin được sự hỗ trợ từ các công ty như LG và Samsung trong việc quảng bá thành phố.

Vẫn theo vị chuyên gia này, một trong những vấn đề thời sự hiện nay là việc thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác. Những hiệp định thương mại như TPP sẽlà phát triển quan trọng để cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của quá trình hội nhập toàn cầu.

Các thỏa thuận trong TPP làm tăng tính khả thi trong việc các công ty giao thương trên cùng một cấp độ trên toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương và gia tăng cả giá trị giao dịch cũng như lẫn mức độ chuyên môn hóa và sáng tạo. Điều đó có nghĩa rằng các thỏa thuận này sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, và các khoản thu từ thuế đối với các dịch vụ công cộng.

“Kinh nghiệm cho thấy các thỏa thuận như vậy là cần thiết nhưng một mình nó cũng chưa đủ để thúc đẩy thương mại và đổi mới. Việc chủ động khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng những cơ hội mà họ tạo ra cũng là điều cốt yếu cần có. Vì vậy, chính quyền thành phố và chính phủ các quốc gia sẽ cần phải làm việc với các Phòng thương mại và các nhóm kinh doanh khác để thúc đẩy cơ hội,” giáo sư Greg Clark nhận định.

Theo giáo sư Greg Clark, đối với các thành phố, TPP tạo ra một động lực quan trọng để ghi nhận các thành phố không ngừng phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ. Khi những thoả thuận như TPP được quyết định ,nó sẽ làm gia tăng sự tương tác kinh tế giữa các thành phố trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và khuyến khích các thành phố xây dựng mối quan hệ dựa trên các vai trò hỗ trợ lẫn nhau. Điều đó có nghĩa rằng các thành phố trong khu vực phải có một chiều hướng tư duy phát triển kinh tế quốc tế hoá mạnh mẽ và họ cần phải phát triển một bản sắc mang tầm quốc tế.

Một ví dụ cho thấy, trên thế giới, Brisbane đã xây dựng vị trí của mình thành một Thành phố Thế giới mới của Australia. Điều này có nghĩa rằng Brisbane không chỉ là thủ đô của tiểu bang Queensland, thành phố phía Đông quan trọng nhất của Australia mà nó còn đang trở thành trung tâm cho sự đổi mới trong hàng hóa, trung tâm công nghệ kỹ thuật số trên toàn cầu, một nơi cho giáo dụcquốc tế, y học và môi trường.

Brisbane cũng là một trung tâm quan trọng đối với việc ra các quyết định tối cao và thượng đỉnh toàn cầu, cũng như là một địa điểm rất hấp dẫn đối với các sự kiện và hội nghị quốc tế. Brisbane là một loại thành phố mới trên thế giới và nó có một định hướng mạnh mẽ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như khu vực nội địa và quan hệ rộng rãi với những khu vực còn lại của thế giới.

[APCS thúc đẩy hợp tác bền vững giữa các thành phố]

Đưa ra những khuyến nghị với Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, giáo sư Greg Clark cho rằng tình hình phát triển hiện nay khá độc đáo. Lần đầu tiên trong thế giới hiện đại, nhiều thành phố có thể cùng lúc tham gia vào nền kinh tế toàn cầu khi mà các nhà lãnh đạo quyết định giao thương dựa trên cách thức các thành phố tiếp cận họ.

“Trong quá khứ chúng tôi nghĩ rằng một thành phố chỉ có thể trở thành một thành phố quốc tế thành công nếu nó là một hải cảng, hay một trung tâm quân sự, một thủ đô, một nơi đặt trụ sở các tập đoàn lớn, hoặc một trung tâm tài chính. Song, điều này không còn đúng nữa,” ông nói.

Trên thực tế, thành phố có thể thành công trên trường quốc tế bằng cách đóng một vai trò đa dạng hơn như trung tâm vận tải và hậu cần, trung tâm ra các quyết định, trung tâm giáo dục, đổi mới, công nghệ môi trường, sản xuất các sản phẩm văn hóa, và khám phá khoa học…

Từ đó, vị chuyên gia này cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam cũng như các thành phố khác cần minh bạch đánh giá những cơ hội và thách thức của toàn cầu hóa sẽ mang lại cho họ và phát triển một kế hoạch rõ ràng về cách họ có thể thành công và đối phó với các sức ép trong thời đại toàn cầu mới.

Ngoài ra, các thành phố nên liên kết với chính phủ quốc gia, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức khu vực và những thành phố lân cận trong kế hoạch hợp tác dài hạn để quảng bá thành phố ra thế giới và nâng cao chất lượng các chào mời và chuyên môn hóa của mình.

Cuối cùng, các thành phố nên tham gia vào những mạng lưới thông minh như Hội nghị thượng đỉnh các thành phố châu Á-Thái Bình Dương để xây dựng các sự hợp tác quốc tế và trao đổi các chuẩn mực đánh giá kiến thức và để tạo điều kiện cho việc tăng cường thương mại và đầu tư giữa các thành phố và các quốc gia./.

P.V (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục