Đoàn kết: Biện pháp ứng phó khi an ninh của châu Âu bị đe dọa

Đoàn kết: Biện pháp ứng phó khi an ninh của châu Âu bị đe dọa?

Châu Âu cần tới một sự đoàn kết lớn hơn, và nếu cần thiết, phải sử dụng thị trường nội khối như một phương tiện gây áp lực để chống đỡ khi nền an ninh của châu Âu bị đe dọa.
Đoàn kết: Biện pháp ứng phó khi an ninh của châu Âu bị đe dọa? ảnh 1Biểu tượng mạng 5G tại một triển lãm. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng spiegel.de, chính trị gia Michael Roth - Nghị sỹ Quốc hội Liên bang Đức, thành viên ban lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) - mới đây có bài viết với tiêu đề "An ninh của châu Âu đang bị đe dọa," nội dung như sau:

Làm thế nào để có thể đối phó với sức mạnh của Trung Quốc? Châu Âu cần tới một sự đoàn kết lớn hơn, và nếu cần thiết, cần phải sử dụng thị trường nội khối như một phương tiện gây áp lực.

Virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) không quan tâm tới ý thức hệ hay địa chính trị. Nhưng từ lâu, đại dịch viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (COVID-19) đã đóng vai trò như một máy gia tốc thúc đẩy mạnh mẽ sự cạnh tranh giữa các cường quốc và xung đột địa chính trị trên khắp các khu vực.

Nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump với chính sách "Nước Mỹ trước tiên" đang rút khỏi vũ đài quốc tế để tập trung sự quan tâm vào chính nước này.

Trung Quốc ngày càng quyết đoán và quyết tâm tăng cường vị thế toàn cầu của mình. Với châu Âu, giờ đây mọi thứ đã trở nên rõ ràng hơn: châu Âu phải tăng cường khả năng kháng cự và rất cần một đường lối rõ ràng. Điều này cũng là cần thiết để đối phó với Trung Quốc.

[Nhân tố sẽ làm suy yếu an ninh châu Âu-Đại Tây Dương]

Mối quan hệ giữa liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc rất phức tạp. Trung Quốc vừa là đối tác quan trọng, vừa là đối thủ cạnh tranh về mặt kinh tế. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU, ở chiều ngược lại, EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Giữa hai nền kinh tế có sự đan xen, cùng hợp tác với nhau vì lợi ích chung của mỗi bên. Đối với các vấn đề mang tính toàn cầu như cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, chống biến đổi khí hậu hay giải quyết xung đột khu vực, chúng ta chỉ có thể thành công khi hợp tác với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là một đối thủ hệ thống của châu Âu. Nước này ngày càng gây ra nhiều điều khó chịu đối với thế giới cũng như châu Âu thời gian qua, mà chiến dịch "ngoại giao khẩu trang" và cung cấp thông tin giả trong đại dịch chỉ là một ví dụ.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đã có những động thái để chia rẽ EU và làm suy yếu liên minh này. Trên nền tảng thiết kế xã hội hoàn toàn khác nhau, chúng ta đang ở trong một cuộc cạnh tranh gay gắt về mặt giá trị với Trung Quốc.

Vấn đề Hong Kong đã cho thấy mức độ không khoan nhượng của nước này khi cương quyết thực thi quyền lực của mình, bất chấp tất cả mọi sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với các yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông cũng như những vi phạm nghiêm trọng quyền con người ở Tân Cương cho thấy rõ thêm điều đó. Trung Quốc không ngại ngần vi phạm các nguyên tắc cốt lõi của trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế.

Châu Âu có thể làm gì để không rơi vào trạng thái đông cứng trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc? Rõ ràng, châu Âu cần hành động nhiều hơn để đối phó với nước này. Việc thiết lập một chính sách nhất quán chung của EU đối với Trung Quốc từ lâu đã bị chậm chễ.

Đây phải là ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU của Đức, trong đó EU phải có trọng trách đặc biệt. EU phải phản ứng một cách tự tin hơn và phải đồng tâm đồng lòng trước Trung Quốc.

Nếu châu Âu không đoàn kết, không bảo vệ các giá trị và lợi ích của mình với sức mạnh tập thể của liên minh thì sẽ không thể tạo được áp lực với Bắc Kinh. Sự thiếu thống nhất chính là gót chân Achilles của chúng ta. EU không thể bị chia rẽ. EU phải tránh xa sự song phương hóa các mối quan hệ, điều mà mà Bắc Kinh nỗ lực thúc đẩy bấy lâu nay.

Chỉ riêng giữa Đức và Trung Quốc thôi hiện cũng đã có tới 80 định dạng đối thoại song phương khác nhau. Mục đích của chúng ta là phải tăng cường hơn nữa việc trao đổi, phối hợp với Trung Quốc ở cấp độ EU. Đối với các lợi ích quốc gia hợp pháp thì EU là khuôn khổ cho định hướng và hành động của chúng ta. Không có một quốc gia riêng lẻ nào ở châu Âu có thể tự mình đảm bảo một cách lâu dài các lợi ích và giá trị của riêng mình trước Trung Quốc.

EU phải chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với thế giới, hơn là việc chỉ là một mẫu số chung cho các quốc gia thành viên dựa vào. Vì vậy, nước Đức - với vai trò là Chủ tịch Hội đồng EU - đang nỗ lực mạnh mẽ cho một quyết định của đa số các quốc gia thành viên trong việc xây dựng chính sách đối ngoại và an ninh chung của EU.

Tiếc rằng, EU vẫn đang thấy những cám dỗ về lợi ích kinh tế từ Trung Quốc, và đôi khi điều đó làm nền tảng giá trị của châu Âu bị lung lay. Điều gây tổn hại tới uy tín và làm suy yếu sức mạnh của EU là việc từng quốc gia thành viên riêng lẻ sẵn sàng phá bỏ chính sách nhân quyền của EU để ký các thỏa thuận song phương được cho là "béo bở" với Trung Quốc.

Do đó, trong chính sách tập thể của EU, các nước châu Âu không được phép nghi ngờ rằng giá trị cơ bản của châu Âu là thứ không thể thương lượng bởi vì đó là bản chất của cộng đồng giá trị của chúng ta.

Nền tảng giá trị chung của châu Âu làm cho EU trở nên độc đáo và quý giá. Chúng ta cần sẵn sàng bảo vệ những giá trị đó với tất cả quyết tâm của mình. Cuộc khủng hoảng COVID-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh.

Đại dịch đã cho chúng ta thấy một điều đau đớn rằng châu Âu đã trở nên phụ thuộc vào nước ngoài như thế nào trong một số lĩnh vực nhất định. Khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ, thuốc kháng sinh - rất nhiều thứ ngày nay đều được sản xuất tại Trung Quốc.

Và Bắc Kinh đang lợi dụng sự phụ thuộc kinh tế như một đòn bẩy chính trị để thực hiện những mưu tính của mình. Vì thế, chủ quyền của châu Âu đang ở trong giai đoạn nghiêm trọng. Chúng ta cần phải tăng cường hệ thống y tế, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng và giảm thiểu sự phụ thuộc vào bên ngoài trong các lĩnh vực đặc biệt quan trọng.

Đối với các loại hàng hóa mang tính thiết yếu, chẳng hạn như thiết bị bảo hộ y tế và thuốc men, chúng ta cần phải tự sản xuất nhiều hơn. Trong các lĩnh vực khác như logistik, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, châu Âu cũng cần phải độc lập hơn.

Để xây dựng ngôi nhà chung châu Âu trong tương lai cần phải có một chính sách công nghiệp mang tính chiến lược, cần đầu tư nhiều hơn cho việc nghiên cứu và phát triển, ví dụ như phát triển một thị trường kỹ thuật số nội bộ thống nhất.

Hiện tại, Trung Quốc và Mỹ đang là những quốc gia đi đầu trong cuộc đua toàn cầu về phát triển công nghệ. Mục tiêu của chúng ta là phải làm chủ các công nghệ cốt lõi và sở hữu chúng. Châu Âu vẫn phải là động lực của sự đổi mới.

Chỉ như vậy châu Âu mới có thể đứng trên chính đôi chân của mình trong tương lai. Mạng di động công nghệ mới (5G) - hệ thống thần kinh trung ương của tương lai kỹ thuật số của chúng ta - là một ví dụ rõ ràng cho thấy điều này.

Vấn đề ở đây là sự phục thuộc của chúng ta vào các nhà sản xuất từ các nước thứ ba và độ tin cậy của các nhà sản xuất này, trong đó có Trung Quốc. An ninh của người châu Âu đang bị đe dọa. Vấn đề 5G cũng trở thành bài test cho mục tiêu một châu Âu có chủ quyền mạnh mẽ hơn. Do đó, sẽ là hợp lý nhất nếu chúng ta sử dụng các nhà cung cấp trong nội bộ của mình.

Tuy nhiên, "tách" khỏi Trung Quốc càng nhiều càng tốt như phương châm của nước Mỹ không phải là một lựa chọn đối với EU. Đại dịch COVID-19 và các cường quốc đang làm thay đổi sự toàn cầu hóa, nhưng không xóa bỏ nó.

Thế giới hậu COVID-19 về mặt chính trị và kinh tế, không có cách nào bỏ qua Trung Quốc, mà việc hợp tác với nước này vừa là cơ hội vừa là sự cần thiết để vượt qua đại dịch. Khi trao đổi trực tiếp với Trung Quốc, chúng ta vừa phải thể hiện rõ lợi ích của mình, vừa phải kiên trì đàm phán, hợp tác cùng nhau giải quyết các vấn đề chung còn tranh cãi.

Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc đã được dự kiến tổ chức tới đây - tất nhiên phải phụ thuộc vào tình hình diễn biến của dịch bệnh - sẽ là cơ hội tốt cho cả hai bên. EU cần phải yêu cầu Trung Quốc có trách nhiệm trong nỗ lực vượt qua đại dịch toàn cầu cũng như trong việc cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cùng nhau hợp tác ở châu Phi cũng như trong vấn đề bảo vệ khí hậu. Liên quan đến vấn đề kinh tế, thương mại, EU phải nhấn mạnh nguyên tắc có đi có lại: cùng thực hiện nguyên tắc, cùng thực hiện sự công khai, minh bạch.

Với thỏa thuận đầu tư đầy tham vọng giữa châu Âu và Trung Quốc, giờ đây, chúng ta cần phải yêu cầu nhanh chóng hoàn thành quá trình đàm phán đã kéo dài quá lâu này. Chúng ta cũng không được né tránh các vấn đề khó khăn như nhân quyền, an ninh hay công nghệ. Vì đó cũng là vấn đề thuộc về chủ quyền riêng của chúng ta. Bắc Kinh coi EU trước hết là một khối thương mại và một khu vực kinh tế lớn nhất thế giới và hết sức quan trọng.

Do đó chúng ta cần sử dụng chính sách thương mại và thị trường nội khối của mình một cách hiệu quả hơn để bảo vệ các giá trị và lợi ích của chúng ta. Cách tiếp cận của Bắc Kinh làm thay đổi các quy tắc và có những tác động cụ thể đến các mối quan hệ của chúng ta.

Trong một phản ứng chung vừa qua, EU đã quyết định đưa ra một gói các biện pháp đối phó toàn diện, trong đó bao gồm hạn chế xuất khẩu các thiết bị liên quan đến lĩnh vực an ninh, nới lỏng quy định nhập cảnh và cư trú cho công dân Hong Kong và hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự.

Ngoài ra, Đức đã tuyên bố đình chỉ Hiệp ước dẫn độ song phương với Hong Kong và qua đó gửi thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh, rằng những hành động phi pháp của nước này sẽ bị quốc tế lên án mạnh mẽ và sẽ có phản ứng đáp trả. Dễ thấy rằng thế giới hậu COVID-19 sẽ rất khó khăn.

Việc các cường quốc Trung Quốc và Mỹ ngày càng leo thang căng thẳng sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp. Cách chúng ta định vị tương lai và xây dựng lại châu Âu sẽ quyết định việc EU sẽ thành công đến mức độ nào trong việc bảo vệ lợi ích và giá trị của mình trên trường quốc tế.

Trong một hành động mạnh mẽ chưa từng thấy, EU đã thông qua ngân sách của khối trong 7 năm tới ở mức lớn nhất trong lịch sử, đồng thời thông qua gói cứu trợ 750 tỷ euro để hướng tới tương lai của châu Âu.

Một châu Âu mạnh mẽ, đoàn kết và có chủ quyền, là một khối thống nhất trên thế giới, bảo vệ mạnh mẽ giá trị, lợi ích và công dân của mình, đó là một châu Âu tuyệt vời. Đó chính là sự tự quyết và sự khẳng định của chúng ta, không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với cả thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục