Đô thị đại học Việt Nam: hướng mới cho giáo dục

Trong vài năm gần đây, nhu cầu về việc hình thành các đô thị đại học trở nên mạnh mẽ. Vì vậy, đã có nhiều đơn vị công lập, tư thục, các nhà đầu tư giáo dục trong và ngoài nước đang chuẩn bị tích cực cho việc ra đời các đô thị đại học trên địa bàn cả nước.

Trong vài năm gần đây, nhu cầu về việc hình thành các đô thị đại học trở nên mạnh mẽ. Vì vậy, đã có nhiều đơn vị công lập, tư thục, các nhà đầu tư giáo dục trong và ngoài nước đang chuẩn bị tích cực cho việc ra đời các đô thị đại học trên địa bàn cả nước.

Khi “áo cũ” đã chật

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phan Thanh Bình, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết vùng đại học và đô thị đại học phát triển trên thế giới từ những năm 1960 và đang trở nên phổ biến ở một số nước châu Á. Riêng với Việt Nam, đây là một khái niệm rất mới bởi hiện nay, Việt Nam chưa có đô thị đại học mà chỉ có các trường đại học đơn lập truyền thống, chủ yếu phục vụ cho việc giáo dục, đào tạo theo kiểu cổ điển.

Tuy nhiên, mô hình trường đại học đơn lập đã thực sự tỏ ra lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội ngày càng phát triển; đặc biệt, khi thị trường lao động quốc tế hóa đòi hỏi sinh viên phải được hình thành nhiều kỹ năng sống và năng động ngay khi còn đi học. Theo đó, môi trường học thuật phải được mở rộng ra ngoài phòng học, giảng đường. Do vậy, việc hình thành và phát triển đô thị đại học Việt Nam là điều cần thiết bởi đây là mô hình giáo dục hiện đại, còn được gọi là thành phố khoa học, thành phố sinh viên.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, Trưởng bộ môn Đô thị học, Chủ nhiệm đề án “Mô hình Đô thị đại học - Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh”, đô thị đại học là một không gian đại học, bao gồm nhiều thành tố quan trọng như các không gian về quy hoạch cảnh quan đại học, văn hóa đại học, lịch sử đại học, khoa học đại học, dịch vụ đại học, kinh tế đại học và cộng đồng đại học.

Tại 2 trung tâm kinh tế - văn hóa lớn nhất nước là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, bước đầu đã có những cơ sở thuận lợi cho việc hình thành và phát triển đô thị đại học. Nếu đầu tư phát triển đô thị đại học trên cơ sở sẵn có này, trong tương lai, Thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ có một đô thị đại học tầm cỡ. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi số lượng sinh viên đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dự tính sẽ đạt 70.000 sinh viên vào năm 2015; và đến năm 2025, sẽ là 105.500 sinh viên - tương đương dân số của một quận thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là khoảng không gian kiến trúc với quảng trường, có 30 con đường, 17 trục đường chính mang tên các danh nhân, nhà khoa học, diễn giả, có xe bus nhỏ chạy bằng nhiên liệu sạch bên trong, có đường đi bộ, xe đạp riêng, có bệnh viện 200 chỗ, sinh viên ngồi chỗ nào cũng xài wifi.

Tương tự, khu vực phía Tây Nam thành phố Hà Nội đã được lựa chọn như là một đô thị đại học trong tương lai của Hà Nội. Những đặc tính này sẽ tạo nên bản sắc của đô thị đại học khác với đô thị khác như đô thị công nghiệp, đô thị du lịch, đô thị quân sự.

Theo đó, việc tạo ra không gian khoa học với những tổ hợp sống hoàn thiện và một môi trường làm việc tốt sẽ hỗ trợ đắc lực cho sinh viên và giáo viên trong việc học tập và làm việc.

“Rậm rịch” xây dựng nhưng còn nửa vời

Thời gian gần đây, đã có một vài đề án đô thị đại học được một số chuyên gia, các đơn vị đào tạo quan tâm và được xúc tiến nghiên cứu và xây dựng như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Tân Tạo, Đại học quốc tế Đà Lạt, Đại học Sài Gòn - Long An. Hiện Đại học Tân Tạo do Tập đoàn Tân Tạo đầu tư tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã động thổ xây dựng, dự kiến xong phần xây thô vào giữa năm nay.

Thạc sĩ Nguyễn Tiến Định, Công ty kiến trúc Phương Nam, đơn vị tư vấn dự án này, cho biết Đại học Tân Tạo được thiết kế theo mô hình của các đại học uy tín của Mỹ. Trong đó, ngoài một khu hành chính chung, đô thị đại học này tập trung nhiều đại học thành viên được kết nối như một quần thể có chung về hạ tầng kỹ thuật, giao thông, dịch vụ như một đô thị hoàn chỉnh. Dự kiến từ năm 2010, nơi đây sẽ mở khóa đào tạo bậc đại học đầu tiên.

Tương tự, khu đô thị Đại học quốc tế Đà Lạt cũng đã hình thành những ý tưởng ban đầu mà theo Giáo sư Phạm Phụ, người giữ vai trò cố vấn, sẽ là một mô hình đào tạo đạt chất lượng quốc tế về cơ sở vật chất và trình độ đào tạo.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đỗ Dũng, Giám đốc quy hoạch Công ty Tư vấn đầu tư thiết kế xây dựng Invescons, cho rằng những đề án đang hình thành kể trên chỉ là tập hợp những khoa, những trường đại học chứ chưa phải là một đô thị đại học đúng nghĩa. Theo các chuyên gia quy hoạch, đã là đô thị thì phải có dân cư và vấn đề đặt ra là cư dân này sẽ gồm những ai, bố trí ở đâu và được quản lý như thế nào. Nếu đưa dân cư vào môi trường đại học thì với điều kiện của Việt Nam hiện nay sẽ không thể quản lý được.

Kiến trúc sư-Tiến sĩ Trần Thanh Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết kế Trường học cho rằng, việc hình thành đô thị đại học cũng cần có công cuộc cải cách giáo dục như thay đổi và hoàn chỉnh chương trình, phương pháp giảng dạy; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong nhà trường, cả về lượng lẫn chất; hoàn chỉnh mô hình học tập- nghiên cứu khoa học- sản xuất thực hành. Để thực hiện được các biện pháp trên, đòi hỏi phải có sự thay đổi phát triển hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường.

Thực tế cho thấy, các trường thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tồn tại rời rạc, nhà nào cũng có dịch vụ cho mình nhưng biệt lập, tư duy mỗi trường đơn lập đã thành thói quen, tình trạng lộn xộn, bất ổn do dân cư trong vùng tạo ra. Ngay cả khu Bạch Mai, Hà Nội với nhiều trường ĐH xung quanh, nay cũng trở thành khu dân cư.

Ông Nguyễn Minh Hòa cũng cho biết, mô hình đại học truyền thống ở Việt Nam hiện nay còn thể hiện một lãng phí không đáng có. Thay vì ở mô hình đô thị đại học, sinh viên nhiều trường đại học có thể sử dụng chung giảng đường, phòng thí nghiệm hay thư viện, cùng những tiện ích của nhau thì hiện nay ở Việt Nam, mỗi trường đại học, với hàng rào ngăn cách, có phòng thí nghiệm, có giảng đường, có thư viện riêng. Tuy nhiên, các cơ sở vật chất trên chỉ dành cho sinh viên mỗi trường, không khai thác hết hiệu quả, công suất; thời gian bỏ trống nhiều...

Ông Phan Thanh Bình cho rằng "để tạo ra sự liên kết, sức lan tỏa rộng ra các vùng xung quanh, lân cận nói riêng và xã hội nói chung. Trước hết, đô thị đại học rất cần tương tác bên trong, trong đó lấy chuyên môn là điểm nhấn"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục