Doanh nghiệp dệt may nỗ lực vượt khó khi đơn hàng sụt giảm mạnh

Để ngành dệt may phát triển bền vững, Chủ tịch Vitas đề nghị các doanh nghiệp xây dựng giải pháp phát triển đầu tư công nghệ, tự động hóa, đầu tư chiều sâu đi đôi với bảo vệ môi trường xanh hóa ngành
Doanh nghiệp dệt may nỗ lực vượt khó khi đơn hàng sụt giảm mạnh ảnh 1Đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động trong ngành dệt may. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Sức mua tại nhiều thị trường vẫn chưa hồi phục, nhiều doanh nghiệp dệt may chỉ có đơn hàng ngắn hạn. Vì vậy, để đạt mức tăng trưởng từ 8-10% như mục tiêu đề ra từ đầu năm, các doanh nghiệp dệt may đang đẩy mạnh các giải pháp về quán trị, tập trung vào việc xây dựng thương hiệu, tăng khả năng đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, thích ứng tốt hơn với chuỗi cung ứng.

Đơn hàng ngắn hạn

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào sản xuất, đảm bảo ổn định công ăn việc làm cho người lao động.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ Nguyễn Văn Hải, cho biết nhờ chủ động triển khai linh hoạt các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, doanh thu của đơn vị trong tháng 1 đạt hơn 493 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch tháng.

Theo ước tính của đơn vị, kim ngạch xuất khẩu trong tháng đầu năm đạt 21 triệu USD, bằng 89%; lợi nhuận đạt 27 tỷ đồng, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu trong quý I/2023 đạt khoảng 60 triệu USD, bằng 87% và lợi nhuận đạt 65 tỷ đồng, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2022.

“Thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại cũng như nâng cao tay nghề người lao động để tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa,” ông Nguyễn Văn Hải cho hay.

[Định hướng để Vinatex không lỡ thời cơ lên cao hơn trong chuỗi giá trị]

Còn theo Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dệt kim Đông Xuân (Doximex) Nguyễn Đăng Lợi, đơn vị đã có những đơn hàng bảo đảm việc làm cho người lao động đến hết quý I, đây là tín hiệu tích cực giúp doanh nghiệp đóng góp vào chiến lược “Một điểm đến cung cấp giải pháp trọn gói về dệt may thời trang xanh cho khách hàng, từng bước vươn lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị về thiết kế và thương hiệu” mà Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang triển khai.

“Đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư, nghiên cứu mở rộng thị trường nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động,” đại diện Doximex cho hay.

Trong khi đó, chia sẻ về bức tranh ngành dệt may tháng đầu năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương lo ngại khi tình hình cạnh tranh ngành dệt may trên thế giới đang ngày càng khốc liệt, nhất là với Bangladesh. Mức giá bình quân tất cả sản phẩm dệt may của Bangladesh đang thấp hơn mức bình quân của các nước xuất khẩu như Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc...

Doanh nghiệp dệt may nỗ lực vượt khó khi đơn hàng sụt giảm mạnh ảnh 2Nâng cao kỹ thuật tay nghề của người lao động. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo ông, lượng hàng xuất khẩu của Bangladesh vừa qua tăng đột biến, từ chỗ tương đương Việt Nam ở mức 3,3 tỷ USD/tháng nhưng trong quý 4/2022 tăng mạnh. Cụ thể, tháng 10/2022 lên gần 4,4 tỷ USD, tháng 11 gần 4,6 tỷ USD và tháng 12 lên hơn 4,8 tỷ USD.

Tuy vậy, với thương hiệu đã được khẳng định, ông Dương cũng cho biết, năm 2022, Hugaco và các đơn vị thành viên đều hoàn thành vượt mức kế hoạch, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 300 triệu USD, tăng 10% so với năm 2021. Năm nay, với nhiều giải pháp về thị trường, Tổng Công ty kỳ vọng sẽ đạt tăng trưởng khoảng 5% so với năm trước.

Thích ứng diễn biến thị trường

Cập nhật về tình hình ngành dệt may, ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng Hội đồng Quản trị, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam tháng 1 đạt 2,6 tỷ USD, giảm 38,5% so cùng kỳ năm ngoái, giảm 23% so với tháng trước.

Mặc dù nguyên nhân chính của việc giảm này là do tháng 1/2023 có số ngày làm việc trong tháng ít hơn do kỳ nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán kéo dài. Song, đáng chú ý, tại một số thị trường chủ lực, xuất khẩu có dấu hiệu chững lại.

Đơn cử, xuất khẩu đi Mỹ đạt 1,02 tỷ USD, giảm 46% so cùng kỳ, xuất khẩu đi Trung Quốc đạt 149 triệu USD, giảm 54% so cùng kỳ. Xuất khẩu đi Nhật Bản đạt 266 triệu USD, giảm 17,6% so cùng kỳ.

Hơn nữa, theo dự báo, tổng cầu thế giới về các sản phẩm ngành dệt may năm 2023 sẽ giảm khoảng 5% so với năm 2022, ở mức gần 700 tỷ USD. Việc sụt giảm này không chỉ gây ảnh hưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới các nước trên thế giới.

- Xuất khẩu dệt may vào một số thị trường trong tháng 1:

Doanh nghiệp dệt may nỗ lực vượt khó khi đơn hàng sụt giảm mạnh ảnh 3

Phân tích thêm về thị trường dệt may, Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho hay, trong những tháng đầu năm 2023, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Cụ thể với ngành May, đơn hàng các tháng sau rất thấp tải, thậm chí đơn hàng có xu hướng nhỏ lẻ, phức tạp hơn; giá gia công giảm và cạnh tranh cao. Mặc dù dự báo các đơn hàng ngành May sẽ phục hồi vào quý 2/2023, tuy nhiên sẽ phải cạnh tranh gay gắt về giá từ các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc.

Còn với ngành Sợi, thị trường sợi vẫn ảm đạm, chưa có dấu hiệu phục hồi, giá bán sợi trên thị trường vẫn ở mức thấp trong khi giá bông đưa vào sản xuất tại các đơn vị vẫn cao hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay.

“Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, các đơn vị sợi có thể tận dụng cơ hội khi cầu khôi phục tại thị trường này, tuy nhiên cạnh tranh trên thị trường dệt may thế giới nói chung sẽ rất gay gắt khi các nhà sản xuất của Trung Quốc nhập cuộc,” ông Cao Hữu Hiếu nói.

Lường trước những biến động và khó khăn kéo dài của thị trường, Cơ quan Điều hành Tập đoàn đã sớm đưa ra các giải pháp để ứng phó với tình hình, đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm.

Đặc biệt, tăng cường giải pháp đối với các doanh nghiệp sợi nhằm duy trì sản xuất, giữ ổn định nguồn lao động, đảm bảo dòng tiền và chuẩn bị nguồn lực đón đầu khi thị trường ấm lên.

Cụ thể, Vinatex đã đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất sản phẩm dệt kim của Tập đoàn. Điều này vừa giúp các đơn vị sản xuất vải và may trong Tập đoàn chủ động nguồn cung nguyên liệu, giảm tồn kho sợi, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng của chuỗi. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, cần tạo sự liên kết giữa các đơn vị sợi, dệt kim, may với sự điều phối tập trung của Tập đoàn.

Cùng với đó, tăng cường các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải để đảm bảo vừa tiết giảm chi phí vừa theo đúng lộ trình đáp ứng các yêu cầu về môi trường của các nhà mua hàng.

Ông đề nghị ngành Sợi cần bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất dệt, may để đẩy mạnh tiêu thụ sợi, cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang khẳng định, để ngành dệt may phát triển bền vững, sớm đạt mục tiêu đề ra, ngành sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu để giải quyết phần cung thiếu hụt, đồng thời, xây dựng các giải pháp bán hàng FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm), ODM (thiết kế và sản xuất theo đơn đặt hàng)...

Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp trong ngành xây dựng giải pháp phát triển đầu tư công nghệ, tự động hóa, quản trị số và môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch bắt kịp xu thế toàn cầu; đẩy mạnh chương trình đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu đi đôi với bảo vệ môi trường xanh hóa ngành dệt may; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục