Doanh nghiệp Đan Mạch tìm cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tập đoàn Endersen Consult Đan Mạch tổ chức chương trình kết nối doanh nghiệp Việt Nam-Đan Mạch.
Doanh nghiệp Đan Mạch tìm cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam ảnh 1

Ngày 10/1, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Tập đoàn Endersen Consult Đan Mạch tổ chức chương trình kết nối doanh nghiệp Việt Nam-Đan Mạch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai nước kết nối, hợp tác kinh doanh và đầu tư trong các lĩnh vực như dây chuyền sản xuất bia, máy móc chế biến thực phẩm, thủy hải sản, hóa chất, hệ thống lọc nước, lọc gió, chống ngập...

Các doanh nghiệp Đan Mạch đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng cho nhiều mặt hàng chất lượng cao như thực phẩm hữu cơ và máy móc cơ khí phục vụ sản xuất, chế biến thủy hải sản. Đồng thời, với lợi thế về dân số đông và tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh, Việt Nam cũng là địa điểm mà nhiều nhà bán lẻ Đan Mạch muốn tiếp cận.

Theo đại diện Công ty FynboFoods (Đan Mạch), các sản phẩm trái cây, rau quả chế biến của Đan Mạch được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, đạt chất lượng cao với giá cả cạnh tranh trong khi vẫn bảo đảm an toàn thực phẩm. FynboFoods có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở nhiều quốc gia khác nhau về cả chất lượng và giá cả sản phẩm.

Khi tiếp cận thị trường Việt Nam, Fynbo Foods mong muốn hợp tác với các hệ thống siêu thị cũng như đại lý lớn để phân phối các sản phẩm thực phẩm, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, qua đó giới thiệu những sản phẩm chất lượng, mang đặc trưng của Đan Mạch đến với nhiều người tiêu dùng Việt Nam hơn.

Đánh giá cao chất lượng các sản phẩm công nghiệp cơ khí của Đan Mạch, bà Phạm Thị Thu Hường, Phó Giám đốc Công ty cơ khí Đông Phong, cho biết các máy móc thiết bị phục vụ chế biến thủy hải sản của Đan Mạch rất hiện đại, có thể đáp ứng yêu cầu chế biến thủy hải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Ngoài ra, các dây chuyền sản xuất của Đan Mạch chủ yếu là tự động hóa và bán tự động nên cần rất ít nhân công vận hành, giảm được đáng kể chi phí sản xuất.

Theo bà Hường, thông qua việc hợp tác với các công ty Đan Mạch, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ có cơ hội trở thành nhà phân phối các sản phẩm của Đan Mạch mà còn có thể học hỏi công nghệ, cải thiện chất lượng sản phẩm trong nước nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục