Đoàn kiểm tra về chống tham nhũng, tiêu cực làm việc tại Đồng Nai

Kết luận buổi làm việc, ông Phan Đình Trạc, Trưởng Đoàn kiểm tra yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đoàn kiểm tra về chống tham nhũng, tiêu cực làm việc tại Đồng Nai ảnh 1Ông Phan Đình Trạc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Ngày 24/9, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) do ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai để thông báo kết quả kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực (gọi chung là nguồn tin về tội phạm) tại tỉnh Đồng Nai.

Qua kết quả kiểm tra cho thấy Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai, nhất là từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung; công tác công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực nói riêng.

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phát hiện, kiến nghị, xử lý tham nhũng, tiêu cực đã được quan tâm hơn; Công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm kinh tế, tham nhũng, tiêu cực trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực; Quan tâm chỉ đạo xử lý một số vụ án kinh tế, tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Trong 10 năm, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện, chuyển giao 30.941 nguồn tin về tội phạm các loại, trong đó có 512 nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực (372 nguồn tin liên quan đến tội phạm kinh tế, 140 nguồn tin liên quan đến tội phạm tham nhũng, tiêu cực).

Cơ quan điều tra đã tiếp nhận, thụ lý, giải quyết 510/512 nguồn tin theo thẩm quyền, đạt 99,6%, đã ra quyết định khởi tố 236 vụ/477 bị can.

Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vi phạm, khuyết điểm như: Một số cấp ủy, tổ chức đảng cơ sở thiếu quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc phát hiện, tiếp nhận, chuyển giao, giải quyết nguồn tin tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; có nơi còn thiếu trách nhiệm, để xảy ra vi phạm.

Công tác phát hiện, chuyển giao nguồn tin về tội phạm, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, Viện kiểm sát còn nhiều tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, thậm chí vi phạm.

Công tác tự phát hiện trong nội bộ cơ quan, đơn vị để xử lý tham nhũng, tiêu cực còn hạn chế; Công tác phối hợp giữa các Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát hai cấp và cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thuế, hải quan, quản lý thị trường... trong phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin, vụ việc có dấu hiệu tội phạm chưa thật sự có lúc chưa đồng bộ, kịp thời.

[Đồng Nai xem xét, đề nghị kỷ luật một số cá nhân, tổ chức cơ sở Đảng]

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Phan Đình Trạc, Trưởng Đoàn kiểm tra yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực nói riêng.

Để kịp thời phát hiện, xử lý từ đầu các vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, nhất là quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng phát hiện sớm các nguồn tin về tội phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng; các sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; trong công tác cán bộ…. kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể sai phạm, theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cơ quan điều tra, không chờ đến lúc kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm liên quan đến cán bộ diện cấp ủy quản lý thì chuyển hồ sơ đến Ủy ban Kiểm tra và thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để chỉ đạo xử lý.

Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường phối hợp, tích cực, chủ động hơn trong công tác phát hiện, tiếp nhận, chuyển giao, giải quyết nguồn tin về tội phạm về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực.

Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục