Doanh nghiệp cần tổ chức lực lượng dân quân tự vệ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 24 về dự án luật Dân quân tự vệ và dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội.
Ngày 30/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 24. Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, các đại biểu đã cho ý kiến về dự án luật Dân quân tự vệ và dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2010.

Dự án Luật Dân quân tự vệ đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vừa qua gồm 9 chương, 67 điều.

Tại phiên họp này, các ý kiến tập trung góp ý về các quy định "Tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trong doanh nghiệp" (Điều 19) và "Nguồn kinh phí bảo đảm tổ chức và hoạt động của dân quân tự vệ" (Điều 54)...

Trưởng ban dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng nhất trí với Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chọn phương án 1 nêu trong dự thảo là doanh nghiệp phải tổ chức lực lượng dân quân tự vệ, nếu chưa tổ chức được thì có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động của doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ ở địa phương nơi họ cư trú, không phụ thuộc vào điều kiện doanh nghiệp đó có tổ chức Đảng hay không.

Ông Vượng cho rằng "Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp cũng có nghĩa vụ góp kinh phí để bảo đảm hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ theo tinh thần xã hội hóa công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ".

Tờ trình của Văn phòng Quốc hội nêu 7 nội dung và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn cho hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2010.

Trong đó, Quốc hội sẽ thực hiện 2 trong 4 chuyên đề giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, quy hoạch và sử dụng đất đai; về đầu tư, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo; về quản lý, sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm xã hội từ năm 2006 đến năm 2010; hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện chính sách kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ.

Nội dung giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (lựa chọn 2 trong 3 chuyên đề) là tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính giai đoạn 2006-2010; việc thực hiện chương trình 135 giai đoạn 2 (2006-2010); về việc xuất khẩu lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, chỉ nên chọn 1 giám sát chuyên đề của Quốc hội là "Giám sát việc đầu tư, thành lập các trường đại học, cao đẳng và chất lượng đào tạo"; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong quan hệ giữa cơ quan Nhà nước với người dân và doanh nghiệp; việc tổ chức xuất khẩu lao động và việc phân cấp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng tình với quan điểm trên và đề nghị cần giám sát cả nội dung đầu tư trong lĩnh vực giáo dục có yếu tố nước ngoài. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đề nghị đưa nội dung giám sát chương trình 135 giai đoạn 2 vào nội dung giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2010 vì đây cũng là năm kết thúc giai đoạn 2 của chương trình 135 để đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm.

Một số ý kiến khác đề nghị nên đưa nội dung giám việc quản lý, sử dụng đất của các doanh nghiệp Nhà nước; giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét và cho ý kiến về dự kiến nội dung hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2010 trước khi trình ra kỳ họp Quốc hội sắp tới để bảo đảm hoạt động giám sát đạt hiệu quả ngày càng cao, tránh dàn trải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục