Đỏ mắt “săn” nguyện vọng 2 khối thi năng khiếu

Hàng nghìn sĩ tử các khối ngành năng khiếu khóc dở mếu dở vì quá khó tìm được cơ hội nguyện vọng 2 và 3 như các khối ngành khác.
Từ khi biết mình trượt Đại học Kiến trúc, ngày nào Tùng cũng lên mạng tìm kiếm thông tin nguyện vọng 2 và 3 khối V. Nhưng gần như không một trường công lập nào dành chỉ tiêu nguyện vọng 2 cho khối thi này.

“Hệ dân lập, học phí cao ngất ngưởng, làm sao em theo được,” Tùng thở dài nói.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như Tùng, Tuấn (quê Đông Hưng, Thái Bình, thí sinh khối V của Đại học Xây dựng) đang đỏ mắt “săn” nguyện vọng 2. Tuấn chia sẻ: “Trong lớp em, tất cả các bạn không đỗ nguyện vọng 1 đã làm hồ sơ nguyện vọng 2. Em và một số bạn khác thi khối V thì đành chịu vì không thấy trường công lập nào tuyển, chỉ có một số trường dân lập. Gia đình em làm nông nghiệp, theo học trường công lập đã khó khăn, lấy tiền đâu học dân lập. Đành để năm sau thi lại.”

Không chỉ khối V, mà rất nhiều thí sinh của các khối thi có môn năng khiếu khác như khối H, M, N, R, T… cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Gần như chỉ có các trường dân lập không tổ chức thi tuyển mới có chỉ tiêu xét tuyển cho ngành này. Khu vực phía Bắc có Đại học Dân lập Phương Đông với 110 chỉ tiêu khối V, Đại học Dân lập Đông Đô với 140 chỉ tiêu khối V. Phía Nam có Đại học Dân lập Văn Lang tuyển nguyện vọng 2 khối V và H, Đại học Tôn Đức Thắng tuyển 10 chỉ tiêu khối H cho ngành Mỹ thuật công nghiệp...

Đại học Hồng Đức là một trong số các trường công lập hiếm hoi có tuyển nguyện vọng 2 khối thi năng khiếu, nhưng số lượng rất khiêm tốn. Trường dành gần 1.400 chỉ tiêu hệ đại học cho nguyện vọng 2, nhưng ngành Sư phạm Tiểu học (ngành có thi khối M) chỉ có 8 chỉ tiêu. Số lượng ít ỏi, nhưng để giành được một trong 8 suất này, thí sinh khối M còn phải cạnh tranh với sĩ tử khối D1 vì trường tuyển cả hai khối. Hơn thế, do đây là khối sư phạm nên chỉ những thí sinh có hộ khẩu tại Thanh Hóa mới được ứng tuyển.

Theo ông Phan Văn Quế, Phó hiệu trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội (một trong những trường có tuyển sinh khối V, H), có hai lý do khiến các trường “từ chối” sĩ tử nguyện vọng 2. Thứ nhất là do các trường tự ra đề thi nên đề của mỗi trường một khác. Chẳng hạn trong môn Vẽ của khối V, có trường thi vẽ tranh, trường dùng mẫu sống (người thật), có trường dùng mẫu tĩnh (tượng) cho thí sinh vẽ. Mẫu tĩnh cũng có nhiều loại, trường dùng mẫu bán thân, trường lại dùng mẫu toàn thân. Đó là chưa kể cách chấm cũng không giống nhau.

Cũng vì lý do này nên Bộ Giáo dục và Đào tạo không có điểm sàn cho khối thi năng khiếu. Điểm tuyển sinh cả nguyện vọng 1 và 2 đều do các trường tự quyết định.

Lý do thứ hai là số lượng thí sinh thi vào những ngành này ngày một đông, trong khi số luợng trường tuyển lại không nhiều, nhất là trong tương quan với số lượng các trường tuyển các khối A, B, C, D. Nếu năm 2.000, Viện Đại học Mở Hà Nội chỉ tuyển được khoảng 15 sinh viên/lớp cho khoa Tạo dáng công nghiệp thì năm nay, có khoảng 3.000 thí sinh dự thi vào ngành này trong khi chỉ tiêu là 120 em.

“Các ngành Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Luật, trường đều tuyển nguyện vọng 2 với khoảng 400 chỉ tiêu. Nhưng với khối V và H của ngành Tạo dáng công nghiệp thì có thể lấy đủ chỉ tiêu ở nguyện vọng 1 với điểm số tương đối cao,” ông Quế nói.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Khắc Sinh, Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc, cho biết trường đã tuyển đủ chỉ tiêu ở nguyện vọng 1. Hơn nữa, các trường thi môn vẽ khác nhau, tính hệ số khác nhau (trường tính hệ số 2, trường tính 1,5) nên khó xét nguyện vọng.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mùa tuyển sinh năm nay có khoảng 106.300 hồ sơ đăng ký dự thi các khối năng khiếu, chiếm 5% tổng số hồ sơ dự thi đại học cao đẳng. “So với các khối khác, những thí sinh của khối này có thiệt thòi hơn do ít trường tuyển nguyện vọng 2. Vì thế, thí sinh nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định chọn khối thi và trường thi,” ông Sinh nói./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục