Đo mưa tự động tại Tây Bắc, Trung Trung Bộ

Ngày 5/3, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức cho biết, việc ưu tiên đầu tư trạm đo mưa tự động ở khu vực Tây Bắc và Trung Trung Bộ là 1 phần quan trọng trong việc triển khai Dự án “Đầu tư phát triển mạng lưới đo mưa phục vụ dự báo khí tượng thủy văn” do Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường chủ trì thực hiện từ nay đến năm 2011.

Ngày 5/3, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức cho biết, việc ưu tiên đầu tư trạm đo mưa tự động ở khu vực Tây Bắc và Trung Trung Bộ là 1 phần quan trọng trong việc triển khai Dự án “Đầu tư phát triển mạng lưới đo mưa phục vụ dự báo khí tượng thủy văn” do Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường chủ trì thực hiện từ nay đến năm 2011.
 
Khu vực Tây Bắc và Trung Trung Bộ được chọn ưu tiên lắp đặt trước vì đây là hai vùng thường xuyên xảy ra mưa lớn và lũ quét, lũ ống. Việc tăng dày các số liệu quan trắc về mưa sẽ phục vụ đắc lực cho công tác dự báo thời tiết nguy hiểm.
 
Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường sẽ phối hợp với Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia và các đơn vị khác để chuyển giao các kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu vào phục vụ dự báo.
 
Đó là Mô hình tính toán và ra thông báo và dự báo khí hậu; Thông báo khí tượng nông nghiệp và dự báo năng suất lúa; Mô hình dự báo thời tiết, bão và mưa lớn; Mô hình thủy văn dự báo lũ; Bản đồ hạn hán và mức độ thiếu nước sinh hoạt ở vùng Nam Trung Bộ và Tây nguyên; Bản đồ phân vùng khả năng xuất hiện lũ quét ở miền núi Việt Nam; Đề xuất quy định lại cấp báo động lũ trên các sông chính của Việt Nam; Bản đồ cảnh báo nguy cơ sóng thần cho các vùng bờ biển Việt Nam; Dự báo chất lượng không khí cho các thành phố; Thiết bị đo gió và truyền số liệu tự động; Thiết bị đo mưa và truyền số liệu tự động...
 
Theo PGS.TS. Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Môi trường, hệ thống mạng lưới điểm đo mưa trên toàn quốc hiện nay là 393 điểm, tuy nhiên so với đặc điểm địa hình nhiều đồi núi của Việt Nam và đặc điểm phân bố mưa trên diện rộng thì con số này còn quá ít.
 
Hiện chưa có các điểm đo mưa tại vùng xa xôi hẻo lánh, vùng khó khăn, vùng không có người sinh sống. Một số trạm truyền tin bằng điện thoại ngày 2 lần, còn lại một tháng mới chuyển số liệu một lần về các đài. Để nâng cao chất lượng dự báo, yêu cầu quan trọng là phải có số liệu về lượng mưa trên khắp cả nước và số liệu phải chính xác, nhanh chóng (số liệu thời gian thực) hiện đại hóa, tự động hóa mạng lưới trạm đo mưa là nhu cầu cấp thiết.
 
Dự án “Đầu tư phát triển mạng lưới đo mưa phục vụ dự báo khí tượng thủy văn” sẽ lắp đặt đưa vào sử dụng hoạt động, khai thác có hiệu quả 343 điểm đo mưa mới trên các khu vực toàn quốc theo lộ trình quy hoạch đến năm 2012. Các điểm đo được thiết kế trên nguyên tắc đo và truyền số liệu tự động do Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường thiết kế./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục