Doanh nghiệp đã sẵn sàng đi tiếp trong khó khăn

Bền bỉ bám trụ, lấy người lao động làm nền tảng, trọng tâm khai thác thế mạnh là lựa chọn tối ưu của doanh nghiệp trong năm Nhâm Thìn.
Đi cùng thị trường chứng khoán trải qua một năm đầy sóng gió, mặc dù bị giới đầu tư đẩy giá cổ phiếu rớt  thê thảm, nhưng nhìn chung khối doanh nghiệp đại chúng niêm yết đã dẻo dai, bền bỉ bám trụ. Trong số đó nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục phát triển và tận dụng được những cơ hội từ sự biến động của nền kinh tế.

Linh hoạt trong kinh doanh, đi sâu phát triển khai thác ngành nghề kinh doanh chính, đa dạng hình thức huy động vốn và quyết tâm duy trì nguồn lao động là những mũi nhọn trọng tâm mà nhiều doanh nghiệp đã thực hiện thành công trong thời kỳ khủng hoảng.

Người lao động là nền tảng

Ngành bất động sản là khu vực hứng chịu tâm bão, song đối với Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã FLC trên sàn sao giao dịch chứng khoán Hà Nội) năm 2011 lại là năm đánh dấu mốc phát triển của công ty với việc tăng vốn thành công từ 100 tỷ đồng lên 170 tỷ đồng.

Theo ông Doãn Văn Phương, Tổng giám đốc FLC cho biết, ước tính cả năm 2011 công ty đạt tổng doanh thu 120 tỷ đồng và lợi nhuận ròng trên 12 tỷ đồng, tăng 185% so với năm 2010. Mặc dù kết quả kinh doanh chỉ đạt được gần 90% so với mặt bằng chung của các công ty niêm yết cùng ngành, nhưng kết quả kinh doanh như thế cũng ở mức khả quan.

Trong năm này, FLC vẫn tiếp tục tăng quy mô thành viên lên 13 đơn vị, với chiến lược tập trung triển khai các lĩnh vực hoạt động có khả năng tận dụng tối đa tiềm năng và cơ hội hiện có của thị trường, hỗ trợ cho các hoạt động khác của Tập đoàn, cũng như đón đầu các cơ hội khi kinh tế phục hồi.

Ông Phương khẳng định: “Mặc dù nền kinh tế khó khăn, song FLC vẫn hội tụ đủ các yếu tố bền vững. Công ty vẫn đảm bảo và không ngừng cải thiện mức lương, phúc lợi cho gần 200 cán bộ, nhân viên. Nguồn nhân sự của chúng tôi có trình độ chuyên môn cao và năng lực quản lý tốt, đây là nguồn lực to lớn nhất đảm bảo cho sự phát triển của tập đoàn.”

Đối với Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà (mã SHI trên sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh - HoSE), năm Tân Mão không được nhiều may mắn, nền kinh tế thế giới u ám khiến các đơn hàng giảm sút và ảnh hưởng lớn đến kế hoạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, thị trường trong nước cũng rất khó khăn, các chi phí đầu vào bị đẩy lên cao, đặc biệt là chi phí về vốn.

Song mục tiêu duy trì đảm bảo và nâng cao chất lượng nhân sự vẫn được công ty đăt vị trí hàng đầu. Ông Đặng Minh Quang, Phó giám đốc của SHI cho hay, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 1/3 kế hoạch năm. Doanh thu cả năm gần 1.700 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ khoảng 20 tỷ đồng. Năm 2011, mặc dù công ty triệt để tiết kiệm chi phí song SHI ưu tiên không cắt giảm lao động và lương cán bộ, nhân viên và có tăng thêm 10% nhằm đối phó với trượt giá.

Khai thác thế mạnh truyền thống


Hầu hết các doanh nghiệp sau một thời gian bung ra mở rộng ngành nghề kinh doanh thì bài học trong thời kỳ khủng hoảng là lấy thế mạnh ngành nghề kinh doanh chính làm trọng tâm, nhằm khẳng định vị thế và khơi dậy niềm tin trong giới đầu tư.

Trao đổi tại “Hội nghị Kinh tế đối ngoại Việt Nam lần thứ 3” tại trung tuần tháng 1, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT (mã FPTtrên sàn HoSE) nhấn mạnh nhìn vào con đường chuyển đổi của Nhật, Đài Loan, Singapore...  thì thấy Việt Nam là quốc gia đi sau và cũng có nhiều điểm chung với những quốc gia trên như người lao động chăm chỉ, quốc gia có nền tảng tiết kiệm…

Thêm vào đó, Việt Nam đang có dư địa lớn trong lĩnh vực công nghệ. Hiện tại cũng đã có những phần mềm xây dựng mang thương hiệu "made in Vietnam" tham gia vào chuỗi công nghệ toàn cầu, khẳng định Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng về phát triển ngành này.

"Trọng tâm chính của tập đoàn là công nghệ thông tin và đổi mới về công nghệ thông tin. Đơn cử tại lĩnh vực đào tạo, những lứa sinh viên đại học FPT đầu tiên ra trường, những người con của nông dân Việt Nam đã sẵn sàng làm việc trực tiếp tại Nhật trong môi trường nói tiếng bản địa. Tới đây chúng tôi sẽ mở rộng đại học FPT ra các nước quốc gia khác. Mục tiêu hướng tới chiến lược Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có nguồn lực IT trên thế giới với 1 triệu kỹ sư công nghệ cao,” ông Bình nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Băng Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HOSE: GIL) đồng thời là Phó chủ tịch Câu lạc bộ các công ty niêm yết chỉ ra, hướng đi trong năm 2012 của các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng ngành nghề kinh doanh chính.

Với chiến lược trung thành với ngành may mặc truyền thống, năm 2011 GIL vẫn giữ được hoạt động kinh doanh vẫn ổn định, đồng thời mở rộng sản xuất gia công sang khu vực miền Trung, phát triển tăng quy mô sản xuất tại Vũng Tàu. Doanh thu trong năm của công ty tăng gấp 1,5 so với 2010, đạt trên 700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 50 tỷ đồng. Trong năm qua, GIL đã thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt 40% cho cổ đông.

Về hoạt động khai thác nguồn vốn, đa phần các doanh nghiệp khẳng định sẽ không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng nữa.

Theo ông Tâm, trong hoàn cảnh khó khăn về vốn, các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất ổn định và có kế hoạch kinh doanh khả quan nên phát hành thêm cổ phiếu với khối lượng nhỏ cho các đối tượng là cổ đông nội bộ, hoặc cán bộ nhân viên trong công ty.

Đồng tình với quan điểm này, cả đại diện FLC và SHI cho hay, tới đây họ sẽ khai thác vốn thông qua phát hành trái phiếu hoặc từ các đối tác nước ngoài.

"Theo đánh giá của chúng tôi, năm Nhâm Thìn nền kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn nhưng những doanh nghiệp nào đã trụ vững trong những năm vừa qua thì 2012 vẫn tiếp tục đi tiếp,” ông Tâm nhận định./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục