Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc tại Thái Bình

Đoàn Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về kết quả kiểm tra việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 4.
Ngày 25/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị dẫn đầu Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về kết quả kiểm tra việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị ghi nhận, đánh giá cao những chuyển biến rõ nét, quyết tâm chính trị của Đảng bộ Thái Bình trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), nhất là việc đề ra các giải pháp, những vấn đề cần tập trung sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm.

Thái Bình đã thực hiện nghiêm túc, nền nếp sinh hoạt chi bộ; tất cả cán bộ từ tỉnh xuống cơ sở tham gia sinh hoạt với các chi bộ, đảng bộ địa phương để kịp thời nắm bắt, giải quyết, thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm và khắc phục những hạn chế, yếu kém.

Trong công tác tổ chức cán bộ, Thái Bình đã chủ động, tích cực đổi mới và triển khai thực hiện khá đồng bộ các giải pháp về tổ chức thi tuyển các chức danh; bổ nhiệm cán bộ có đánh giá, xem xét, có số dư; đổi mới công tác thi tuyển công chức, viên chức; chủ động luân chuyển cán bộ các chức danh chủ chốt không phải là người địa phương.

Tỉnh đã bước đầu khắc phục một số khuyết điểm, hạn chế và phát huy dân chủ, công khai trong công tác cán bộ. Chất lượng cán bộ quy hoạch tốt hơn. Số lượng cán bộ trong quy hoạch đối tượng trẻ và nữ đều tăng

Ông Phạm Quang Nghị đề nghị để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện những việc cần làm ngay sau kiểm điểm, nhất là việc xử lý, giải quyết những vấn đề bức xúc nổi cộm; thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý, tập trung bồi dưỡng, đào tạo cho cán bộ quản lý cấp cơ sở.

Ông Phạm Quang Nghị cũng lưu ý việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) và Chỉ thị 03 cần phải gắn với công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên khác. Đặc biệt, cần hết sức coi trọng vấn đề đoàn kết nội bộ; nêu cao ý thức, trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng bộ.

Thời gian tới, Thái Bình cần bám sát chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát, tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, đảng viên để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị.

Ðảng bộ cần xem đây là việc làm thường xuyên, liên tục, góp phần ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nâng cao sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, củng cố lòng tin đối với nhân dân.

Thái Bình cần phải xây dựng các chương trình, đề án phát triển kinh tế, thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tiết kiệm, phòng và chống tham nhũng. Tỉnh cũng cần bổ sung các cơ chế, chính sách để ngăn ngừa những sai phạm về tài chính, đất đai nhằm tránh xảy ra những vụ việc phức tạp.

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị đã được Ban thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp tổ chức thực hiện, bảo đảm nghiêm túc, đồng bộ, đúng phương châm, nguyên tắc, quy trình, tạo bước chuyển biến rõ rệt về nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của 3 vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao và thống nhất nhận thức về thực trạng công tác xây dựng Đảng cũng như những khuyết điểm, hạn chế ở tổ chức mình; quyết tâm sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm, hạn chế đã chỉ ra trong kiểm điểm.

Bên cạnh đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong chỉnh đốn, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; góp phần tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.

Quá trình kiểm điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các vị ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều thẳng thắn nhận rõ yếu kém, khuyết điểm và trách nhiệm cá nhân để xảy ra các yếu kém, khuyết điểm.

Sau kiểm điểm, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình số 20 khắc phục những yếu kém, khuyết điểm.

Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện và khắc phục có hiệu quả 32/42 vấn đề, cấp ủy cơ sở đã thực hiện 195/239 vấn đề đã được chỉ ra sau kiểm điểm. Cán bộ, đảng viên và công chức đã tự giác sửa chữa khuyết điểm, hạn chế trong công tác, sinh hoạt, sửa đổi lề lối, tác phong làm việc theo hướng cụ thể, sâu sát hơn./.

Thanh Bình (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục