Doanh nghiệp FDI vẫn phải "gõ cửa" xin giải quyết!

Hàng loạt các vấn đề được coi là những vướng mắc làm cản trở sự kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hiện diện ở Việt Nam như đình công, thuế, lao động... đã khiến cho cuộc đối thoại với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sáng nay tại Hà Nội thực sự "nóng."

Hàng loạt các vấn đề được coi là những vướng mắc làm cản trở sự  kinh doanh của  các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hiện diện ở Việt Nam như đình công, thuế,  lao động... đã khiến cho cuộc đối thoại với  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sáng nay tại Hà Nội thực sự "nóng."

Vẫn phải đi "gõ cửa" xin giải quyết

Đánh giá của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đều cho rằng, Việt Nam là nơi đầu tư tốt cho trung và dài hạn, dù khủng hoảng kinh tế nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lạc quan đầu tư vào Việt Nam.

Ông Kim Ho Kyun, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, trong tổng số 250 doanh nghiệp đang làm ăn tại Việt Nam thì 48% muốn kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, 40% doanh nghiệp muốn tiếp tục làm ăn tại Việt Nam và chỉ 2% doanh nghiệp muốn chuyển khỏi Việt Nam.

Tuy nhiên, một số vấn đề của Việt Nam hiện nay như: đình công, thuế, định chế về tài chính, thủ tục hành chính và chất lượng lao động… đang khiến các doanh nghiệp FDI gặp không ít khó khăn.

“Có quá nhiều sự trì hoãn khi các dự án đầu tư được phê duyệt, một  vấn đề nhưng doanh nghiệp phải gõ cửa rất nhiều bộ, ngành để giải quyết,” ông Ashok Sud, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) nhận định.

Ông Ashok Sud cũng nhấn mạnh đến việc hạn chế cho vay ở mức 4,5 triệu USD của các Ngân hàng nước ngoài được xem là một ngưỡng cản lớn cho các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nhất là trong khi kinh tế gặp khó khăn, việc hạn chế này khiến ngân hàng có vốn mà cũng không thể giải ngân được.

Bên cạnh đó, chất lượng lao động của Việt Nam chưa cao và vấn đề đình công không đúng pháp luật khiến các doanh nghiệp nước ngoài gặp không ít khó khăn khi quyết định làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Ông Daniel Huang, Giám đốc Hội đồng doanh nghiệp Đài Loan ở miền Bắc cho rằng, Việt Nam được đánh giá cao nhất trong khu vực Đông Nam Á của các doanh nghiệp Đài Loan, nhưng để tuyển dụng các lao động có tay nghề cao là rất khó. Đây cũng là vấn đề gặp phải của hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, bởi sau khi tuyển dụng lao động rồi thì doanh nghiệp phải chi phí rất nhiều cho đào tạo lại.

Trong khi  kinh tế sụt giảm thì việc tranh chấp trong lao động sẽ xảy ra nhiều, tuy nhiên việc đình công không đúng pháp luật là vấn đề gây thiệt hại không nhỏ cho nhiều doanh nghiệp làm ăn tại Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Toàn, Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp FDI cho rằng, cần xem xét lại vấn đề đình công không đúng pháp luật và cần có một tổ chức đại diện cho các bên đứng ra để hòa giải, tránh những thiệt hại không đáng có.

Cần có những chính sách dài hạn

Đại diện các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đều khẳng định, cơ hội làm ăn lâu dài tại Việt Nam là rất lớn, khủng hoảng cũng là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu lại sản xuất và đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn như cơ sở hạ tầng, công nghiệp và đặc biệt là các ngành có lợi thế cạnh tranh trong tương lai như: Giáo dục đào tạo, công nghiệp phụ trợ... để định hướng phát triển.

Các chuyên gia cho rằng, cần có tầm nhìn trong 5 - 15 năm tới và tập trung đầu tư cho các ngành có lợi thế cạnh tranh của đất nước, đặc biệt việc gửi du học sinh đi đào tạo nước ngoài sẽ là sự bù đắp những khó khăn đó, nhưng cần phải có chính sách để thu hút họ quay về.

“Giáo dục hiện nay là tốt, nhưng chỉ đạt những mục tiêu lỗi thời, làm sao để sau các khóa học thì sinh viên có thể nắm bắt công việc được ngay,” Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Bỉ và Luxemburg nói.

Ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, các vướng mắc của doanh nghiệp như: cơ chế một cửa và cải cách hành chính là phù hợp với việc điều tra độc lập của VCCI. Việc chỉ ra những yếu kém này sẽ tạo ra áp lực để đổi mới cách điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam đang phát triển, chất lượng lao động còn thiếu hụt nhiều nên rất khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này./.

Xuân Quảng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục