Đô thị hóa đe dọa Châu Á tăng trưởng bền vững

Đô thị hóa ở châu Á đang diễn ra nhanh và nhiệm vụ quản lý đô thị cấp bách chưa từng thấy, Chủ tịch ADB, ông Kuroda nhận định.
Góc khuất của quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng tại châu Á đã trở thành tâm điểm của Hội nghị các Thống đốc với chủ đề "Châu Á năm 2050: Tiến tới sự tăng trưởng bền vững và thịnh vượng" diễn ra ngày 4/5, tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch ADB, ông Kuroda cho rằng, đô thị hóa ở châu Á đang diễn ra nhanh chóng hơn bao giờ hết. Việc cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống cho lượng lớn cư dân thành thị như hiện nay là một nhiệm vụ quản lý đô thị cấp bách chưa từng thấy đối với loài người.

Theo ADB, đa phần các quốc gia ở châu Á, những khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã không theo kịp sự tăng trưởng kinh tế. Và khi xuất hiện các khoản đầu tư mới, lợi ích cũng không được phân bổ đồng đều.

 Điều này đe dọa đến sự phát triển bền vững của các quốc gia trong khu vực. Một trong số những vấn đề chủ chốt mà các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia quy hoạch đô thị đang phải đối mặt là việc cung cấp đủ nguồn nước và cơ sở hạ tầng tương xứng cho các thành phố.

Nhật Bản, một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhất tại khu vực cũng thừa nhận sức ép phát triển cơ sở hạ tầng trong quá trình đô thị hóa. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, Motoyuki Odachi cho biết, năm 2010, tỷ lệ dân số ở đô thị đã vượt qua tỷ lệ dân số tại nông thôn và dự kiến vào năm 2020 sẽ có khoảng 60-70% dân số sống tại các thành phố và đô thị. Điều này khiến cho việc phát triển cơ sở hạ tầng luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ Nhật Bản.

Ông cũng khuyến cáo việc đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã ảnh hưởng đến môi trường và xã hội ở các nước châu Á như gia tăng khí thải CO2,  tắc đường ở các thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Delhi, Thượng Hải, Bangkok, Jakarta... Do vậy, việc phát triển, mở rộng các đô thị, đường giao thông…. là việc phải quan tâm hàng đầu tại các quốc gia này.

Theo Thống đốc Ngân hàng Ấn Độ, Pranab Mukherjee, để giảm sức ép cho các đô thị chỉ còn cách làm cho quá trình đô thị hóa tiến hành chậm lại bằng cách giải quyết các vấn đề ở nông thôn như: Nâng cao tay nghề cho người dân, đào tạo nghề cho họ, đầu tư vào giáo dục, y tế cho các vùng nông thôn.

Đồng tình với quan điểm trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nguyễn Văn Giàu nhận định, quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh chóng đặt ra một vấn đề lớn hiện nay là phải thực hiện  an sinh xã hội. Người nông dân ngày càng bị mất đất nhưng phần bù đắp để họ có thể phát triển bền vững như an cư lập nghiệp, việc làm để nông dân có thu nhập ổn định cuộc sống là cực kỳ khó khăn.

"Tôi cũng đồng tình với quan điểm của các Thống đốc khác là chúng ta cần quan tâm và phải chuẩn bị quá trình đô thị hoá. Khi chúng ta lo đào tạo nguồn nhân lực với một kỹ năng mới để cho họ có thu nhập tốt hơn, đó chính là chúng ta đang tiến hành đô thị hóa," Thống đốc khẳng định.

Chủ tịch ADB cho rằng, ngoài đầu tư vào cơ sở hạ tầng, châu Á cũng rất cần sự hỗ trợ kĩ thuật để duy trì phát triển. Đối với khía cạnh này, ADB đã đưa ra một sáng kiến tài trợ về nguồn nước nhằm giúp 200 triệu người châu Á được tiếp cận với nước uống sạch.

“Rõ ràng là, hơn lúc nào hết các thành phố của châu Á cần có sự hỗ trợ để đối phó với tác động vật chất của sự phát triển đô thị trong quá khứ và hiện tại để có thể duy trì mục tiêu tăng trưởng, thịnh vượng, bền vững trong tương lai,” ông Kuroda khẳng định./.

Xuân Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục