Đọ sức Mỹ-Trung sẽ quay lại "vũ đài" toàn cầu hóa?

Vấn đề then chốt là Mỹ khôi phục chủ nghĩa đa phương, phối hợp với châu Âu, Trung Quốc và Nga, cũng như các nước thế giới thứ ba để nỗ lực thực hiện cục diện một thế giới cùng có lợi.
Đọ sức Mỹ-Trung sẽ quay lại "vũ đài" toàn cầu hóa? ảnh 1Một phố mua sắm ở Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong thời gian tới, mâu thuẫn Mỹ-Trung sẽ tập trung vào tranh chấp địa chính trị, trong đó gồm có tranh chấp ở eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Tuy nhiên, đây là những rủi ro có thể kiểm soát, chỉ cần hai bên không muốn chiến tranh thì sẽ không làm cho cục diện căng thẳng leo thang. Vốn đều có trách nhiệm duy trì nền hòa bình của đất nước, hai cường quốc hạt nhân sẽ không dễ dàng khơi mào chiến tranh, cần phải từ bỏ lý luận nguy hiểm “gây sức ép tối đa” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như phải phá vỡ lời nguyền “bẫy Thucydides” để kiến tạo hòa bình thế giới. Đây là nội dung chính của Tuần san châu Á số 48.

Vấn đề then chốt là Mỹ khôi phục chủ nghĩa đa phương, phối hợp với châu Âu, Trung Quốc và Nga, cũng như các nước thế giới thứ ba để nỗ lực thực hiện cục diện một thế giới cùng có lợi.

Chính quyền mới của Mỹ do Joe Biden lãnh đạo sẽ tạm biệt luận điểm “nước Mỹ trước tiên,” hơn nữa cần phải tích cực mở rộng quan hệ, hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế, từ bỏ hành động “tách rời” trước đây của Trump, quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…

Chủ nghĩa đa phương của Biden đang đối mặt với sự cạnh tranh từ Bắc Kinh. Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn chủ trương chủ nghĩa đa phương, đồng thời cũng rất tích cực trên mặt trận ngoại giao.

[Sức ép kinh tế - biện pháp gây áp lực "ưa thích" của Mỹ và Trung Quốc]

Vừa qua, bên cạnh việc ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), tham gia vào khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới do ASEAN nắm vai trò chủ đạo, tạo ra một sân chơi chiếm 1/3 dân số toàn cầu, nỗ lực đưa thuế quan về 0 và xóa bỏ các rào cản thương mại, Bắc Kinh còn tuyên bố muốn tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một sân chơi thương mại ở châu Á-Thái Bình Dương mà chính quyền Trump từ bỏ.

Khi đó, Trung Quốc sẽ thiết lập mối quan hệ mật thiết hơn với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Canada…

Tất cả đều thể hiện sách lược toàn cầu hóa của Trung Quốc, đi tắt đón đầu, nhanh chân bước vào những khoảng trống của các lĩnh vực mà Trump “tách rời”, kiên trì nguyên tắc mở cửa, trở thành động lực mới nhất của toàn cầu hóa, loại trừ những thế lực phản đối toàn cầu hóa trong nội bộ các nước.

Thời gian gần đây, Trung Quốc có nhiều cải cách rõ nét trên lĩnh vực tài chính, nới lỏng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính phương Tây thành lập công ty đầu tư tài chính ở Trung Quốc, có thể nắm giữ cổ phần vượt quá tỷ lệ 50%, điều này đã giúp các tập đoàn tài chính hàng đầu như Goldman Sachs, Morgan Stanley, Blackstone…triển khai mạnh mẽ và không ngừng mở rộng nghiệp vụ hoạt động ở Trung Quốc.

Đọ sức Mỹ-Trung sẽ quay lại "vũ đài" toàn cầu hóa? ảnh 2Ông Antony Blinkenlà ngoại trưởng Mỹ được Biden chỉ định. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Điều này hoàn toàn trái ngược với mệnh lệnh phải “tách rời” nền kinh tế Trung Quốc của Trump, cho thấy sức mạnh của vốn và thị trường có thể khắc phục sự độc đoán chính trị.

Trên thực tế, hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ đã mở ra rất nhiều không gian, tạo ra cục diện cùng thắng. Tuy nhiên, việc Trump đi ngược lại xu hướng trên đã gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ, đồng thời cũng sẽ bị người kế nhiệm nhanh chóng đảo ngược. 

Ông Antony Blinken là ngoại trưởng Mỹ được Biden chỉ định. Ông là một nhà ngoại giao đầy kinh nghiệm, được nể trọng không những vì chuyên môn mà còn vì phong cách coi trọng chủ nghĩa đa phương, tìm cách hợp tác để giải quyết tranh chấp quốc tế.

 tuyệt đối không đồng ý với phong cách bắt nạt theo như kiểu của Trump là luôn coi chân lý thuộc về mình, muốn quay về truyền thống trật tự quốc tế chủ nghĩa tự do để giúp Mỹ có thể đứng vững trở lại trên điểm cao lợi thế về đạo đức, tìm lại sự tán dương của quốc tế đã mất đi trong nhiều năm qua.

Toàn cầu hóa đang bước vào phiên bản 2.0, bên cạnh việc nhấn mạnh đến tự do lưu chuyển vốn, nhân tài và công nghệ, toàn cầu hóa cũng coi trọng việc quản lý hàng hóa công cộng quốc tế, trách nhiệm chung về vấn đề ô nhiễm môi trường và khí hậu quốc tế vốn không còn dựa trên lợi ích của một quốc gia đồng thời cần nhận thức sâu sắc rằng các mối nguy hại chung không có ranh giới quốc gia.

Sau khi Trump lên nắm quyền, ông đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Đây là hành động độc đoán, không đoái hoài đến hàng hóa công cộng quốc tế, làm cho hợp tác quốc tế trì trệ, đồng thời cũng gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích tập thể của toàn cầu.

Có thể khẳng định, sau khi lên làm tổng thống, ông Biden sẽ thay đổi, đảo ngược trạng thái không bình thường nói trên vốn đã diễn ra trong một thời gian dài. Việc Mỹ không tham gia Hiệp định RCEP, tách biệt khỏi khu thương mại tự do của 15 nước, đã đem lại cho Trung Quốc nhiều lợi thế hơn trong quá trình phát triển của toàn cầu hóa phiên bản 2.0.

Ngay cả các nước đồng minh truyền thống của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Austrlia, New Zealand… cũng đều tham gia vào cộng đồng kinh tế do Trung Quốc và ASEAN chủ đạo nói trên. Đây là một đòn đánh mạnh đối với Mỹ trong hệ thống toàn cầu hóa.

Bên cạnh đó, vấn đề làm cho mọi người bất ngờ còn là việc Trung Quốc muốn tham gia vào Hiệp định CPTPP, tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng trước đây.

TPP vốn là hiệp định thương mại tự do do Mỹ khởi xướng và trên thực tế là hiệp định quốc tế mà chính quyền Barack Obama sử dụng để kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi Trump tuyên bố rút Mỹ ra khỏi hiệp định này hồi năm 2017, các nước Nhật Bản, Canada, Australia, Singapore, Việt Nam… vẫn tiếp tục kiên trì thúc đẩy hiệp định thương mại tự do này.

Dự đoán, sau khi Biden lên nắm quyền, ông sẽ khôi phục và đưa Mỹ quay lại tham gia hiệp định này để tăng cường sức cạnh tranh của Mỹ trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, Trung Quốc đang chủ động đi đầu thể hiện mong muốn tham gia CPTPP.

Điều này khiến Mỹ chậm chân hơn Trung Quốc trong việc phát triển toàn cầu hóa phiên bản 2.0, đồng thời cũng khiến Mỹ mất đi sức mạnh trước đây trong hệ thống quyền phát ngôn về toàn cầu hóa.

Ở góc độ chủ nghĩa đa phương, việc cả Mỹ và Trung Quốc đều cùng tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do hơn chính là việc thực hiện nguyên tắc cùng thắng, đồng thời cũng có lợi cho việc ổn định quan hệ Mỹ-Trung.

Theo quan điểm giá trị của chủ nghĩa tự do kinh tế, thêm nhiều thỏa thuận thương mại tự do quốc tế sẽ tạo ra nhiều sự trao đổi lợi ích hơn, từ đó dẫn đến sự phụ thuộc lẫn nhau, giúp chuỗi sản xuất quốc tế trở thành một chuỗi giá trị hòa bình, trở thành sức mạnh ổn định quan hệ quốc tế.

Đặc biệt, sự phát triển của toàn cầu hóa phiên bản 2.0 còn giúp Trung Quốc và Mỹ có nhiều không gian hợp tác hơn, cùng tạo ra nhiều hàng hóa công cộng quốc tế hơn. Đây là trạng thái tốt nhất của quan hệ Mỹ-Trung và cũng là tương lai mà người dân hai nước trông đợi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục