Đồ mỹ nghệ bỏ tư duy "ăn xổi," mở rộng thị trường

Các chuyên gia cho rằng để đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang các thị trường mới, các doanh nghiệp phải bỏ tư duy “ăn xổi.”

Tâm lý “ăn xổi” khiến ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam gặp khó khăn, theo các chuyên gia, để đẩy mạnh hàng thủ công mỹ nghệ sang những thị trường mới, các doanh nghiệp phải bỏ tư duy “ăn xổi” và đầu tư cho công nghệ sản xuất.


Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự kiến kim ngạch xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2013 vẫn sẽ dao động từ 1,5-1,6 tỷ USD, tương đương mức xuất khẩu năm 2012, chiếm khoảng 1,5% thị phần thế giới.

Trước đây, thị trường chính vẫn là Mỹ, Nhật Bản và EU, tuy nhiên, hiện nay thị trường khối Brich (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Những năm gần đây, kinh tế của khối này đang rất phát triển kéo theo đời sống cũng như số người giàu tăng nhanh và đây sẽ là những thị trường chính của ngành thủ công mỹ nghệ thế giới. Điều đáng tiếc là các doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ vẫn chưa khai thác được thị trường khối thị trường tiềm năng này.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện tại, mỗi năm thị trường hàng thủ công mỹ nghệ thế giới tiêu thụ khoảng 100 tỷ USD/năm. Riêng thị trường Mỹ mỗi năm tiêu thụ 44% tỷ trọng, khoảng 40 tỷ USD, Nhật Bản tiêu thụ 13% tỷ trọng và Đức là thị trường tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ lớn nhất khối EU với khoảng 5-9 tỷ USD.

Cùng với đó, Trung Quốc, Ấn Độ là hai quốc gia cung cấp chủ yếu hàng thủ công mỹ nghệ cho thế giới, chiếm khoảng 60 tỷ USD.

Tuy nhiên, khoảng hai năm trở lại đây, xu hướng khách hàng rời bỏ Trung Quốc và Ấn Độ diễn ra nhanh chóng. Nguyên nhân là do lương lao động ở hai quốc gia này tăng nhanh và khách hàng ngày càng để ý hơn đến vấn đề lao động, trách nhiệm xã hội, đó là còn chưa kể tới những bất cập về chính trị hiện nay.

Cục Xuất Nhập khẩu cho biết thêm thị phần của hàng thủ công mỹ nghệ không phải là do khó khăn về thị trường mà do khó khăn trong sản xuất nội tại.

Điều đầu tiên có thể thấy được là đa phần các doanh nghiệp trong ngành là doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất nhạy cảm với sự thay đổi của thị trường. Trong khi đó, hai năm vừa qua, chi phí đầu vào tăng quá nhanh, lãi suất ngân hàng cao, vay vốn khó khăn khiến cho 30% doanh nghiệp trong ngành nằm trong tình trạng sản xuất không có lãi, thu hẹp sản xuất, thậm chí là dừng sản xuất.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm hàng giá rẻ nhiều quá nên giá trị thặng dư rất thấp cộng với sự gia tăng của chi phí đầu vào dẫn tới lợi nhuận của các doanh nghiệp ngày một “eo hẹp,” lương trả cho người lao động ngày một thấp đương nhiên dẫn tới tình trạng lao động bỏ nghề.

Và tình trạng thiếu lao động đang là “vấn nạn” của doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Hơn nữa, sản xuất thủ công, hạ tầng thương mại yếu kém, không chịu đầu tư cho mẫu mã... tóm lại là tâm lý “ăn xổi” cũng đã và đang khiến cho ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam ngày một khó khăn.

Các chuyên gia thương mại cho rằng để có thể đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ cũng như thâm nhập sâu vào những thị trường mới, điều đầu tiên các doanh nghiệp phải bỏ tư duy “ăn xổi” và đầu tư cho công nghệ sản xuất theo cách chia phân khúc, kết hợp giữa công nghệ và sản xuất thủ công sao cho tăng được năng suất mà vẫn đảm bảo được sự tinh tế, độc đáo vốn có.

Bên cạnh đó là việc chú trọng khâu thiết kế, phát triển thiết kế mới, nhận biết được mẫu nào có xu hướng, nhu cầu cao. Tuy nhiên để làm được điều này một doanh nghiệp không thể làm được mà cần sự liên kết của các doanh nghiệp trong ngành.

Về lâu dài, cần sự hỗ trợ của Nhà nước để có được một lực lượng chuyên gia thiết kế, chuyên gia nghiên cứu thị trường làm tiên phong và để làm sao vừa thỏa mãn được yêu cầu về giá thành mà vẫn đảm bảo được tính thẩm mỹ, công năng sử dụng của sản phẩm./.

Uyên Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục