Dở khóc dở cười chuyện tính toán đặt tên cho con

Người Việt ngày càng coi trọng việc đặt tên cho con. Quanh điều này đã xảy ra không ít chuyện bi hài, thậm chí đánh mất hạnh phúc gia đình.
Từ ngày đi siêu âm, biết mình sẽ sinh bé trai, chị K suốt ngày nhăm nhăm tìm cho con mình một cái tên sao cho nghe vừa hay, có ý nghĩa lại phải “độc” nữa. Thành ra, ngày nào đến cơ quan, chị K cũng dành nhiều thời gian vào mạng internet để tìm kiếm những cái tên đẹp. Thậm chí, chị còn tranh thủ "hội thảo" với các đồng nghiệp để tìm tên cho con trai chị.

Giống như chị K, ngày nay, nhiều người Việt Nam có quan niệm cái tên ứng với vận mệnh của mỗi người. Vậy nên, khi sinh con, nhất là đối với những gia đình nhiều chữ nghĩa, họ thường xem trọng và cân nhắc việc lựa chọn cho con cháu mình một cái tên mang lại may mắn. Thậm chí, có cặp vợ chồng sinh con đã một tháng mà vẫn chưa thống nhất được việc đặt tên.

Ân tình và hợp phong thủy

Các cặp vợ chồng, nhất là những người trẻ, có xu hướng đặt tên con thiên về sự lãng mạn. Họ thường lấy sự kiện gắn với kỷ niệm về ngày đầu họ gặp gỡ hoặc yêu nhau để dệt thành tên cho con.

Như trường hợp của chị Th. ở Khâm Thiên, Hà Nội là một ví dụ. Vợ chồng chị tâm đắc với cái tên đặt cho con trai đầu lòng của mình là Nhật Minh để ghi lại kỷ niệm ngày anh chị yêu nhau.

“Nhật Minh có nghĩa là mặt trời, là bình minh tươi sáng, sự thông thái và còn là ngày chủ nhật nữa. Chuyện là, trong chuyến đi nghỉ mát cùng cơ quan, đúng vào ngày chủ nhật, anh đã bất ngờ ngỏ lời mình vào lúc hai đứa đang ngắm bình minh ở biển Cửa Lò,” chị Th giải thích.

Ở trường hợp khác, chị L, Mỹ Đình, Hà Nội đặt tên con gái là Ngọc Lan chỉ vì anh đã ngỏ lời yêu đương chị ở dưới gốc cây Ngọc Lan…

Bên cạnh những cái tên nhằm ghi dấu kỷ niệm tình yêu của các cặp vợ chồng như trên, thì nhiều người còn đặt tên con cháu thể hiện ân tình của mình đối với quê hương.

Với những trường hợp này, người ta hay ghép chữ đầu hoặc cuối của quê vợ với quê chồng thành tên con. Ví như tên của bé Bình An con chị H. hiện ở Kim Giang, Hà Nội là ghép bởi chữ “Bình” (Ninh Bình quê hương mẹ) và chữ “An” (Nghệ An quê hương cha).

Hay một số người lại đặt tên con theo tên thần tượng của mình như trường hợp tên của bé Quỳnh Diệu ở Phùng Khoang, Hà Nội.

Mẹ em vốn là một người thích văn chương và rất yêu thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh và thi nhân Xuân Diệu. Vậy là, được sự nhất trí của chồng chị đã ghép tên hai thi sĩ này thành tên con gái mình.

Bên cạnh đó, nhiều người lại xem trọng đặt tên con theo phong thủy. Với những người biết chút ít về phong thủy thì tự đặt tên con còn những ai “mù tịt” về khoản này thì mang lễ đến những thầy nổi tiếng ở Hà Nội xin họ tìm cho con cháu mình một cái tên hợp mệnh.

Chị T. ở Từ Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội phải tìm đến một thầy ở Yên Phụ nhờ đặt tên cho con. Chị cho biết, phải năm lần bảy lượt đi lại mới được việc vì rất đông người đến đó với cùng mục đích như chị.

Mâu thuẫn phát sinh từ việc đặt tên


Vì xem trọng tên của con cháu nên người được quyền đặt tên cho chúng cũng trở nên quan trọng. Nếu như trước kia, việc đặt tên cho trẻ có thể là do bố mẹ, hoặc ông bà, thậm chí là bác của chúng thì ngày nay, giới trẻ cho rằng, việc đặt tên con thuộc về đặc quyền của bố mẹ. Thành thử, không ít mâu thuẫn trong gia đình đã phát sinh quanh chuyện đặt tên cho con cháu họ.

Như trường hợp của gia đình anh Ch. ở Thanh Liệt, Hà Nội. Với lý lẽ mình là người thâm thúy về kinh dịch, âm dương ngũ hành, sẽ tìm được những cái tên tốt cho mệnh của con cháu nên bố anh Ch. đòi hỏi tất cả con cháu trong nhà phải do ông đặt tên.

Tuy nhiên, vợ anh lại nghĩ rằng, bố chồng như thế là gia trưởng, là mẹ của bé thì chị phải được quyền đặt tên cho con mình. Là người đứng giữa, anh Ch. hết xin bố lại khuyên vợ nhưng chẳng ai chịu ai. Cuối cùng vợ anh vẫn kiên quyết đòi đặt tên cho con. Vậy là mâu thuẫn bố chồng nàng dâu xảy ra. Mối bất hòa ngày một lớn, anh chị phải dọn ra ở riêng nhưng bão tố gia đình vẫn không dừng lại.

Hay ở trường hợp nhà chị Ph. ở Kim Ngưu, Hà Nội. Vợ chồng chị chọn mãi được một cái tên cho con từ lúc bé còn trong bụng. Vậy mà, khi chuẩn bị làm giấy khai sinh thì bố chồng chị không đồng ý với cái tên đó bởi lý do, tên này trùng với tên cụ cố trong dòng họ.

Không thể cãi lời bố nhưng phải bỏ đi cái tên vốn tâm huyết đã khiến chị Ph. cảm thấy ấm ức để rồi tình cảm của chị dành cho nhà chồng cũng bị hao hụt.

Mâu thuẫn không chỉ phát sinh từ những người đòi quyền đặt tên cho con cháu mà đôi khi cái tên đặt ra còn vô tình là ngọn lửa thiêu rụi hạnh phúc gia đình.

Ví như trường hợp của vợ chồng chị Ng, Sóc Sơn, Hà Nội. Chị đồng ý và vốn hãnh diện để chồng đặt tên cho con gái khi anh phân tích cho chị nghe vẻ đẹp của cái tên này.

Tuy nhiên, niềm vui không được bao lâu thì chị phát hiện con gái mình mang tên người yêu cũ của chồng. Cơn ghen tuông nổi lên khiến chị không giữ được bình tĩnh, những cơn cãi vã nhau ngày một nhiều…

Chị Ng cho biết, hàng ngày chị phải gọi con bằng một cái tên khác nhưng không hết ấm ức. Dù anh chị không chia tay nhưng cuộc sống gia đình ngột ngạt và thiếu hạnh phúc.

Áp lực vì thích hào nhoáng


Với lối nghĩ tên càng hay thì vận mệnh của con càng sáng sủa nên không ít người đã đặt cho con cháu họ những tên hết sức hào nhoáng. Tuy nhiên, ít ai trong số những bậc ông bà, cha mẹ đó lường hết việc chính những cái tên mĩ miều lại gây áp lực và bất tiện cho cuộc sống sau này của con cháu họ.

Các bé có ngoại hình không được khả ái nhưng lại sở hữu những tên mỹ miều như: Kiều Diễm, Ngọc Nga, Đoan Trang… hay những người kém thông minh nhưng lại mang tên thông thái như Thông Tuệ, Vinh Tài… dễ bị bạn bè để ý và giễu cợt.

Em Giáng Tiên cho biết, em rất khó chịu mỗi khi đến lớp em lại bị bạn bè chế giễu vì em béo lùn nhưng lại mang cái tên quá đẹp.

“Lớn lên còn đỡ, thuở còn nhỏ, suốt ngày em bị các bạn giễu là "nàng Tiên lùn," "nàng Tiên ỉn," khiến em cảm thấy rất tự ti và tủi thân. Sau này nếu có con, em sẽ đặt cho con em cái tên bình dị để nhỡ mà nó không được bằng người ta thì cũng không bị ai ‘soi’,” Giáng Tiên bộc bạch.

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn (Công ty Tư vấn tâm lý, Đào tạo phát triển Cá nhân và Cộng đồng), tên của con cái sẽ đi theo suốt cuộc đời của chúng nên cha mẹ cần thận trọng khi đặt tên cho chúng. Khi đặt cho con những tên đẹp là cha mẹ đã đặt vào con những khát vọng của mình.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý, việc cha mẹ quá kỳ vọng vào con sẽ gây nên áp lực cho chúng. Bên cạnh đó, những người sống xung quanh không nên kỳ thị với tên của trẻ để chúng có môi trường sống thoải mái và có điều kiện phát triển tốt nhất./.

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục