DN kiến nghị cần thông báo tăng lương trước 6 tháng

Giới chủ doanh nghiệp kiến nghị lộ trình tăng lương tối thiểu cần phải được thông báo trước 6 tháng để chủ động lên kế hoạch.
Ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho biết, cơ chế lương tối thiểu đang ảnh hưởng rất lớn đến sự sống còn của doanh nghiệp, do vậy giới chủ sử dụng lao động kiến nghị lộ trình tăng lương cần được thông báo trước 6 tháng để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch.

Phát biểu tại Hội nghị người sử dụng lao động toàn quốc năm 2012 ngày 28/12, ông Phùng Quang Huy cho biết, VCCI vừa thực hiện một cuộc điều tra, nghiên cứu đánh giá về tình hình qua hệ lao đông dưới góc nhìn của chủ sử dụng lao động.

Theo đó, mặc dù 2012 là một năm rất nhiều thách thức với các doanh nghiệp nhưng Chính phủ vẫn quyết định điều chỉnh tăng lương tối thiểu khiến các khu vực doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động bị ảnh hưởng rất lớn. Theo khảo sát của VCCI, 70% doanh nghiệp giải thể hoặc thu hẹp sản xuất là do vấn đề không thể trả lương cho người lao động.

Mặt khác, tỷ lệ tăng lương tối thiểu thường tỷ lệ thuận với giá thành sản phẩm và tỷ lệ nghịch với khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nên mỗi lần điều chỉnh lương, doanh nghiệp đều phải có những thay đổi trong kế hoạch kinh doanh.

Vì vậy, giới chủ sử dụng lao động kiến nghị Chính Phủ và Bộ Lao đông-Thương binh và Xã hội xem xét lộ trình tăng lương tối thiểu cần thống nhất và báo trước một khoảng thời gian dài, ít nhất là 6 tháng cho doanh nghiệp lên kế hoạch.

Bên cạnh vấn đề về lương tối thiểu, giới chủ sử dụng lao động cũng đóng góp ý kiến vào việc phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề.

Theo giới chủ sử dụng lao động phản ánh, từ khi cho phép liên thông dạy nghề, 80% các công nhân tay nghề cao đều có xu hướng học liên thông lên đại học vì vậy hiện nay các doanh nghiệp muốn tuyển được lao đông có tay nghề rất khó khăn.

Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đều mang theo các dây chuyền công nghệ mới nhưng chỉ cho lao động làm công việc lắp ráp nên tay nghề lao động không được cải thiện.

Vì vậy, theo ông Huy, Chính phủ nên có những chính sách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ngoài nhận chuyển giao kỹ năng nghề tinh xảo cho lao động Việt Nam để ngày càng có nhiều doanh nghiệp kỹ thuật cao góp phần nâng cao tay nghề cho lao động.

Bên cạnh các vấn đề về quan hệ lao động, ông Vũ tiến Lộc, Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ cần xem xét luật hóa cụ thể về vai trò đại diện của giới chủ sử dụng lao động.

“Hiện tại, trong luật chỉ mới xác định VCCI là đại diện cho người sử dụng lao động ở cấp trung ương, còn cấp ngành, cấp địa phương là đơn vị nào đại diện vẫn chưa nói rõ. Chúng tôi kiến nghị ở các cấp địa phương nên để các hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho giới chủ sử dụng lao động trong mối quan hệ lao động.” Ông Vũ tiến Lộc nói.

Tại hội nghị, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ Trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, Bộ đang soạn thảo 11 nghị định hướng dẫn thực thi một số điều của Bộ Luật lao động 2012. Bộ đang gấp rút thực hiện để các nghị định này hoàn thiện trước 1/5/2013, khi mà Bộ luật lao động mới bắt đầu có hiệu lực.

“Trong quá trình xây dựng nghị đinh, Bộ đã và đang tiếp tục xin ý kiến của các bên liên quan để cả chủ sử dụng lao động, người lao động có thể tham gia vào quá trình soạn thảo để có thể xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, vì lợi ích chung của người sử dụng lao động và chủ sử dụng lao động.” Bộ trường Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục