Doanh nghiệp da giày cần phát triển chuỗi cung ứng

Để tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương yêu cầu ngành da giày cần đầu tư phát triển gắn liền với hợp tác quốc tế.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, sản lượng giày dép da tháng 4 đạt 17,2 triệu đôi, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng sản lượng 4 tháng lên 68 triệu đôi, tăng 2,9% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại 4 tháng đạt 2,25 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2012 trở lại đây (trừ tháng 1 là tháng có Tết Nguyên đán).

Nhận định từ các chuyên gia thương mại cho thấy, khi gia nhập WTO, hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ cùng với các chính sách thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu của Chính phủ, Việt Nam sẽ trở thành một địa điểm đầu tư lý tưởng cho các nhà sản xuất da giày. Tuy nhiên, ngành da giày vẫn phải nhìn nhận lại thực tế rằng năng lực xuất khẩu trên thị trường thế giới vẫn còn yếu do thiếu khả năng tự thiết kế mẫu mã, tự đảm bảo vật tư nguyên liệu trong nước, quy mô sản xuất chưa đủ lớn, giá thành chi phí sản xuất cao, ưu thế về nhân công lao động tuy vẫn là yếu tố cạnh tranh nhưng không còn thuận lợi như trước đây.

Hiện nay xuất khẩu da giày của Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thị trường thế giới có nhiều biến động và nguồn nguyên liệu sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu. Cho đến nay, tỷ lệ nội địa hóa mới chỉ chiếm 40-45% (chủ yếu là đế giày và chỉ khâu giày) trong khi nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu.

Để tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương yêu cầu ngành da giày cần đầu tư phát triển gắn liền với hợp tác quốc tế, tranh thủ tối đa sự dịch chuyển sản xuất từ các nước trên thế giới và trong khu vực. Ngoài ra, ngành phải đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất giày xuất khẩu; xây dựng mới các dự án cho lĩnh vực thuộc da với công nghệ tiên tiến và môi trường thân thiện. Bên cạnh đó, mở rộng thị trường xuất khẩu trên thị trường quốc tế nhất là các thị trường mới.

Hơn nữa, các doanh nghiệp ngành da giày cần tổ chức và mở rộng mạng lưới bán lẻ trong nước, đổi mới phương thức tiếp thị xuất khẩu, quan tâm đến việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm và xây dựng hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Về lâu dài, ngành da giày cần đẩy mạnh việc liên kết giữa các doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng nguyên liệu cho sản xuất để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững./.

Uyên Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục