Đồ chơi trẻ em - sặc sỡ nhưng đầy ẩn họa

Đa phần đồ chơi trẻ em đều sặc sỡ, bắt mắt nhưng mập mờ thông tin nhãn mác, không có hướng dẫn cũng như cảnh báo người dùng.
"Vương quốc đồ chơi" phố Lương Văn Can, Hà Nội bắt đầu tấp nập sau 5 giờ chiều đến 9, 10 giờ đêm. Mặt hàng gì cũng có, từ các loại búp bê, thú nhồi bông, lego xếp hình, siêu nhân, bóng đến ôtô nhựa, các loại đồ chạy bằng pin... Món hàng nào cũng sặc sỡ, bắt mắt. Kích thước thì đủ loại, từ bé bằng đốt ngón tay đến to lớn hơn vóc dáng con trẻ.

Một nữ nhân viên tại cửa hàng 35 Lương Văn Can cho biết: Có hơn 50% số mặt hàng là nhập từ Trung Quốc, tiếp đến là Hàn Quốc, một số ít là của nhà sản xuất Visano (Việt Nam). Trừ đồ chơi gỗ của Visano có hướng dẫn bằng tiếng Việt, còn tất cả các mặt hàng còn lại đều không có bất kỳ một dòng tiếng Việt nào.

Theo số liệu tổng hợp của Cục Quản lý chất lượng hàng hóa, năm 2008, tổng số đồ chơi được đăng ký kiểm tra chất lượng là 1.030, trong đó, có 904 lô có xuất xứ từ Trung Quốc (chiếm 87,77%). Tất cả các lô hàng đồ chơi này đều đạt chất lượng nhập khẩu theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6238-3-1997, trong đó 180 lô đạt yêu cầu về chất lượng và ghi nhãn, 801 lô đạt chất lượng nhưng không thống kê về ghi nhãn, 49 lô đạt về chất lượng nhưng không ghi nhãn phụ.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của một nhóm tác giả phòng phân tích thông tin thuộc Trung tâm thông tin khoa học công nghệ, con số này chưa phản ánh đúng hiện trạng đồ chơi nhập khẩu ở Việt Nam. Hiện còn một lượng lớn đồ chơi ngoại lưu thông trên thị trường do được nhập lậu. Bị thu hút bởi giá cả, mẫu mã, người tiêu dùng Việt Nam gần như gạt sang một bên yêu cầu về chất lượng.

Những người bán đồ chơi trên phố Huế, Hàng Lược, Lương Văn Can... khi được hỏi, đều nói: Khách hàng chỉ băn khoăn về giá và săm soi về kiểu dáng, kích thước. Rất hiếm người thắc mắc về chất lượng hay cách sử dụng của những mặt hàng này.

"Đồ chơi rất quan trọng đối với trẻ con. Đồ chơi giúp trẻ tập các kỹ năng sống, giúp trẻ bước vào thế giới người lớn. Nhưng hiện nay, chúng tôi chỉ biết các cháu thích thì mua cho chúng, hỏng thì vứt chứ không biết độ an toàn đến đâu", bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm câu lạc bộ tiêu dùng nữ băn khoăn.

Theo bà Chi, các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng hiện đang dồn sức vào vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mà chưa có một chiến dịch phổ biến thông tin để mọi người biết và quan tâm đến mức độ an toàn của đồ chơi trẻ em. Chỉ đến khi báo chí thông tin một vài trường hợp trẻ em bị sát thương do chơi đồ chơi nguy hiểm hoặc thông tin về việc có độc tố trong đồ chơi thì khi đó người tiêu dùng mới xôn xao, lo lắng.

Dự thảo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về độ an toàn đồ chơi trẻ em đã được xây dựng từ năm 2007. Ngày 14/3/2009, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo với mục tiêu là nhằm giảm các rủi ro liên quan đến sự an toàn, sức khỏe của trẻ em, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về quản lý đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.

Tham khảo quy định, quy chuẩn của một số nước trên thế giới về an toàn đồ chơi trẻ em, nhóm tác giả thuộc Phòng Phân tích thông tin của Trung tâm Thông tin khoa học công nghệ khuyến nghị: Dự thảo còn phải bổ sung thêm nhiều nội dung, trong đó, cơ quan soạn thảo Quy chuẩn trên phải tiếp tục tổ chức xin ý kiến phản biện của các cơ quan quản lý khác, các doanh nghiệp và người tiêu dùng; có kế hoạch khảo sát thị trường để đánh giá khả năng kiểm định, thử nghiệm của các cơ quan chức năng.

Một trong những cách để lấy ý kiến người tiêu dùng, theo bà Chi là nên có Hộp thư ý kiến người tiêu dùng đặt tại các phường, xã. “Ban Bảo vệ người tiêu dùng của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) có thể căn cứ vào đó để nắm thông tin về thị trường một số mặt hàng, từ đó có những can thiệp kịp thời".

Bên cạnh đó, hộp thư còn là nơi tiếp nhận những lời khen, bình chọn của người tiêu dùng về mặt hàng được yêu thích. Đây cũng là những thông tin cần thiết động viên những doanh nghiệp chân chính./.
(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục