Đoạn băng Nữ hoàng Anh chào kiểu Đức Quốc xã gây xôn xao dư luận

Cung điện Buckingham đã rất tức giận khi đoạn băng quay từ năm 1933 ghi lại cảnh Nữ hoàng Anh giơ tay chào theo kiểu Đức Quốc xã bị đưa lên tờ The Sun.
Đoạn băng Nữ hoàng Anh chào kiểu Đức Quốc xã gây xôn xao dư luận ảnh 1Nữ hoàng Anh. (Nguồn: popsugar.com)

Cung điện Buckingham cho biết việc đoạn băng quay từ năm 1933 ghi lại cảnh Nữ hoàng Anh giơ tay chào theo kiểu Đức Quốc xã bị đưa lên tờ The Sun đã khiến cho Cung điện cảm thấy hết sức “thất vọng vì đoạn băng được quay từ cách đây 8 thập kỷ đã bị nắm giữ và lợi dụng.”

Tờ The Sun đã tung ra đoạn băng đen trắng kéo dài khoảng 17 giây ghi lại cảnh Nữ hoàng, khi đó mới khoảng 7 tuổi, đang chơi đùa với một chú chó trên thảm cỏ tại vườn Balmoral cùng với mẹ, em gái và bác.

Mẹ của Nữ hoàng đã giơ tay chào theo kiểu Đức Quốc xã, và sau khi nhìn về phía mẹ, Nữ hoàng cũng lặp lại cử chỉ đó. Hoàng tử Edward, sau này trở thành vua Edward VIII, cũng đã giơ tay chào.

Đoạn băng được cho là đã được quay vào năm 1933 hoặc 1934, khi Hitler đang nổi lên trong vai trò Lãnh tụ ở Đức. Tuy nhiên, bối cảnh cụ thể khi đó là không rõ ràng.

Tờ The Sun từ chối tiết lộ nguồn gốc của đoạn băng, song cũng nói rằng đây là một câu chuyện “quan trọng và thú vị.”

Một nguồn tin từ Cung điện cho biết: “Phần lớn người xem những bức ảnh này sẽ nhìn nhận nó trong bối cảnh và thời gian phù hợp. Đây là hình ảnh một gia đình đang chơi đùa và trong giây lát đã thể hiện một cử chỉ mà nhiều người đã thấy trên các tài liệu về tin tức thời đó."

“Trong thời kỳ đó, không có ai có thể đoán trước được hướng phát triển của lịch sử. Việc ám chỉ bất kỳ điều gì khác đều bị coi là thiếu trung thực và gây hiểu lầm”

Nguồn tin này cũng cho biết thêm rằng: “Những cống hiến của Nữ hoàng và gia đình cho lợi ích quốc gia trong thời gian xảy ra chiến tranh, cùng với 63 năm xây dựng mối quan hệ giữa các quốc gia và người dân đã nói lên được nhiều điều.”

Phóng viên BBC Royal Sarah Campbell cho biết Cung điện Buckingham không phủ nhận tính xác thực của đoạn băng, song đã chỉ ra rằng đã có “những câu hỏi về quá trình đoạn băng này bị lộ ra.”

Dickie Arbiter, một cựu thư ký báo chí của Cung điện Buckingham cho biết Cung điện sẽ tiếng hành điều tra.

“Họ sẽ tự hỏi không biết đoạn băng có được lưu trữ tại Kho lưu trữ Hoàng gia ở Windsor không, hay liệu đoạn băng có phải có nguồn gốc từ nơi ở của Công tước xứ Windsor hay không,” ông trả lời.

“Và nếu đoạn băng đúng là đã được lưu trữ tại nơi ở của Công tước xứ Windsor, thì rõ ràng đã có người lấy nó đi, để giờ đây, 82 năm sau, nó lại xuất hiện."

“Có điều vẫn còn rất nhiều câu hỏi phải được đặt ra, và rất nhiều câu hỏi cần được trả lời.”

Tổng biên tập tờ The Sun Stig Abell cho biết ông không chấp nhận cáo buộc của Cung điện Buckingham cho rằng đoạn băng đã bị “lợi dụng.”

Ông cho rằng tờ báo đã quyết định đăng tải bài viết vì nó có tầm quan trọng lớn đối với công chúng, và sự tham gia của Hoàng tử Edward đã mang tới “ý nghĩa lịch sử” cho đoạn băng.

Hoàng tử xứ Wales khi đó đã phải đối mặt với rất nhiều cáo buộc cho rằng ông là một người ủng hộ cho Đức Quốc xã.

Đã từng có một bức ảnh chụp cuộc gặp gỡ giữa ông với Hitler ở Munich vào tháng 10/1937.

Theo phóng viên hoàng gia BBC Peter Hunt, đó là một bức ảnh thú vị và từng là một bức ảnh riêng tư trên trang đầu của một tờ báo quốc gia.

Việc tung ra bức ảnh đã khiến các quan chức Cung điện phải họp lại với nhau để thảo luận về lỗ hổng an ninh.

Trong khi đó, tờ The Sun lại đưa ra những luận điểm cho rằng họ đã làm vậy vì lợi ích quốc gia.

Ngoại trừ sự tức giận rõ ràng ở một bên, thật đáng chú ý khi cả hai bên đều đề cập đến việc xem xét “bối cảnh thích hợp” của bức ảnh.

Từ góc nhìn của Cung điện, đây là một cô công chúa 6 tuổi, không hề có ý niệm gì đi kèm với cử chỉ này.

Có điều luận điểm này không thể giải thích được cho hành vi của mẹ Nữ hoàng.

Những người đứng về phía Cung điện tập trung vào thành tích chiến tranh của vị hoàng tử trong ảnh, người sau này sẽ trở thành vua, Nữ hoàng và hai cô con gái.

Họ đã không hướng sự tập trung tới hành vi của bác Nữ hoàng – một người đàn ông từng làm vua trong một thời gian ngắn, cùng với đó là niềm hứng thú với Đức Quốc xã.

Ông Abell cho biết: “Chúng tôi không sử dụng đoạn băng để gợi nên bất kỳ điều không thích đáng nào từ phía họ. Nhưng đây là một vấn đề thú vị và quan trọng, rằng khi đó tầng lớp quý tộc Anh, cụ thể là Edward VIII, đã tỏ ra thông cảm với chủ nghĩa phátxít vào những năm 1930.

“Đây chắc hẳn phải là một vấn đề có liên quan tới lợi ích quốc gia và cộng đồng và cần được đưa ra thảo luận. Và tôi nghĩ rằng đoạn băng này đã thể hiện rất rõ điều đó.”

Ông Abell đã chia sẻ với BBC rằng đoạn băng là một phần của “lịch sử xã hội” và rằng tờ báo đã đưa ra bối cảnh lịch sử trong thời đại đó, và giải thích rằng Nữ hoàng và mẹ Nữ hoàng sau đó đều đã trở thành những “người hùng” của Thế Chiến 2.

Ông không cho rằng đoạn băng đã xâm phạm đời tư của gia đình Hoàng gia.

“Tôi nghĩ đây là một phần của lịch sử xã hội. Một trong số những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử đất nước chúng ta, Thế Chiến 2, sự nổi dậy của chủ nghĩa Phátxít, một trong những động thái tiêu cực nhất trong lịch sử loài người, và tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tìm hiểu một số thông tin về bối cảnh thời đó.

Ông nói thêm: “Chúng tôi đã tỏ ra rất rõ ràng. Chúng tôi dĩ nhiên không muốn đưa ra bất kỳ gợi ý tiêu cực nào về Nữ hoàng và mẹ của bà.”

Khi Thế Chiến 2 nổ ra, Nữ hoàng mới 13 tuổi. Sau này, bà đã tham gia phục vụ trong Dịch vụ Phụ trợ Lãnh thổ dành cho Phụ nữ.

Vào tháng Sáu vừa qua, bà đã tới Đức, và tại đây, bà đã tới thăm di tích trại tập trung Bergen-Belsen và gặp mặt một số người sống sót và người giải phóng trại tập trung này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục