Doanh nghiệp chịu phạt hơn là ngừng gây ô nhiễm

Mức phạt gây ô nhiễm môi trường vài chục triệu đồng/lần đối với doanh nghiệp vi phạm không thấm vào đâu, chỉ có dân lãnh đủ hậu quả.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ra quyết định xử phạt 2 doanh nghiệp chế biến thủy sản sau khi phát hiện các đơn vị này sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Ngọc Thái bị phạt 62 triệu đồng và Công ty trách nhiệm hữu hạn Phương Nam bị phạt 49,8 triệu đồng.

Tuy nhiên, tại Sóc Trăng đang có dư luận nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt chứ chưa chịu thực hiện nghiêm theo báo cáo đánh giá tác động môi trường bởi nếu xây dựng hệ thống xử lý lắng lọc đúng quy trình và vận hành thường xuyên, ngoài tốn bạc tỷ đầu tư, doanh nghiệp còn phải tốn thêm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng để vận hành.

Bởi vậy, mức phạt vài chục triệu đồng mỗi lần (có khi vài năm mới phạt một lần) chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận của các doanh nghiệp chế biến lớn quy mô hàng ngàn công nhân. Điều đáng nói là việc gây ô nhiễm môi trường do các doanh nghiệp chế biến gây ra thì chỉ có người dân lãnh đủ.

Trước khi có đợt kiểm tra đột xuất của Sở Tài nguyên Môi trường, từ đầu tháng 7/2009, nhiều người dân sống gần các dòng sông hay kênh rạch có các nhà máy chế biến thủy sản ở thành phố Sóc Trăng đã nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng về mức ô nhiễm “hết chịu nổi” khi các doanh nghiệp chế biến cứ xả thải thẳng ra sông, rạch.

Những người dân dọc 2 bờ kênh Tám Thước, sông Maspero ở khu vực phường 1, phường 6, phường 7, phường 10, thành phố Sóc Trăng cho biết, tuyến kênh này có nhiều nhà máy chế biến thủy sản như Sao Ta, Phương Nam, Stapimex, nhà máy Bia Sài Gòn Sóc Trăng, tập trung và mức độ ô nhiễm gây ra không chỉ trên địa bàn mà theo nước loang xa.

Vào những ngày gió thổi xuống hướng Nam, người dân tận trung tâm thành phố cũng phải chịu cái mùi hôi nồng nặc, còn với người dân sống ngay ven 2 bờ sông thì phải chịu quanh năm. Mùa mưa này còn đỡ, đến mùa khô sắp tới, mùi hôi thối còn đậm đặc hơn, không cây gì sống nổi, lỡ nước dính vào tay chân thì tha hồ nổi cục nổi hòn...

Không chỉ tại thành phố Sóc Trăng, tại Đại Ngãi, Long Phú hay các địa phương vùng ven Sóc Trăng, người dân cũng đang phải hứng chịu ô nhiễm môi trường. Bà con ở ấp Ngãi Hội 2 xã Đại Ngãi, huyện Long Phú đã nhiều lần khiếu nại công ty Ngọc Thái tại đây gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng dù nhà máy đặt cạnh sông Hậu và nước thải được pha loãng hơn rất nhiều so với trong vùng đông dân cư, kênh rạch nhỏ.

Còn tại xã Đại Tâm, bà con các ấp Tâm Lộc, Tâm Thọ dọc 2 bên kênh Tám Thước gần cầu Bưng Cóc chạy dài lên hệ thống kênh nam Ba Rinh Tà Liêm, từ năm ngoái đã phải hứng chịu cảnh ô nhiễm môi trường thường xuyên.

Bà Tư Thol, một nông dân chuyên làm ruộng rẫy tại ấp Tâm Thọ cho biết nước kênh Tám Thước trước mặt nhà bà trước đây cá tôm nhiều, trong veo, người dân dùng để sinh hoạt tắm rửa và dùng cả để nấu ăn uống. Nhưng hơn một năm nay từ khi có cơ sở sơ chế đầu tôm của doanh nghiệp tư nhân Quí Minh đặt tại đây, nguồn nước cứ dần đậm đặc lên, mùi hôi nồng nặc nhất là vào buổi sáng, có ngày nước đục màu kèm theo mùi hôi nồng của hóa chất.

Theo một cán bộ của ngành chức năng tỉnh, từ ngày 19/8, cơ sở sơ chế đầu tôm của doanh nghiệp tư nhân Quí Minh mới được hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt trong khi cơ sở này đã hoạt động từ lâu. Việc gây ô nhiễm môi trường của cơ sở cũng đã được ghi nhận và đang chờ... xuống thẩm định để có mức phạt cụ thể.

Trong khi chờ đợi, hàng trăm hộ dân ở gần cơ sở này vẫn phải hàng ngày gánh chịu mùi hôi thối. Ngay cả ruộng rẫy của bà con cũng không dám dùng nước này để tưới vì có hóa chất nên sợ cây lại chết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục