Doanh nghiệp Anh muốn có chi tiết kế hoạch chuyển tiếp sau Brexit

Khảo sát cho thấy 2/3 số doanh nghiệp Anh được hỏi cho biết họ muốn có được chi tiết kế hoạch chuyển tiếp ngay từ tháng 6/2018, tức là chưa đầy chín tháng nữa, để có thể sớm lên kế hoạch kinh doanh.
Doanh nghiệp Anh muốn có chi tiết kế hoạch chuyển tiếp sau Brexit ảnh 1Hàng hóa được bày bán tại một khu chợ ở London, Anh ngày 14/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kết quả khảo sát 1.000 doanh nghiệp do London First và ngân hàng Lloyds Banking Group thực hiện cho hay các doanh nghiệp nước Anh đang rất nôn nóng trong việc lên kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn sau khi Xứ sở Sương mù rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, vào tháng 3/2019.

Khảo sát cho thấy 2/3 số doanh nghiệp Vương quốc Anh được hỏi cho biết họ muốn có được chi tiết kế hoạch chuyển tiếp ngay từ tháng 6/2018, tức là chưa đầy chín tháng nữa, để có thể sớm lên kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Nhìn chung, các doanh nghiệp muốn có được chi tiết kế hoạch chuyển tiếp Brexit càng sớm càng tốt, để chủ động lên các kế hoạch đầu tư-kinh doanh. Thậm chí, khoảng 1/3 số doanh nghiệp kể trên muốn có chi tiết bản kế hoạch này, có thể ngay từ cuối năm nay; đồng thời, gần một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết kế hoạch chuyển tiếp Brexit chi tiết sẽ giúp họ khơi thông các kế hoạch đầu tư và khôi phục các quyết định tuyển dụng lao động.

Giám đốc điều hành London First, Jasmine Whitbread cho hay các công ty cần nắm được thông tin để ra các quyết định đầu tư và tuyển việc làm cho tương lai và họ không muốn chờ đợi lâu hơn.

[Chi phí hải quan sẽ "ngốn" của doanh nghiệp Anh hàng tỷ bảng mỗi năm]

Tất cả các doanh nghiệp tham gia khảo sát đều có doanh thu hàng năm đạt trên 1 triệu bảng Anh, trong đó gần 1/5 có doanh thu trên 750 triệu bảng. Hầu hết trong số họ đều muốn bản kế hoạch chuyển tiếp có đề cập chi tiết về mối quan hệ hiện nay với EU, từ tự do hàng hóa, dịch vụ, vốn, nhân tài, thuế quan chung và các thỏa thuận pháp lý của EU.

Nhìn chung các doanh nghiệp lớn tỏ ra khá tin tưởng vào giai đoạn chuyển tiếp, với 47% tin rằng điều đó sẽ giúp ích cho hoạt động kinh doanh của họ. Một giai đoạn chuyển tiếp được cho là có lợi cho các doanh nghiệp, hơn là việc không có thỏa thuận nào.

Tuy nhiên, để có thể khuyến khích việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, Chính phủ giờ đây cần hành động để đạt được thỏa thuận chuyển tiếp, đồng thời phác thảo tương lai dài hạn cho nước Anh.

Kế hoạch chuyển tiếp sau Brexit hiện nhận được sự ủng hộ rộng rãi của Chính phủ Vương quốc Anh. Đối với nhiều doanh nghiệp, nỗi lo rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào hiện đứng đầu danh sách những mối quan ngại liên quan đến Brexit./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục